Viêm lợi trùm là bệnh lý răng miệng thường gặp và gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình ăn uống và sinh hoạt của người bệnh. Vậy viêm lợi trùm có khỏi được không? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp ngay cho bạn.
Mục lục
Viêm lợi trùm là gì?
Bệnh viêm lợi trùm là tình trạng phần lợi quá phát hoặc phì đại bao phủ diện tích lớn trên bề mặt răng, ảnh hưởng tới thẩm mỹ và quá trình mọc răng (đối với răng khôn) của người bệnh.
Phân loại viêm lợi trùm
Viêm lợi trùm có thể gặp ở bất kỳ răng nào. Tùy vào vị trí răng bị lợi trùm, bệnh được phân loại thành viêm lợi trùm răng khôn và viêm lợi trùm răng vĩnh viễn.
Viêm lợi trùm răng khôn
Biểu hiện của viêm lợi trùm răng khôn khá tương đồng với việc mọc răng khôn. Vì vậy, người bệnh cần nhận biết những dấu hiệu đặc trưng của bệnh để xác định chính xác phương pháp điều trị phù hợp. Các triệu chứng tiêu biểu của viêm lợi trùm răng khôn:
- Lợi mọc trùm lên vùng răng khôn, tấy đỏ, sưng phồng.
- Đau nhức, ê buốt răng tại vùng lợi viêm, đau ngay cả khi cử động hàm và nuốt nước bọt.
- Miệng chảy nước bọt nhiều
- Người bệnh có thể sốt và sưng hạch ở cổ bên góc hàm mọc răng khôn.
- Trường hợp nặng, nhiễm khuẩn có thể có mủ ở vùng lợi trùm, hôi miệng và đau đầu.
Viêm lợi trùm răng vĩnh viễn
Tình trạng lợi trùm có thể xảy ra ở bất kỳ răng vĩnh viễn nào với biểu hiện:
- Lợi tự do và nhú lợi giữa các kẽ răng sưng tấy, phì đại, tạo thành vạt nướu trùm lên diện tích lớn trên bề mặt răng.
- Ngứa, đau lợi râm ran hoặc không
- Dễ chảy máu khi tác động cơ học vào lợi như đánh răng, va chạm nhẹ
- Lợi có màu đỏ nhạt đến đỏ thẫm
- Rãnh lợi sâu, có thể có mủ.
- Hơi thở hôi
- Sưng hạch bạch huyết
Những nguyên nhân gây bệnh phổ biến
Viêm lợi trùm có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như sau:
- Viêm lợi do vi khuẩn: Đây là nguyên nhân gây bệnh phổ biến nhất. Răng miệng nhiều mảng bám khiến vi khuẩn, gây viêm lợi mạn tính. Bờ lợi, nhú lợi sưng nề, phì đại nhiều tạo các núi lợi giả che phủ bề mặt răng.
- Răng khôn mọc lệch: Răng khôn mọc ở độ tuổi trưởng thành khi cung hàm đã phát triển đầy đủ nên dễ mọc lệch. Răng nhô lên không đúng hướng khiến lợi viêm và trùm lên răng.
- Tác động cơ học: Quá trình chỉnh nha và những tác động va chạm vào răng khác cũng dễ gây tiến triển viêm lợi mạn tính và phì đại nướu.
- Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc như Nifedipine, Felodipine có tác dụng phụ là viêm lợi và tăng sản lợi, gây nên tình trạng viêm lợi trùm.
Bất kỳ ai cũng có thể gặp viêm lợi trùm. Tuy nhiên, bệnh dễ mắc hơn ở những người có những yếu tố nguy cơ như vệ sinh răng miệng kém, đang dùng khí cụ chỉnh nha, thiếu chất, rối loạn nội tiết tố và mang thai,…
Viêm lợi trùm có tự khỏi được không?
Viêm lợi trùm là bệnh lý khá phổ biến và gây ảnh hưởng lớn đến quá trình nhai nuốt. Do vậy không ít người thắc mắc liệu bệnh có tự khỏi được không? Theo các bác sĩ, viêm lợi trùm răng cửa, răng hàm hay răng khôn ở mức độ nhẹ đều có thể tự phục hồi nhưng rất dễ tái phát nếu người bệnh vệ sinh răng miệng kém và tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ.
Khi có sự tấn công của vi khuẩn, bệnh khó có thể tự khỏi mà thường tiến triển nặng thành viêm lợi trùm có mủ, gây sốt và đau đớn trong thời gian dài. Nếu không được chữa trị kịp thời, những tổn thương do vi khuẩn sẽ lan rộng tới những răng xung quanh, thậm chí là xương hàm và dây thần kinh hàm mặt. Nhiều biến chứng nguy hiểm của viêm lợi trùm có thể kể đến như tiêu chân răng, tiêu xương hàm, áp xe răng, u nang xương hàm, thậm chí là nhiễm trùng huyết.
Vì vậy, người bệnh viêm lợi trùm nên đến nha khoa khi có các dấu hiệu của bệnh để được bác sĩ thăm khám và chỉ định phác đồ điều trị phù hợp giúp dứt điểm bệnh sớm.
Cách điều trị bệnh viêm lợi trùm
Sử dụng thuốc và can thiệp ngoại khoa kết hợp với loại bỏ các yếu tố nguy cơ là những biện pháp điều trị viêm lợi trùm chủ yếu. Cụ thể:
Điều trị bằng tiểu phẫu cắt lợi trùm
Cắt lợi trùm thường áp dụng cho người viêm lợi trùm răng cửa, viêm lợi trùm răng khôn có răng khôn mọc thẳng và đúng vị trí. Các trường hợp viêm lợi trùm có mủ cần được loại bỏ mủ và điều trị bằng kháng sinh trước khi thực hiện thủ thuật cắt lợi.
Biện pháp này sẽ giúp cải thiện thẩm mỹ cho người bệnh, ngăn ngừa sự tích tụ của vi khuẩn và thức ăn. Đồng thời, cắt lợi trùm lên răng không còn giúp giải phóng không gian cho răng mọc lên một cách bình thường. Tuy nhiên, cắt lợi khó làm dứt điểm bệnh do lợi trùm có thể mọc lại sau khi cắt một thời gian.
Nhổ răng (đối với trường hợp mọc răng khôn)
Trong các trường hợp răng khôn mọc lệch, việc cắt lợi ít đem lại hiệu quả tốt và rất dễ tái phát lại. Bên cạnh đó, răng khôn không có vai trò gì trong việc nhai thức ăn. Do đó, nhổ bỏ răng khôn là cách dứt điểm bệnh tốt nhất, giúp ngăn ngừa tối đa những nguy cơ biến chứng trong tương lai.
Tương tự như cắt lợi, trường hợp viêm lợi trùm răng khôn có mủ cũng cần loại bỏ mủ và điều trị nhiễm trùng trước khi phẫu thuật nhổ răng.
Dùng thuốc điều trị viêm lợi trùm
Điều trị bằng thuốc có thể được chỉ định riêng lẻ hoặc phối hợp với các biện pháp can thiệp ngoại khoa. Vậy viêm lợi trùm uống thuốc gì?
Dưới đây là những nhóm thuốc được sử dụng trong điều trị viêm lợi trùm:
- Kháng sinh: Sử dụng kháng sinh có phổ tác dụng trên cả vi khuẩn kỵ khí và vi khuẩn hiếu khí gây bệnh ở khoang miệng như Metronidazol, Spiramycin, Clindamycin, Doxycyclin, Azithromycin, Amoxicillin/Clavulanic,…
- Thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm: Ibuprofen, Paracetamol.
- Thuốc dùng tại chỗ: Thuốc bôi/nước súc miệng chứa Chlorhexidine.
- Thuốc chống phù nề: Alphachymotrypsin.
Lưu ý:
- Chỉ dùng thuốc theo hướng dẫn của nha sĩ, không được mua thuốc về tự điều trị.
- Không dùng Aspirin để giảm đau và giảm viêm lợi do làm tăng nguy cơ chảy máu.
- Thông báo ngay cho bác sĩ khi bệnh không thuyên giảm hoặc xuất hiện các dấu hiệu bất thường nghi ngờ là tác dụng không mong muốn của thuốc.
Dùng nước súc miệng kháng khuẩn
Sát khuẩn tại chỗ cũng là bước điều trị quan trọng của người bệnh viêm lợi trùm, giúp giảm thiểu sự phát triển của vi khuẩn và cải thiện triệu chứng bệnh. Ngoài thuốc bôi Chlorhexidine tại chỗ, nước súc miệng kháng khuẩn cũng được các nha sĩ khuyến cáo sử dụng 2 – 3 lần mỗi ngày sau khi đánh răng trong quá trình điều trị. Việc súc miệng này cũng cần được duy trì sau khi khỏi bệnh để ngăn ngừa bệnh tái phát.
Các sản phẩm nước súc miệng được khuyến cáo bao gồm:
- Nước súc miệng chứa Chlorhexidine: Diệt khuẩn tốt, mùi vị khó chịu, độc tính thấp nhưng mùi vị khó chịu, có thể gây kích ứng niêm mạc nhẹ sau khi dùng và không có khả năng loại bỏ mảng bám.
- Dung dịch súc miệng Betadine chứa Povidone Iod: diệt khuẩn hiệu quả nhưng gây khô miệng và có mùi vị khó chịu.
- Dung dịch súc họng miệng PlasmaKare chứa Nano bạc chuẩn hóa TSN: Diệt khuẩn, chống viêm, hỗ trợ làm lành nướu răng và loại bỏ mảng bám. Nano bạc không mùi, không vị nên ít gây khó chịu hơn.
Những lưu ý trong điều trị bệnh viêm lợi trùm
Chăm sóc răng miệng sạch sẽ và bổ sung dinh dưỡng đầy đủ là các biện pháp có vai trò quan trọng trong điều trị viêm lợi trùm. Người bệnh cần lưu ý:
- Vệ sinh răng miệng thường xuyên: Nên đánh răng ít nhất 2 lần/ngày (sau ăn sáng, ăn tối) bằng bàn chải mềm. Dùng chỉ nha khoa nhẹ nhàng loại bỏ thức ăn còn mắc trong kẽ răng. Không nên dùng tăm nước do có thể gây tổn thương lợi.
- Bổ sung vào chế độ dinh dưỡng những thực phẩm giúp tăng cường miễn dịch như thịt đỏ, trái cây, rau củ quả,…
- Ngậm và uống các loại trà có tính chống viêm, hỗ trợ làm dịu cơn đau như trà gừng, trà hoa cúc, trà nghệ mật ong,…
- Kiêng rượu bia, thuốc lá, thực phẩm nhiều đường như bánh kẹo, đồ ngọt và đồ ăn cay nóng, nhiều acid.
Bệnh viêm lợi trùm có thể tự khỏi nhưng cũng có thể tiến triển nặng và gây biến chứng nếu người bệnh không điều trị và chăm sóc răng miệng đúng cách. Hy vọng bài viết trên đây đã cung cấp những thông tin hữu ích cho người bệnh viêm lợi trùm trong quá trình điều trị bệnh, giúp lấy lại hàm răng khỏe mạnh.