Viêm tuyến giáp là hiện tượng viêm cấp hoặc mạn tính tại tuyến giáp do nhiều căn nguyên khác nhau và thường gây ra nhiều thay đổi khác nhau của chức năng tuyến giáp.
Chức năng tuyến giáp có thể chuyển từ tình trạng cường giáp, bình giáp hoặc suy giáp tuỳ theo từng giai đoạn bệnh. Để phân biệt các loại viêm tuyến giáp cần dựa vào các triệu chứng lâm sàng, đặc biệt là tình trạng đau vùng cổ, tốc độ khởi phát bệnh, tiền sử gia đình và kết quả xét nghiệm sinh hoá.
Triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng
Nhiễm độc giáp
Trong viêm tuyến giáp bán cấp, viêm tuyến giáp không đau, viêm tuyến giáp sau sinh, tổn thương viêm của tuyến gây phá huỷ tế bào tuyến, dẫn đến giải phóng hàng loạt hormon giáp vào hệ tuần hoàn. Do đó, bệnh nhân thường có biểu hiện cường giáp thoáng qua. Khi dự trữ hormon giáp bị cạn kiệt, các biểu hiện bệnh sẽ tiến triển sang giai đoạn bình giáp rồi suy giáp. Các triệu chứng nhiễm độc giáp thường không nặng.
Các triệu chứng hay gặp: chủ yếu là các triệu chứng cường giao cảm như da ấm, ẩm, run tay, nhịp tim nhanh, hồi hộp, trống ngực. Các triệu chứng về mắt, phù niêm trước xương chày, bướu mạch không gặp trong viêm tuyến giáp.
Xét nghiệm trong giai đoạn này thường giống như các bệnh lý nhiễm độc giáp khác: hormon TSH giảm thấp, hormon giáp (T3, T4, FT3, FT4) tăng nhưng thường không tăng quá cao, nồng độ T4 tăng nhiều hơn T3.
Suy giáp
Pha suy giáp trong viêm tuyến giáp do sự cạn kiệt dần lượng hormon giáp dự trữ trong tuyến. Suy giáp có thể ngắn hạn hoặc vĩnh viễn tuỳ loại viêm tuyến giáp.
Triệu chứng: thường kín đáo nhưng cũng có thể rõ như sợ lạnh, mạch chậm, táo bón…
Xét nghiệm: TSH tăng đồng thời với giảm các hormon tuyến giáp (FT3, FT4). Trường hợp TSH tăng và nồng độ FT3, FT4 bình thường còn gọi là suy giáp cận lâm sàng hoặc suy giáp nhẹ.