Bệnh chân tay miệng là một trong những căn bệnh truyền nhiễm và thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Để phòng tránh và điều trị bệnh chân tay miệng ở trẻ em thì chế độ kiêng kỵ đối với bệnh là việc làm vô cùng cần thiết. Vậy trẻ bị chân tay miệng cần kiêng những gì? Mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây.
Mục lục
Sơ lược về bệnh chân tay miệng ở trẻ em
Bệnh chân tay miệng là bệnh truyền nhiễm do sự xâm nhập của các virus đường ruột gây ra như: Virus Enterovirus (E71, E68), Coxsackievirus A16, Coxsackievirus B.
Bệnh có tính chất lây lan cao, chủ yếu xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh tay chân miệng là do nhóm virus nonpolio enterovirus gây nhiễm khuẩn cho cơ thể. Đường lây nhiễm chính của bệnh là qua đường tiêu hóa. Ngoài ra, đây là loại bệnh truyền nhiễm nên trẻ cũng có thể dễ dàng mắc bệnh qua các yếu tố nguy cơ như:
– Trẻ tiếp xúc với người bị bệnh, nước bọt và dịch đờm của người bệnh bắn vào khi giao tiếp.
– Trẻ cầm nắm đồ chơi, các vật có dính nước bọt của người bệnh.
– Mụn của người bệnh vỡ ra và dính vào trẻ.
Trẻ sống trong môi trường có người mắc bệnh và nhiễm khuẩn từ không khí do người bệnh hắt hơi.
Bệnh tay chân miệng ở trẻ thường sẽ hồi phục hoàn toàn sau 3 – 5 ngày nếu được điều trị đúng cách. Tuy nhiên, trong một số trường hợp bệnh cũng có thể để lại những biến chứng nguy hiểm như: Biến chứng tim mạch, biến chứng thần kinh và biến chứng về hô hấp.
Những dấu hiệu của bệnh chân tay miệng ở trẻ em
Khi trẻ bị chân tay miệng thường có các dấu hiệu sau.
Trên da xuất hiện nổi ban
Dấu hiệu đặc trưng của bệnh chân tay miệng và xuất hiện sau 1 – 2 ngày nhiễm bệnh. Lúc này các nốt ban hồng với đường kính khoảng vài mm ở trên da và lâu dần hình thành bọng nước.
Vị trí nổi nhiều ban đỏ với kích thước từ 2 – 5mm màu xám sẫm, hình bầu dục này là ngón tay, lòng bàn tay, bàn chân, mông… Tuy nhiên những dấu hiệu này sẽ kéo dài khoảng 10 ngày nhưng không gây đau hoặc ngứa.
Loét miệng
Nguyên nhân gây ra loét miệng là do các nốt ban đỏ xuất hiện ở miệng. Khi đó vết loét ở trong miệng, trên lưỡi, vòm miệng làm cho trẻ ăn uống gặp khó khăn, có cảm giác đau. Các bậc phụ huynh rất dễ nhầm lẫn hiện tượng này với với tình trạng nhiệt miệng nên chủ quan và rất dễ làm cho tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn rất nhiều.
Sốt
Sốt chính là biểu hiện đầu tiên của bệnh chân tay miệng. Thông thường, trẻ sẽ bị sốt từ 2 – 3 ngày, có thể sốt nhẹ đến sốt vừa, có nhiều trường hợp sốt nặng. Sau khi sốt, trẻ sẽ có các nốt ban xuất hiện trong miệng, lòng bàn tay, bàn chân miệng, lưỡi, bên trong má, và đôi khi cũng gặp ở mông. Nếu trẻ bị sốt cao mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám càng sớm càng tốt tránh biến chứng nguy hiểm đe dọa sức khỏe và tính mạng của trẻ.
Mệt mỏi, đau họng
Khi virus xâm nhập vào cơ thể, trong 3 – 7 ngày trẻ thường có các biểu hiện mệt mỏi, đau họng. Đau họng ngay cả khi nuốt thức ăn, trẻ thường nằm li bì, không muốn hoạt động chân tay, người lờ đờ.
Thường xuyên giật mình
Đây là một trong những dấu hiệu cảnh báo trẻ bị nhiễm độc thần kinh dẫn đến cơ thể trẻ mệt mỏi, ngủ li bì, dễ giật mình, ngủ không ngon giấc.
Ngoài các dấu hiệu nổi ban, sốt, loét miệng, giật mình thường xuyên, trẻ còn có những dấu hiệu sau:
- Toàn thân vã mồ hôi.
- Gặp vấn đề trong đường thở, thở bất thường, thở khò khè, lõm ngực…
- Run người, run chi, đi loạng choạng, ngồi không vững.
- Đau nhức cơ bắp, đau đầu, cứng cổ
- Bồn chồn.
- Thích ăn những thức ăn mềm, đồ uống lạnh.
Theo các chuyên gia y tế khuyến cáo, khi trẻ bị lây nhiễm nguồn bệnh từ người khác các dấu hiệu bệnh không biểu hiện rõ rệt ngay mà phải mất 3 – 6 ngày các dấu hiệu này mới có biểu hiện rõ rệt và thường được gọi là giai đoạn ủ bệnh.
Một số trường hợp trẻ bị mắc chân tay miệng nhưng không có dấu hiệu của bệnh hoặc các triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường khác dẫn đến tình trạng chủ quan. Do vậy, khi thấy trẻ có bất kỳ những dấu hiệu bất thường nào, hãy theo dõi và đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời để tránh những biến chứng đáng tiếc xảy ra.
Trẻ bị chân tay miệng cần kiêng những gì?
Khi phát hiện trẻ bị bệnh chân tay miệng, bên cạnh các phương pháp điều trị như sử dụng thuốc hạ sốt paracetamol, hoặc hạ sốt bằng cách chườm ấm, mắc quần áo thông thoáng cho trẻ, sát khuẩn niêm mạc miệng, bổ sung các chất dinh dưỡng cho trẻ bằng các loại thức ăn mềm lỏng như cháo, súp, sinh tố, vệ sinh sạch sẽ thân thể sau khi tắm, vệ sinh, các bậc phụ huynh cần chú ý kiêng kỵ khi trẻ bị tay chân miệng như sau.
Trẻ bị chân tay miệng cần kiêng những đồ dùng sinh hoạt chung
Bệnh chân tay miệng do virus là bệnh truyền nhiễm do sự xâm nhập của các virus đường ruột gây ra như: Virus Enterovirus (E71, E68), Coxsackievirus A16, Coxsackievirus B.
Mặc dù bệnh thường gặp ở trẻ từ 0-10 tuổi, nhưng nếu không được cách ly an toàn với trẻ, người lớn vẫn hoàn toàn có thể bị lây nhiễm bệnh chân tay miệng từ trẻ. Do vậy, khi trẻ bị bệnh chân tay miệng, các bậc phụ huynh không nên cho trẻ dùng chung đồ với gia đình như: thau, chậu, bát, đĩa….
Các đồ dùng của trẻ như bát, đĩa, thìa, cốc, khăn mặt… cần phải được dùng riêng, để tách biệt với các dụng cụ trong gia đình. Trước khi sử dụng cần tráng qua nước sôi ở nhiệt độ cao hoặc cho vào xoong đun sôi để tiệt trùng các loại vi khuẩn gây bệnh.
Đối với những loại đồ chơi, trẻ thường đụng chạm, mút, ngậm hay núm vú cao su đối với những trẻ chưa cai sữa cần phải được để riêng hoặc vệ sinh sạch sẽ không cho các bé khác trong gia đình dùng chung.
Ngoài ra, khi trẻ bị chân tay miệng, các bậc phụ huynh cần hạn chế ôm, hôn bởi các bọng nước, nước bọt, dịch tiết ra của bé sẽ là nguồn lây bệnh.
Trẻ bị chân tay miệng cần kiêng những thực phẩm cay, cứng, và nóng
Khi trẻ bị bệnh chân tay miệng ở giai đoạn toàn phát thường có các triệu chứng loét miệng. Các vết loét trong khoang miệng khiến cho trẻ đau rát, lở miệng khó nuốt dẫn đến tình trạng chán ăn, biếng ăn và tăng tiết nước bọt, quấy khóc cả ngày, mệt mỏi, ngủ không ngon giấc…
Trẻ càng phản ứng nếu như các bậc phụ huynh cho trẻ ăn các loại thức ăn cay, cứng và nóng. Bởi các loại thức ăn này khiến cho bé khó nhai, dễ dàng chà xát vào những vết loét trong khoang miệng, khiến các vết loét rộng ra, khiến trẻ thêm đau và khó chịu.
Do vậy, các bậc phụ huynh tuyệt đối không cho trẻ ăn các loại thức phẩm cay, nóng, và cứng, thay vào đó cho trẻ ăn các loại thức ăn ở dạng lỏng như cháo, súp, sinh tố.. vừa giúp bé dễ dàng tiêu hóa vừa tránh được chà xát lên vết loét.
Ngoài ra, không nên cho trẻ sử dụng các loại thức ăn có tính axit cao như chanh, cam… bởi các loại thức ăn này làm ảnh hưởng đến các vết loét, khiến cho các vết thương trong miệng lâu khỏi.
Trẻ bị chân tay miệng cần kiêng những việc chọc mụn
Khi trẻ bị chân tay miệng sau 1-2 ngày, sẽ xuất hiện các nốt phỏng nước ở bàn chân, mông, mặt, lòng bàn tay… do vậy, các bậc phụ huynh tuyệt đối không để cho trẻ dùng tay gãi hoặc chọc mụn nước, bởi việc gãi, chọc mụn nước không chỉ để lại sẹo thâm trên da bé còn khiến các vết thương rộng dễ nhiễm trùng.
Khi bị nhiễm trùng các vết thương càng khiến cho bệnh trở nên nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ như sốt cao, viêm màng não, suy hô hấp, suy tuần hoàn. Đồng thời, việc gãi làm cho vết loét lan rộng các các chỗ xung quanh khiến bé đau đớn quấy khóc, mệt mỏi.
Trẻ bị chân tay miệng cần kiêng những loại xà phòng có tính tẩy mạnh
Khi trẻ bị chân tay miệng, da của trẻ thường bị tổn thương nguyên nhân do các vết nốt phỏng nước gây ra. Do vậy các bậc phụ huynh tuyệt đối không nên sử dụng các loại xà phòng có tính tẩy mạnh , thay vào đó nên sử dụng các loại xà phòng tắm, sữa tắm có nguồn gốc thiên nhiên bằng các loại lá cây, thảo dược không chứa chất kích ứng da.
Một số lưu ý khi chăm sóc trẻ bị chân tay miệng
Bệnh cạnh những việc kiêng khi trẻ bị chân tay miệng, các bậc phụ huynh còn lưu ý một số vấn đề sau.
Không nên ép bé ăn nhiều cùng một lúc
Trẻ thường chán ăn, lười ăn khi bị bệnh chân tay miệng, nguyên nhân do các vết loét trên miệng làm cho trẻ không muốn ăn kèm theo đó là triệu chứng mệt mỏi, sốt.
Mặc dù cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho trẻ, tuy nhiên các bậc phụ không nên cố ép cho bé ăn thật nhiều hoặc cùng một lúc điều này khiến bé chán ăn và mệt mỏi. Thay vào đó, hãy chia nhỏ bữa ăn trong ngày thành nhiều bữa bằng các loại thức ăn loãng và nguội.
Mỗi bữa cách nhau 2 – 3 tiếng, xen kẽ các bữa cho trẻ ăn thêm hoa quả tươi sinh tố vừa thay đổi khẩu vị vừa kích thích cho trẻ ăn ngon miệng tăng sức đề kháng.
Không nên kiêng tắm cho trẻ
Khi trẻ bị chân tay miệng, nhiều bậc phụ huynh sợ tắm sẽ làm cho trẻ lạnh, khiến trẻ sốt cao hoặc làm vỡ các vết phỏng rộp. Tuy nhiên đây là quan niệm sai lầm bởi trong suốt thời gian trẻ bị bệnh nếu không tắm sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh khác như nhiễm trùng, ghẻ lở. Vì vậy, các bậc phụ huynh không cần kiêng tắm cho trẻ.
Hàng ngày, nên tắm cho trẻ trong phòng kín gió, dùng tay xoa nhẹ nhàng lên da trẻ để loại bỏ các chất bẩn, tránh chà xát mạnh lên những vết phỏng rộp. Sử dụng các loại xà phòng, sữa tắm dịu nhẹ, chiết xuất từ thiên nhiên từ các loại lá cây, không sử dụng các loại sữa tắm chứa hóa chất.
Đối với các vết loét trong miệng, hàng ngày cho trẻ súc miệng bằng nước muối sinh lý để vừa sát khuẩn vừa bảo vệ sức khỏe răng miệng.
Không nên kiêng ăn uống quá mức
Trẻ bị chân tay miệng thường mệt mỏi, sụt cân, do vậy cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, đủ chất để tăng sức đề kháng cho trẻ. Tuy nhiên, rất nhiều bậc phụ huynh không cho trẻ ăn các loại thực phẩm như rau muống, thịt gà, gạo nếp, lòng trắng trứng, hay thịt bò…sợ trẻ bị sẹo và lâu khỏi bệnh.
Đây là quan niệm sai lầm bởi việc kiêng quá nhiều thực phẩm sẽ khiến trẻ suy giảm chất dinh dưỡng, không có sức đề kháng, không đủ sức khỏe để chống lại các virus gây bệnh.
Các bậc phụ huynh cần cho trẻ ăn đủ chất, bổ sung nhiều các loại thức ăn như rau, củ, quả, thịt, cá bằng việc xay nhuyễn, chế biến ở dạng cháo, súp, sinh tố…để tăng sức đề kháng, tăng hệ miễn dịch cho trẻ. Đối với những trẻ chưa cai sữa vẫn bú bằng sữa mẹ, nên cho trẻ bú thường xuyên để bổ sung đủ nước và chất dinh dưỡng từ sữa mẹ.
Không tự ý dùng thuốc khi không có chỉ định bác sĩ
Bệnh chân tay miệng là do virus gây nên, thuốc kháng sinh không có hiệu quả trong điều trị bệnh này trừ khi các vết loét bị nhiễm trùng. Khi thấy bé đau tuyệt đối không cho bé dùng thuốc giảm đau có chứa aspirin bởi nó có thể gây hội chứng Reye hiếm gặp nhưng có thể gây tử vong.
Ngoài ra, các bậc cha mẹ không nên bôi các loại thuốc mỡ lên vết loét. Vết loét là vết thương hở, thuốc mỡ khiến chúng không thể khô đi và đóng vảy, nghiêm trọng hơn còn có thể gây nhiễm trùng ngoài da thậm chí là nhiễm trùng máu.
Nghỉ ngơi đầy đủ
Khi trẻ mắc bệnh chân tay miệng thường đau, hay quấy khóc không chịu ngủ. Các bậc phụ huynh cần dỗ dành để bé ngủ đủ giấc và nghỉ ngơi để nhanh chóng lành bệnh. Đồng thời cần theo dõi giấc ngủ để xem trẻ có giật mình, khó chịu hay có dấu hiệu biến chứng gì không. Đảm bảo giữ gìn vệ sinh môi trường sống của trẻ. Khi có những triệu chứng nặng cần đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị ngay lập tức và kịp thời.
Trên đây là một số gợi ý trả lời cho câu hỏi trẻ bị tay chân miệng cần kiêng những gì để hạn chế các biến chứng nguy hiểm và rút ngắn thời gian điều trị, trẻ mau hồi phục.