Ở nước ta, bệnh chân tay miệng có xu hướng tăng cao vào 2 thời điểm từ tháng 3 – 5 và từ tháng 9 -12. Bệnh thường gặp ở trẻ em nhiều hơn người lớn, bởi trẻ em có hệ miễn dịch yếu. Vậy triệu chứng chân tay miệng ở trẻ em như thế nào. Cách điều trị và phòng tránh ra sao. Mời các bậc phụ huynh tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Mục lục
Triệu chứng chân tay miệng ở trẻ em qua từng giai đoạn
Bệnh chân tay miệng ở trẻ em là bệnh gì?
Trẻ em là những đối tượng có nguy cơ nhiễm virus và mắc bệnh chân tay miệng nhiều hơn so với người lớn. Bởi trẻ em thường có sức đề kháng, hệ miễn dịch yếu, khả năng chống lại sự tấn của của virus là rất yếu cho nên rất dễ bị virus tấn công.
Bệnh chân tay miệng ở trẻ em chủ yếu do hai loại virus Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 (EV71) gây ra. Khi trẻ bị nhiễm virus Enterovirus typ 71 (EV71) quá trình điều trị thường lâu hơn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm não, viêm màng não, viêm phổi, viêm cơ tim và có thể dẫn đến tử vong. Trong khi đó, trẻ em nhiễm virus virus Coxsackie A16, quá trình điều trị thường đơn giản hơn, sau 5 – 7 ngày điều trị, trẻ khỏi hoàn toàn, không gây biến chứng cho cơ thể.
Ngoài ra, bệnh chân tay miệng ở trẻ em có thể lây truyền dễ dàng qua nước bọt, dịch hầu họng, phân, đồ dùng chung của người bệnh.
Bệnh chân tay miệng ở trẻ em chia thành các cấp độ từ 1 đến 4 dựa trên những triệu chứng lâm sàng của bệnh. Đối với những trẻ mắc chân tay miệng cấp độ 1 có thể điều trị tại nhà theo sự hướng dẫn của bác sĩ, tái khám sau 1-2 ngày tại các cơ sở y tế. Trẻ mắc chân tay miệng cấp độ 2 trở đi, sẽ được điều trị nội trú tại bệnh viện để tránh những biến chứng xảy ra.
Triệu chứng chân tay miệng ở trẻ em qua từng giai đoạn
Khi trẻ bị mắc bệnh chân tay miệng thường có các triệu chứng như sốt, đau họng, loét miệng, mệt mỏi, nổi bọng nước trên da, giật mình, quấy khóc, chán ăn, sụt cân.. Các triệu chứng chân tay miệng thay đổi theo từng giai đoạn ủ bệnh, khởi phát và toàn phát.
Giai đoạn ủ bệnh
Trẻ em khi bị mắc bệnh chân tay miệng thường có thời gian ủ bệnh kéo dài từ 3 – 6 ngày. Các triệu chứng của giai đoạn này thường không rõ rệt và hay nhầm lẫn với các bệnh thông thường khác như cảm cúm, phát ban. Triệu chứng bao gồm sốt nhẹ ở chiều hoặc tối, đau họng, miệng tiết nhiều nước bọt, chán ăn, tiêu chảy nhẹ, mệt mỏi không muốn chơi đùa. Trong một số trường hợp các bậc phụ huynh có thể sờ thấy ở cổ có hạch và dưới hàm.
Giai đoạn khởi phát
Ở giai đoạn này trẻ thường có các triệu chứng sau:
Sốt: Thường sau 1 – 2 ngày, trẻ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng rõ rệt như sốt, dao động từ 38 – 39 độ C hoặc sốt cao 40 độ C, đau họng, bỏ ăn, mệt mỏi, trong ngày tiêu chảy vài lần.
Loét miệng: ở các vị như lợi, lưỡi và niêm mạc má xuất hiện các bóng nước có đường kính từ 1 – 2 mm, có thể vỡ nếu đụng đến, tạo thành các vết loét, dẫn đến trẻ bị tăng tiết nước bọt. Các vết loét khiến trẻ đau khi ăn, khó chịu, ăn không ngon miệng, bỏ ăn, quấy khóc thường xuyên trong ngày.
Tổn thương da xuất hiện: Tại các vị trí như lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông xuất hiện nhiều bóng nước với đường kính dao động từ 2 – 10mm, hình bầu dục, màu xám. Khi ấn tay hoặc sờ vào có cảm giác cộm, lồi trên da hoặc ẩn dưới da, không đau, không ngứa
Giai đoạn toàn phát
Đây là giai đoạn thường kéo dài từ 3- 10 ngày, các triệu chứng của bệnh chân tay miệng ở trẻ có dấu hiệu nặng hơn như sốt cao trên 30 độ C, uống thuốc hạ sốt không giảm, tình trạng loét miệng rộng hơn ở các vị trí trong má, lợi, lưỡi, các nốt phát ban ở dạng phỏng nước lan ra khắp người, nôn nhiều, khó thở, ngủ không ngon giấc, hay giật mình, lờ đờ, đi lại loạng choạng, không vững.
Đây là giai đoạn khả năng gây ra các biến chứng là rất cao nếu như không được điều trị kịp thời. Các biến chứng chủ yếu bao gồm:
Biến chứng tim mạch, hô hấp bao gồm: suy tim, viêm cơ tim, phù phổi cấp, huyết áp tăng cao, trụy mạch,…
Biến chứng thần kinh bao gồm: viêm màng não, viêm não, , viêm thân não, viêm não tủy.
Co giật toàn thân, cơ giật cơ, giật mình ngay cả khi ngủ hoặc chơi 1-2 giây.
Ngủ li bì, ngủ gà gậy, đi không vững, cơ thể mất thăng bằng, run chi, mắt nhìn ngược, run giật nhãn cầu.
Hôn mê, thân tím tái đây là những triệu chứng nặng của bệnh chân tay miệng ở trẻ em, đi kèm với biểu hiện suy hô hấp, suy tuần hoàn. Trẻ phải sử dụng bằng máy thở.
Giai đoạn lui bệnh
Thời gian lui bệnh của trẻ thường sau 3 – 5 ngày điều trị tích cực bằng các phương pháp khác nhau nếu không có biến chứng nào xảy ra.
Cách điều trị chân tay miệng triệu chứng ở trẻ em
Bệnh chân tay miệng ở trẻ em do virus gây ra nhưng hiện nay vẫn chưa có vacxin và thuốc điều trị đặc hiệu. Các biện pháp chủ yếu là điều trị các triệu chứng của bệnh và điều trị các biến chứng do virus gây ra.
Điều trị bằng thuốc hạ sốt
Khi trẻ bị chân tay miệng ở giai đoạn khởi phát, sốt là một trong những triệu chứng điển hình, trẻ có thể sốt cao trên 39 độ C.
Do vậy, các bậc phụ huynh cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt paracetamol với liều lượng 10 – 15mg/kg, với mỗi lần dùng cách nhau 4 – 6 tiếng. Đối với những trẻ quá nhỏ, không sử dụng được thuốc hạ sốt paracetamol, có thể thay thế bằng viên hạ sốt đặt vào hậu môn trẻ.
Việc sử dụng viên đạn hạ sốt giúp tránh được tương tác với bộ máy tiêu hóa, giảm được hiện tượng nôn ói, co giật. Cần chú ý, nên đặt thuốc sau khi trẻ đã đi đại tiện.
Nếu còn sốt, sau 6 giờ có thể đặt viên khác, nhưng không được quá 4 viên/ngày. Không dùng nhiều loại thuốc có chứa paracetamol cùng một lúc để tránh quá liều có hại cho gan.
Điều trị bằng bổ sung nước
Trẻ thường mất nước khi bị chân tay miệng, nguyên nhân của tình trạng này là do cơ thể sốt cao trẻ đổ mồ hôi nhiều dẫn tới mất nước, khô miệng, đôi mắt trũng xuống, độ tập trung kém, táo bón.
Để bổ sung nước các bậc phụ huynh có thể cho trẻ bú thường xuyên với tần suất nhiều lần trong ngày, hoặc uống dung dịch điện giải Oresol và Hydrite. Tại các bệnh viện, các bác sĩ sẽ truyền nước biển cho trẻ để tránh những biến chứng như đông máu, tắc nghẽn mạch, mệt mỏi,…
Bên cạnh đó cho trẻ ăn các loại thức ăn lỏng, bổ sung các loại nước ép trái cây nhiều nước như dưa hấu, cam, nước dừa, sữa chua. Mặc quần áo thông quá cho trẻ để hạn chế tình trạng đổ mồ hôi.
Điều trị bằng dung dịch sát khuẩn, khử khuẩn
Các loại dung dịch sát khuẩn được dùng cho trẻ bao gồm các loại dung dịch glycerin borat, Gel rơ miệng (kamistad, zyttee…) để lau sạch miệng cho trẻ trước và sau ăn, giúp trẻ ăn thuận tiện hơn. Ngoài ra có thể dùng các loại gel cho trẻ như: Lidocain, xịt miệng benzydamin, súc miệng benzydamin, hoặc cũng có thể sử dụng nước muối sinh lý (NaCl 0,9%).
Đối với các loại quần áo, đồ dùng cá nhân của trẻ các bậc phụ huynh dùng các loại dung dịch khử khuẩn cloramin 2% để ngăn chăn sự xâm nhập của virus từ các đồ dùng này.
Điều trị bằng tắm lá
Bên cạnh các phương pháp điều trị như dùng thuốc hạ sốt paracetamol, bổ sung các dung dịch điện giải… để làm sạch da cho trẻ, các bậc phụ huynh có thể kết hợp sử dụng một số loại cây cỏ như: rau sam, lá bạc hà, lá chè xanh, cỏ mực… để tắm cho trẻ ngày 1 lần cho đến khi khỏi bệnh. Các loại lá này có tác dụng thanh nhiệt, làm mát da, kháng viêm, sát khuẩn, giúp giảm nhiễm trùng đối với các mụn nước, vết loét trên da.
Ngoài ra, đối với những trẻ có biến chứng nặng, các bác sĩ sẽ chỉ định dùng một số các loại thuốc như:
Biến chứng não, màng não dùng thuốc chống co giật như phenobarbital.
Biến chứng viêm não, kèm liệt, rối loạn tri giác, co giật dùng thuốc chống phù não, chống co giật và kháng sinh phòng bội nhiễm, điều chỉnh rối loạn nước, điện giải, thăng bằng kiềm toan và theo dõi sát mạch, nhiệt, huyết áp, nhịp thở, kiểu thở, tri giác…
Biến chứng hô hấp, suy tim mạch được thở oxy, thở máy, truyền dịch chống sốc, dobutamin, kháng sinh phòng bội nhiễm, truyền tĩnh mạch lmmunoglobulin (gammaglobulin)…
Cách phòng ngừa bệnh chân tay miệng ở trẻ em
Bệnh chân tay miệng ở trẻ em là loại bệnh truyền nhiễm do các virus Coxsackievirus A16, Coxsackievirus B, Enterovirus (E71, E68) gây ra. Các loại virus lây từ người sang người và thường tồn tại trong đường tiêu hóa trong thời gian dài. Hiện nay chưa có thuốc đặc trị và vacxin phòng bệnh chân tay miệng. Do đó việc phòng ngừa bệnh chân tay miệng ở cả người lớn và trẻ em là điều hết sức quan trọng.
Để chủ động phòng ngừa bệnh chân tay miệng ở trẻ em, Bộ Y tế khuyến cáo các bậc phụ huynh cần thực hiện các biện pháp sau:
Vệ sinh thân thể trẻ sạch sẽ
Rửa tay bằng xà phòng, gel rửa tay khô thường xuyên trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn và sau khi đi vệ sinh hoặc rửa tay khi làm vệ sinh, thay tã cho trẻ em.
Đảm bảo vệ sinh khi ăn uống, thực hiện ăn chín, uống sôi. Các đồ dùng ăn uống như bát, đũa, thìa phải được tráng qua bằng nước sôi hoặc nước muối trước khi sử dụng cho trẻ.
Các loại nguồn nước sinh hoạt, nước uống hàng ngày phải đảm bảo vệ sinh, sạch sẽ
Khử khuẩn các đồ dùng trong nhà
Các loại quần áo, tã lót, khăn mặt của trẻ không được dùng chung, phải được được ngâm bằng dung dịch sát khuẩn, phơi dưới ánh nắng mặt trời.
Các loại bề mặt như sàn nhà, bàn, ghế, dụng cụ học tập, tay vịn cầu thang, các loại đồ chơi của trẻ phải được rửa sạch bằng xà phòng thường xuyên hoặc rửa bằng các loại chất chuyên tẩy rửa để đảm sạch sẽ khi cho trẻ chơi.
Các loại rác thải trong gia đình, trường học phải được thu gom thường xuyên, không để rác thải ứ đọng.
Ngoài ra, khi trẻ bị bệnh chân tay miệng các bậc phụ huynh cần lưu ý một số vấn đề sau:
Bệnh chân tay miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người qua người thông qua tiếp xúc cho nên tuyệt đối không cho trẻ tiếp xúc với những trẻ mắc chân tay miệng hoặc người lớn mắc chân tay miệng.
Không cho trẻ gãi, sử dụng các dụng cụ để chọc mụn nước trên cơ thể của trẻ, vì điều này sẽ gây nhiễm trùng, khó khăn cho việc điều trị.
Không được kiêng tắm, bởi việc việc kiêng tắm sẽ gây ra một số bệnh truyền nhiễm như ghẻ lở…
Không được kiêng gió và ủ ẩm quá mức, bởi việc ủ ấm quá mức sẽ ảnh hưởng đến quá trình điều trị đặc biệt khi trẻ sốt cao sẽ gây ra những biến chứng như co giật.
Khi trẻ bị bệnh chân tay miệng cần cách ly trẻ tại nhà, tuyệt đối không được đưa trẻ đến các cơ sở trường học.
Khi trẻ bị bệnh chân tay miệng sức đề kháng rất yếu cho nên cần phải bổ sung các loại chất dinh dưỡng cho trẻ bằng các loại thức ăn lỏng, loãng như cháo, súp, sinh tố hoặc bổ sung nước cho trẻ bằng các loại trái cây, rau xanh. Cho trẻ ăn nhiều lần trong ngày, mỗi bữa cách nhau 4- 6 giờ ( 3- 5 bữa/ ngày). Không cố gắng ép trẻ ăn, để tránh gây tâm lý sợ ăn.
Không tự ý mua thuốc chữa trị cho trẻ, các loại thuốc dùng uống hoặc bôi cho trẻ cần có sự hướng dẫn của bác sĩ điều trị.
Cần có môi trường sinh sống sạch sẽ, tránh để con tiếp xúc với không khí và nước bẩn.
Các bậc phu huynh tuyệt đối không sử dụng các loại chanh, thuốc liền da hoặc muối để giảm các mụn bọng nước khi chưa có sự chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ điều trị.
Điều quan nhất các bậc phụ huynh cần ghi nhớ khi có bất kỳ triệu chứng chân tay miệng ở trẻ em, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế, bệnh viện để được xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị kịp thời. Đây là cách an toàn nhất, bảo đảm sức khỏe cho trẻ, người thân trong gia đình, tránh làm lây lan ra cộng đồng.