Khi trẻ bị nôn và bệnh tiêu chảy, điều báo hiệu tình trạng sức khỏe khá nguy cấp của trẻ và cần được chăm sóc tích cực, nhiều trường hợp cần nhập viện theo dõi và điều trị.
Mục lục
Nôn và tiêu chảy rất hay gặp ở trẻ em
Tiêu chảy là đi ngoài phân lỏng bất thường từ 3 lần trở lên trong 24 giờ. Viêm dạ dày ruột gây nôn và ỉa chảy thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi. Ỉa chảy thường diễn ra trong 5-7 ngày và hầu hết khỏi trong vòng 2 tuần. Nôn thường diễn ra trong 1-2 ngày đầu và hầu hết sẽ dừng trong vòng 3 ngày.
Những trẻ bị bệnh này thường có thể chăm sóc và theo dõi tại nhà, một số trẻ cần chăm sóc và theo dõi bù nước tại bệnh viện, tư vấn cho gia đình khi trẻ phục hồi.
Một trẻ mà có biểu hiện mất nước được cho là đã mất 5% lượng nước ngay khi đến viện.
Dịch tễ lây truyền ỉa chảy trẻ em
Đường lây truyền: Bệnh lây truyền qua đường phân- miệng. Thức ăn, nước uống bị nhiễm bẩn do phân của người hoặc súc vật mang mầm bệnh là nguồn gây bệnh cho cộng đồng.
Yếu tố nguy cơ: Tuổi: 6 tháng – 2 tuổi hay bị mắc tiêu chảy; Suy dinh dưỡng (dễ bị mắc tiêu chảy kéo dài); Suy giảm miễn dịch (sau sởi, thuỷ đậu …); Mùa, khí hậu, thời tiết; Tập quán, điều kiện môi trường sống.
Tác nhân gây bệnh
– Virus
- Rotavirus: hay gặp ở trẻ < 2 tuổi.
- Các virus khác: Adenovirus, Enterovirus, Norovirus.
– Vi khuẩn
- E.Coli: loại sinh độc tố ruột, tác nhân quan trọng nhất gây ỉa chảy cấp phân nước.
- Trực khuẩn lỵ (Shigella): hội chứng lỵ phân máu.
- Campylobacter jejuni.
- Salmonella không gây thương hàn.
- Vi khuẩn tả.
– Ký sinh trùng
- Entamoeba histolytica (Amib).
- Giardia duodenalis.
- Cryptosporidium.
– Các tác nhân khác: do kháng sinh, dị ứng thức ăn
Sinh bệnh học tiêu chảy cấp
Sinh lý bệnh
Bình thường: 90% lượng dịch và chất dinh dưỡng được hấp thu ở ruột non.
Phần còn lại được tái hấp thu ở đại tràng.
Tác nhân gây tiêu chảy xâm nhập đường tiêu hoá gây giảm hấp thu, tăng bài tiết nước và điện giải.
Hậu quả
Mất nước.
Rối loạn điện giải, mất thăng bằng kiềm toan.
Sốc do mất nước.
Đánh giá nôn – tiêu chảy
Đánh giá chung
– Mức độ mất nước và rối loạn điện giải.
– Máu trong phân.
– Thời gian bị tiêu chảy, mức độ tiêu chảy.
– Thời gian bị nôn, số lần và lượng nôn; chất nôn.
– Tình trạng suy dinh dưỡng.
– Các bệnh khác kèm theo.
Hỏi bệnh sử
Số lần nôn, tiêu chảy; thời gian bị nôn, tiêu chảy, sốt, ho, chế độ dinh dưỡng, các thuốc đã dùng, tiêm chủng …
Khám trẻ
Trước tiên nên kiểm tra dấu hiệu mất nước
– Toàn trạng: trẻ tỉnh táo, quấy khóc, kích thích, li bì hoặc khó đánh thức.
– Mắt: bình thường hay trũng; thóp bình thường hay trũng.
– Khát: đưa ORS cho trẻ uống, xem đáp ứng.
– Phân có máu hay không.
– Đánh giá độ chun giãn da: > 2 giây là mất rất chậm.
– Lượng nước tiểu của trẻ: < 1ml/kg/giờ là giảm.
– Đánh giá tần số mạch: có mất nước mạch tăng; trường hợp mất nước mà mạch chậm là nặng.
Kiểm tra các dấu hiệu khác
Suy dinh dưỡng? Ho, khó thở, sốt?
Đánh giá tình trạng tinh thần, sốt, dấu hiệu cổ cứng, nôn, thóp phồng (ở trẻ nhỏ) để loại trừ các bệnh nhiễm trùng thần kinh như viêm màng não, viêm não…
Đánh giá tình trạng nôn, đau bụng, bụng chướng, các dấu hiệu đau khu trú để loại trừ bệnh lý ngoại khoa.
Đánh giá tổng thể để loại trừ các bệnh toàn thân như nhiễm khuẩn huyết, xuất huyết tiêu hoá, suy thận…
Cân nặng trẻ: xác định mức độ mất nước
Đánh giá mức độ mất nước
Có ba mức độ mất nuớc:
- Mất nước nặng.
- Có mất nước.
- Không mất nước.
Đánh giá |
Phân loại |
Khi có hai trong các dấu hiệu sau:
– Li bì hoặc khó đánh thức – Không uống được nước hoặc uống kém. – Mắt trũng sâu, không có nước mắt, thóp trũng – Nếp véo da mất rất chậm, chi lạnh, thời gian da hồng trở lại rất chậm |
Mất nước nặng |
Khi có hai trong các dấu hiệu sau:
– Vật vã, kích thích – Mắt trũng, nước mắt bình thường hoặc không có, thóp trũng – Uống háo hức, khát – Nếp véo da mất chậm, thời gian da hồng trở lại chậm |
Có mất nước |
Không đủ các dấu hiệu để phân loại có mất nước hoặc mất nước nặng |
Không mất nước |
Điều trị tiêu chảy cấp
Lựa chọn phác đồ thích hợp
Đối với trẻ không mất nước, sử dụng phác đồ A.
Đối với trẻ có mất nước, sử dụng phác đồ B.
Đối với trẻ mất nước nặng, sử dụng phác đồ C.
Nếu phân có nhầy máu, cần điều trị kháng sinh.
Điều trị triệu chứng, bệnh kèm theo.
Chú ý: không sử dụng thuốc cầm ỉa ở trẻ em; không sử dụng kháng sinh điều trị thường quy.
Điều trị nôn – tiêu chảy cấp – Phác đồ A
Cho trẻ uống nhiều dịch hơn bình thường:
- Trẻ < 2 tuổi: 50-100ml sau mỗi lần đi ỉa lỏng.
- Trẻ > 2 tuổi: 100-200ml sau mỗi lần ỉa lỏng.
- Trẻ lớn: uống theo nhu cầu.
Chú ý pha dung dịch bù nước và điện giải (Oresol) đúng theo hướng dẫn, không chia nhỏ gói thuốc ra để pha thuốc, phải pha cả gói thuốc với lượng nước quy định với từng sản phẩm. Uống đổ thìa, trẻ lớn từng ngụm nhỏ, không uống bằng bình hoặc uống luôn một lúc cốc to.
Tiếp tục cho trẻ ăn đề phòng SDD: những trẻ còn bú mẹ – tiếp tục khuyến khích bú mẹ; không sử dụng các thức ăn rắn.
Cho trẻ uống bổ sung kẽm trong 10-14 ngày.
Đưa trẻ đến khám ngay khi có các dấu hiệu nặng lên:
- Đi ngoài rất nhiều lần phân lỏng (đi liên tục).
- Nôn tái diễn; Trở nên rất khát; Ăn uống kém hoặc bỏ bú.
- Trẻ không tốt lên sau 2 ngày điều trị.
- Sốt cao hơn.
- Có máu trong phân.
Điều trị nôn – tiêu chảy cấp – Phác đồ B
Điều trị tại bệnh viện, bù dịch trong 4 giờ.
Lượng dịch: 75 x P (kg).
Đánh giá lại sau 4 giờ để chọn phác đồ phù hợp.
Chuyển bù nước bằng đường tĩnh mạch khi:
- Bệnh nhân nôn nhiều.
- Bụng chướng.
- Tốc độ tiêu chảy lớn.
Điều trị nôn – tiêu chảy cấp – Phác đồ C
Đây là tình trạng mất nước rất nặng, phải nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để điều trị cấp cứu. Trong thời gian đưa trẻ đến viện vẫn tiếp tục bù nước cho trẻ bằng đường uống
Dinh dưỡng bệnh nhi:
- Tiếp tục cho trẻ ăn bình thường, đủ chất, không bắt trẻ kiêng.
Xem thêm: Tổng quan bệnh tiêu chảy trẻ em và phác đồ điều trị