Viêm não Nhật Bản là một bệnh lý nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao, tỷ lệ biến chứng não, thần kinh cũng đứng đầu trong các bệnh truyền nhiễm. Mặc dù đã có vắc xin phòng bệnh, nhưng nhiều người vẫn có nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt là khu vực Việt Nam. Hiện nay chưa có thuốc điều trị viêm não Nhật Bản cho nên người dân cần chủ động nâng cao kiến thức và phòng bệnh hợp lý.
Mục lục
Khái quát chung bệnh Viêm não Nhật Bản
Bệnh viêm não Nhật Bản không còn xa lạ với người dân Việt Nam vì chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia được tuyên truyền rất rộng rãi tới tất cả các vùng của tổ quốc. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa nắm rõ được các nguyên nhân và hậu quả của bệnh này.
Nguyên nhân gây viêm não nhật bản và dịch tễ bệnh
Virus viêm não Nhật Bản JEV là nguyên nhân chính gây viêm não do virus ở châu Á, trong đó có Việt Nam. Đây là loại virus lây truyền qua đường muỗi đốt, và loài muỗi này cùng nhóm với virus sốt dengue, sốt vàng da và virus Tây sông Nile. Ca mắc bệnh viêm não Nhật Bản đầu tiên được ghi nhận là vào năm 1871 ở Nhật Bản.
Số ca mắc bệnh Viêm não Nhật Bản hàng năm thường khác nhau ở từng khu vực, phổ biến là <1 ca / 100,000 dân hoặc >10 ca / 100,000 dân hoặc cao hơn trong mùa dịch. Các tài liệu thống kê cho thấy có khoảng 68,000 ca mắc bệnh Viêm não Nhật Bản mỗi năm và có 13,600 tới 20,400 ca tử vong vì loại bệnh này. Viêm não Nhật Bản chủ yếu xảy ra trên trẻ em. Hầu hết người lớn ở các địa phương có dịch đều có miễn dịch tự nhiên với loại virus này sau thời kỳ mắc thuở nhỏ, tuy nhiên thực tế cho thấy cả người lớn và trẻ em đều có thể bị mắc bệnh.
Dịch bệnh viêm não Nhật Bản
Đợt bùng phát dịch bệnh viêm não Nhật Bản thường xảy ra mỗi 2-15 năm. Viêm não Nhật Bản tăng lên trong mùa mưa, trong suốt thời kỳ vector truyền bệnh là muỗi phát triển. Tuy nhiên, không có bằng chứng rằng virus viêm não Nhật Bản lây truyền mạnh hơn sau lũ hoặc thảm họa sóng thần. Lây nhiễm virus viêm não Nhật Bản ở các khu vực mới thường có mối liên quan tới đặc tính phát triển nông nghiệp ở địa phương và việc trồng lúa nước, tưới tiêu.
Dấu hiệu bệnh Viêm não Nhật Bản và cách lây nhiễm bệnh
Bệnh viêm não Nhật Bản có thể lây nhiễm tương đối dễ dàng với các dấu hiệu điển hình, nhưng cũng có thể bị nhầm lẫn với nhiều bệnh khác, nhất là trong mùa hè.
Dấu hiệu bệnh Viêm não Nhật Bản
Hầu hết trường hợp nhiễm virus viêm não Nhật Bản đều có triệu chứng nhẹ (sốt và đau đầu) hoặc không có triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên cứ 250 ca nhiễm thì có 1 ca lâm sàng nặng. Thời gian ủ bệnh từ 4-14 ngày. Ở trẻ em, có thể có triệu chứng trên tiêu hóa là đau bụng và nôn mửa. Trường hợp bệnh nặng hơn có thể liệt cứng và tử vong. Tỷ lệ tử vong của bệnh viêm não Nhật Bản cao khoảng 30% trong nhóm bệnh có biểu hiện triệu chứng.
Trong số những trường hợp mắc bệnh viêm não Nhật Bản sống sót, khoảng 20-30% bị biến chứng lâu dài về trí tuệ, hành vi, thần kinh… như bại liệt, động kinh hoặc câm.
Bệnh viêm não Nhật Bản lây nhiễm thế nào
Có 24 quốc gia vùng Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương thuộc WHO có nguy cơ lây truyền virus viêm não Nhật Bản, tương đương với khả năng ảnh hưởng tới 3 tỷ người.
Virus viêm não Nhật Bản lây truyền sang người qua đường muỗi đốt. Loài muỗi truyền bệnh viêm não Nhật Bản là giống Culex (thường là loài Culex tritaeniorhynchus). Người bị muỗi đốt sẽ không phát triển đủ lượng virus để gây bệnh cho muỗi. Virus tồn tại trong vòng truyền nhiễm giữa muối, lợn và / hoặc các loại gia cầm.
Tại hầu hết các khu vực ở châu Á, virus viêm não Nhật Bản lây truyền chủ yếu trong suốt mùa nóng khi có nhiều dịch bệnh lớn diễn ra. Ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, lây nhiễm có thể diễn ra quanh năm nhưng thường chỉ tăng mạnh vào mùa mưa và trước thời kỳ gặt lúa ở các khu vực trồng lúa nước.
Các giai đoạn của bệnh viêm não Nhật Bản
Bệnh nhân mắc viêm não Nhật Bản sẽ trải qua hai giai đoạn phát triển của bệnh là giai đoạn viêm não cấp tính và giai đoạn sau. Giai đoạn viêm não cấp tính rất nguy hiểm và cần điều trị tại viện nếu không có thể nguy hiểm tới tính mạng.
Giai đoạn viêm não cấp tính trong viêm não Nhật Bản
Ở giai đoạn viêm não cấp tính trong viêm não Nhật Bản, bệnh nhân sốt cao, cứng gáy, co giật, có thể hôn mê. Nhiệt độ cơ thể thường là 38-40 độ C, nhịp tim chậm, da xám xịt. Bệnh nhân giai đoạn này có biểu hiện nhìn chòng chọc vào 1 điểm, thẫn thờ, giọng nó khàn và lè nhè.
Biểu hiện bệnh cấp tính trên thần kinh: run ở ngón tay, lưỡi, mi mắt và mắt. Bên cạnh co giật, bệnh nhân có thể lên cơn động kinh toàn cơ thể, lặp lại dữ dội, một số trường hợp rất nặng có thể bị cong người, co đầu, dạng chân…
Giai đoạn sau của viêm não Nhật Bản
Bệnh nhân sau giai đoạn viêm não cấp tính có thể bắt đầu hồi phục nhưng thường diễn biến chậm. Sau giai đoạn cấp tính của viêm não Nhật Bản, bệnh nhân sẽ có di chứng trên não, thần kinh, khả năng nhận thức và vận động, một số bị câm. Tỷ lệ tử vong lên tới 50%, tùy theo khả năng được chăm sóc của bệnh nhân.
Chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa bệnh viêm não Nhật Bản
Các chẩn đoán xác định viêm não Nhật Bản chủ yếu dựa vào xét nghiệm miễn dịch, xét nghiệm dịch não tủy. Sau khi biết chính xác bệnh viêm não Nhật Bản, bệnh nhân sẽ được xem xét giai đoạn mắc bệnh và có hướng điều trị phù hợp.
Cách chẩn đoán bệnh Viêm não Nhật Bản
Những người sống hoặc di chuyển tới các vùng có dịch Viêm não Nhật Bản mà bị viêm não đều coi là đối tượng nghi nhiễm viêm não Nhật Bản. Để chẩn đoán xác định người đó có bị nhiễm viêm não Nhật Bản hay không thì cần phải làm xét nghiệm. WHO khuyến cáo xét nghiệm kháng thể IgM đặc hiệu của virus viêm não Nhật Bản trong một mẫu dịch dịch não tủy hoặc huyết thanh với kỹ thuật xét nghiệm ELISA. Xét nghiệm dịch não tủy rất quan trọng để phân biệt những trường hợp dương tính giả do đã từng mắc bệnh hoặc đã tiêm vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản.
Giám sát bệnh chủ yếu là dựa trên các triệu chứng cấp tính của bệnh. Ở những nơi thực hiện tốt việc tiêm chủng vắc xin chống viêm não Nhật Bản thì có thể thực hiện giám sát bệnh dịch theo từng ca mắc.
Điều trị bệnh viêm não Nhật Bản
Hiện nay không có thuốc đặc trị bệnh viêm não Nhật Bản. Việc điều trị bệnh viêm não Nhật Bản chủ yếu dựa trên việc hỗ trợ giảm triệu chứng và duy trì ổn định cho bệnh nhân.
Phòng bệnh viêm não Nhật Bản
Phòng bệnh viêm não Nhật Bản bằng vắc xin
Hiện nay có sẵn vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản an toàn và hiệu quả. WHO khuyến cáo mạnh mẽ đưa vắc xin này vào trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia để bổ sung miễn dịch chống bệnh viêm não Nhật Bản cho cộng đồng. Ngay cả khi số ca nhiễm viêm não Nhật Bản thấp thì biện pháp tiêm vắc xin phòng bệnh vẫn cần được xem xét như một cách hiệu quả để kiểm soát sự lây nhiễm virus viêm não Nhật Bản.
Hiện nay có 4 nhóm vắc xin phòng viêm não Nhật Bản đang được sử dụng là: vắc xin bất hoạt từ não chuột, vắc xin bất hoạt từ tế bào Vero, vắc xin sống suy yếu, và vắc xin sống tái tổ hợp.
Trong những năm vừa qua, vắc xin sống suy yếu SA14-14-2 được sản xuất bởi Trung Quốc là vắc xin viêm não nhật bản phổ biến nhất được sử dụng ở các quốc gia có dịch viêm não Nhật Bản, và cũng đã được WHO chứng nhận từ tháng 10 năm 2013. Các loại vắc xin bất hoạt từ tế bào và vắc xin sống tái tổ hợp dựa trên dòng vắc xin sốt vàng da cũng đã được WHO chứng nhận hiệu quả. Vào tháng 11 năm 2013, Gavi đã mở cửa sổ tài trợ để hỗ trợ các chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng viêm não Nhật Bản ở nhiều quốc gia.
Phòng ngừa vectơ truyền bệnh viêm não Nhật Bản – muỗi Culex
Phun thuốc diệt muỗi Culex, thủ phạm truyền bệnh viêm não Nhật Bản nói chung là có hiệu quả nhưng chỉ được giới hạn trong một không gian và thời gian nhất định. Có thể phun Fenitrothion với thể tích cực nhỏ bằng máy bay đã có hiệu quả làm giảm mật độ muỗi Culex tritaeniorhynchus.
Việt Nam là nước nông nghiệp, chủ yếu trồng lúa nước, khí hậu nóng ẩm gió mùa, nhiều ao hồ sống suối. Vì vậy việc phòng trừ vectơ viêm não Nhật Bản lại càng khó khăn hơn. Do đó biện pháp phòng trừ bệnh viêm não Nhật Bản bằng phòng trừ vectơ, kể cả dùng hóa chất diệt muỗi là hoàn toàn không thực tế và không có hiệu quả.
Một biện pháp bổ sung khác thường được áp dụng để phòng muỗi đốt truyền bệnh viêm não Nhật Bản là sử dụng các hóa chất tự nhiên có tác dụng xua đuổi côn trùng. Một số loại tinh dầu, dầu thực vật, khi được sử dụng trực tiếp trên da có khả năng xua đuổi muỗi và các loài côn trùng khác. Trong đó có dầu Neem, một loại thiên địch tự nhiên của muỗi và côn trùng. Người ta phát hiện ra nồng độ cao chất Azadirachtin trong dịch ép trái Neem có khả năng xua đuổi côn trùng tự nhiên mà không gây hại cho cơ thể. Các chuyên gia khuyến cáo chúng ta có thể sử dụng những chế phẩm chống muỗi chứa dầu Neem dạng dịch phun trực tiếp lên da như này, đặc biệt trong mùa cao điểm của bệnh để phòng mắc bệnh.
Để giảm nguy cơ mắc viêm não Nhật Bản, tất cả những người cư trú hoặc di chuyển tới các quốc gia có dịch Viêm não Nhật Bản đều nên thận trọng tránh muỗi đốt. Các biện pháp bảo vệ bao gồm xịt chống muỗi, mặc quần áo ống dài…
Tóm tắt những điểm quan trọng nhất về Viêm não Nhật Bản
- Virus viêm não Nhật Bản (JEV) là một flavivirus có liên quan tới virus sốt xuất huyết Dengue, sốt vàng và virus Tây sông Nile, chúng đều được phát tán qua đường muỗi đốt.
- Virus viêm não Nhật Bản (JEV) là nguyên nhân chính gây viêm não do virus ở nhiều nước châu Á, ước tính khoản 69,000 ca mắc mỗi năm.
- Mặc dù không có nhiều ca mắc virus viêm não Nhật Bản có triệu chứng, nhưng tỷ lệ tử vong của bệnh rất cao tới 30%. Hậu quả của bệnh trên thần kinh và tâm thần của bệnh nhân viêm não Nhật Bản cũng lên tới 50%.
- Có 24 quốc gia ở vùng Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương có lây nhiễm virus Viêm não Nhật Bản, ảnh hưởng tới khoảng 3 tỷ người có nguy cơ mắc bệnh.
- Cho tới nay, chưa có thuốc đặc trị bệnh. Việc điều trị Viêm não Nhật Bản chỉ tập trung giảm triệu chứng và hỗ trợ bệnh nhân vượt qua tình trạng nhiễm virus.
- Hiện nay đã có sẵn loại vắc xin phòng viêm não Nhật Bản hiệu quả và an toàn. WHO khuyến cáo tiêm phòng vắc xin Viêm não Nhật Bản trong chương trình tiêm chủng quốc gia ở tất cả các vùng có nguy cơ mắc bệnh.