Viêm họng hạt là bệnh mạn tính gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy, viêm họng hạt có tự khỏi không là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp ngay câu hỏi này cho bạn!
Mục lục
Tóm tắt về bệnh viêm họng hạt
Viêm họng hạt là bệnh viêm họng mãn tính thể quá phát với biểu hiện niêm mạc họng đỏ, dày lên, xuất hiện nhiều đám xơ hóa to nhỏ màu hồng/đỏ do tổ chức bạch huyết phát triển dày lên. Các gồ này thường tập trung ở phía trên thành họng và dọc theo trụ sau của amidan.
Viêm họng hạt có thể tiến triển từ bệnh viêm họng cấp tính tái phát nhiều lần hoặc khởi phát nhiều nguyên khác. Các nguyên nhân chủ yếu gây viêm họng hạt bao gồm:
- Viêm mũi xoang mạn tính.
- Cơ địa dị ứng, mắc các bệnh dị ứng như hen suyễn, viêm mũi xoang dị ứng,…
- Hội chứng trào ngược dạ dày – thực quản.
- Viêm amidan mạn tính.
- Tắc mũi mạn tính do cấu trúc mũi xoang như bị polyp mũi xoang, vẹo vách ngăn mũi, quá phát cuốn mũi,…
- Môi trường ô nhiễm không khí, nhiều khói bụi, hóa chất
- Lạm dụng rượu bia, thuốc lá và đồ ăn cay nóng
Viêm họng hạt có thể gặp ở mọi lứa tuổi từ trẻ em đến người lớn. Bệnh không chỉ khiến người mắc khó chịu mà còn làm tăng nguy cơ làm tiến nhiều bệnh lý nguy hiểm khác như viêm thanh quản, nhiễm trùng toàn thân, ung thư vòm họng.
Bị viêm họng hạt có tự khỏi không?
Viêm họng hạt là bệnh mạn tính với triệu chứng âm ỉ, dai dẳng trong thời gian dài. Tuy nhiên bệnh cũng gây khởi phát nhiều cơn viêm họng cấp khi người bệnh gặp các yếu tố nguy cơ như kích ứng, dị ứng hay nhiễm virus. Các đợt cấp biểu hiện triệu chứng rầm rộ sau đó giảm dần khiến nhiều người hiểu lầm là bệnh sắp khỏi.
Vậy viêm họng hạt có tự khỏi được không?
Theo các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng, căn bệnh này có cơ chế bệnh sinh phức tạp. Viêm họng hạt xuất phát từ sự phối hợp của tình trạng nhiễm khuẩn mạn tính và các yếu tố khác, bao gồm các yếu tố môi trường, nghề nghiệp, đặc điểm miễn dịch và bệnh lý mắc kèm của người bệnh.
Các yếu tố này kết hợp một cách phức tạp và thay đổi liên tục theo môi trường, khí hậu và lối sống của người bệnh. Vì vậy, bệnh viêm họng hạt không thể tự khỏi mà sẽ cần có biện pháp điều trị thích hợp. Hơn nữa, bệnh dễ tái phát thường xuyên nếu người bệnh không loại bỏ được hoàn toàn các yếu tố nguy cơ.
Bệnh viêm họng hạt có nguy hiểm không?
Ở bệnh viêm họng hạt mãn tính, hệ vi khuẩn hầu họng thay đổi với lượng lớn các vi khuẩn có hại và tình trạng suy giảm lợi khuẩn cộng sinh. Các vi khuẩn có hại này phát triển có thể dẫn đến viêm họng hạt có mủ và gây nhiễm trùng ở các khu vực lân cận như tai, mũi xoang, đường hô hấp dưới và thậm chí là nhiễm trùng máu.
Các biến chứng có thể xảy ra khi mắc viêm họng hạt:
- Viêm xoang nhiễm khuẩn, viêm tai giữa, áp xe họng.
- Viêm thanh quản, viêm khí quản, viêm phế quản và viêm phổi.
- Bệnh thấp tim, viêm khớp, viêm cầu thận cấp (thường do liên cầu tan huyết β nhóm A và vi khuẩn Gram âm).
- Viêm hạch bạch huyết ở cổ.
Nguyên tắc điều trị viêm họng hạt
Viêm họng hạt hình thành nhờ sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau. Vì vậy, thời gian điều trị bệnh thường kéo dài và phụ thuộc vào mức độ bệnh, thể trạng và khả năng đáp ứng với phác đồ điều trị của người bệnh.
Nguyên tắc điều trị chính của bệnh viêm họng hạt là loại bỏ các nguyên nhân gây bệnh kết hợp điều trị tại chỗ, điều trị triệu chứng và chăm sóc sức khỏe tổng thể. Cụ thể:
Điều trị viêm họng hạt theo nguyên nhân
Mỗi nguyên nhân gây viêm họng hạt sẽ có cách điều trị khác nhau, cụ thể:
- Bệnh viêm mũi họng mạn tính: Dùng kháng sinh, thuốc điều trị triệu chứng và phẫu thuật.
- Viêm amidan mạn tính: Phẫu thuật cắt bỏ amidan.
- Bệnh dị ứng: Sử dụng thuốc chống dị ứng như Corticoid đường uống, đường hít, thuốc kháng Histamin H1 đường uống theo chỉ định của bác sĩ.
- Trào ngược dạ dày – thực quản: Dùng các thuốc nhóm ức chế bơm Proton (Omeprazol, Lansoprazol), thuốc kháng H2 (Cimetidin, Ranitidin), thuốc chống nôn (Domperidon),…
- Cấu trúc xoang mũi bất thường: Phẫu thuật nội soi chỉnh hình mũi xoang, loại bỏ polyp.
- Nguyên nhân từ môi trường: Đeo khẩu trang, mặc đồ bảo hộ lao động đầy đủ.
- Hạn chế hút thuốc lá, uống rượu bia và ăn đồ cay nóng.
Để xác định được biện pháp điều trị nguyên nhân thích hợp, tốt nhất người bệnh nên đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa tai mũi họng, tránh tự điều trị tại nhà.
Điều trị tại chỗ viêm họng hạt
Trong điều trị viêm họng hạt, các biện pháp điều trị tại chỗ không chỉ giúp cải thiện triệu chứng mà còn hỗ trợ loại bỏ nhiều nguyên nhân gây bệnh hiệu quả. Các biện pháp điều trị viêm họng hạt tại chỗ được khuyến cáo bao gồm:
- Súc họng thường xuyên bằng các dung dịch có tính sát khuẩn như nước súc họng chứa Chlorhexidine, Povidone Iod, nước súc họng chứa nano bạc sát khuẩn như súc họng miệng PlasmaKare.
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, cạo lưỡi và dùng chỉ nha khoa thường xuyên để loại bỏ thức ăn thừa và chất cặn bã trong miệng.
- Xịt họng, khí dung họng bằng thuốc như Corticoid, kháng sinh, thuốc chống nấm hoặc thuốc co mạch.
Cách biện pháp điều trị triệu chứng
Các biện pháp điều trị triệu chứng giúp người bệnh dễ chịu hơn và cải thiện chất lượng sống hiệu quả. Điều trị triệu chứng bao gồm thuốc và các biện pháp dân gian.
Thuốc điều trị triệu chứng:
- Thuốc long đờm: Ambroxol, Bromhexin, Acetylcystein,…
- Thuốc chống viêm, giảm phù nề: Corticoid đường uống, Alphachymotrypsin.
- Thuốc trị ho: Thuốc cổ truyền, Dextromethorphan, Codein,…
Biện pháp dân gian trị triệu chứng của viêm họng hạt:
- Ngậm mật ong, hoa đu đủ đực ngâm mật ong
- Uống trà tía tô, trà gừng, trà bạc hà
- Uống nước cam thảo
- Dùng lê chưng với đường phèn và táo tàu.
Điều trị bằng phương pháp đốt hạt
Đốt hạt là thủ thuật ngoại khoa được áp dụng khi viêm họng hạt kéo dài không dứt, điều trị hiệu quả chậm hoặc trong trường hợp nang lympho quá phát, ảnh hưởng trực tiếp đến việc ăn uống và giao tiếp của người bệnh. Phương pháp đốt hạt bao gồm đốt bằng laser hoặc đốt lạnh.
Đốt hạt không thể điều trị dứt điểm bệnh. Vì vậy, người bệnh vẫn phải duy trì thực hiện các biện pháp điều trị khác sau khi đốt hạt thì mới có thể dứt điểm được bệnh và hạn chế tái phát.
Chăm sóc sức khỏe toàn thân
Các biện pháp tăng cường sức khỏe và củng cố hệ miễn dịch giúp người bệnh chống chọi lại với các tình trạng viêm nhiễm tốt hơn, từ đó giảm thời gian điều trị và nhanh khỏi bệnh. Người bệnh cần chú ý khi chăm sóc sức khỏe toàn thân như sau:
- Xây dựng thực đơn dinh dưỡng đủ chất, ưu tiên thực phẩm giàu các nhóm chất chống viêm và chống oxy hóa như Vitamin A, C, Kẽm, Omega-3. Người bệnh cũng có thể tăng cường các chất này thông qua thực phẩm bổ sung theo chỉ định của bác sĩ.
- Thay đổi môi trường làm việc hoặc môi trường sống nếu có thể nếu nguyên nhân gây bệnh xuất phát từ môi trường.
- Bổ sung men vi sinh để điều chỉnh hệ vi khuẩn tiêu hóa và hầu họng.
- Cân đối thời gian làm việc và nghỉ ngơi, tránh stress.
- Tập thể dục thể thao thường xuyên, tối thiểu 30 phút mỗi ngày.
Trên đây là những thông tin về bệnh viêm họng hạt và giải đáp cho câu hỏi “Viêm họng hạt có tự khỏi không?”. Hy vọng bài viết đã cung cấp những thông tin hữu ích cho bạn để điều trị bệnh viêm họng hạt đúng cách và cải thiện chất lượng cuộc sống tốt hơn.