Viêm quanh răng hay viêm tổ chức quanh răng là giai đoạn tiến triển của bệnh viêm nướu, có biểu hiện là tụt nướu, tiêu xương, răng lung lay, hôi miệng. Có nhiều nguyên nhân gây ra viêm quanh răng, việc chẩn đoán bệnh viêm quanh răng thường dựa vào quan sát phần nướu quanh răng, chẩn đoán hình ảnh… Vậy, tổng quan bệnh viêm quanh răng gồm những gì? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Mục lục
Tổng quan bệnh viêm quanh răng
Viêm quanh răng là tình trạng nhiễm trùng nướu nghiêm trọng, các mô mềm tại nướu đã bị ảnh hưởng. Tình trạng này nếu không được điều trị có thể gây tổn thương xương răng.
Bệnh viêm quanh răng tuy phổ biến nhưng có thể phòng chống bằng cách vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Chải răng ít nhất 2 lần/ ngày, dùng chỉ nha khoa hằng ngày và kiểm tra răng định kỳ. Việc này cũng quyết định việc điều trị bệnh viêm quanh răng có thành công hay không.
Triệu chứng và nguyên nhân bệnh viêm quanh răng
Viêm quanh răng biểu hiện chủ yếu qua các bất thường trên nướu. Có nhiều nguyên nhân gây viêm quanh răng nhưng mảng bám răng là căn nguyên chính. Ngoài ra, 1 số yếu tố nguy cơ gây viêm quanh răng có thể kể đến như: hút thuốc, thiếu vitamin hoặc mắc 1 số bệnh lý nền như tiểu đường, bệnh khớp…
Triệu chứng bệnh viêm quanh răng
Nướu khỏe mạnh thường chắc và có màu hồng nhạt bám chặt vào răng. Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm quanh răng bao gồm: Sưng nướu, đỏ nướu (màu đỏ sậm khác với bình thường), mềm nướu, chảy máu nướu, hơi thở có mùi, xuất hiện mủ giữa răng và nướu, mất răng, đau khi nhai, răng thưa, tụt nướu (răng nhìn có vẻ dài hơn bình thường).
Mảng bám răng là nguyên nhân chính gây viêm quanh răng
Trong hầu hết các trường hợp, bệnh viêm quanh răng thường do mảng bám (lớp màng dính không màu trên răng do vi khuẩn tạo ra) gây ra. Dưới đây là quá trình mảng bám gây bệnh viêm quanh răng:
- Mảng bám hình thành tại răng: Mảng bám được hình thành khi tinh bột và đường trong đồ ăn tương tác với vi khuẩn trong miệng. Chải răng 2 lần mỗi ngày và dùng chỉ nha khoa 1 lần/ ngày và sử dụng nước súc miệng chuyên dụng giúp loại bỏ mảng bám. Mảng bám hình thành lại tương đối nhanh.
- Mảng bám cứng lại và chuyển thành vôi răng: Nếu mảng bám không được loại bỏ sau một khoảng thời gian sẽ tự động chuyển thành vôi răng. Vôi răng (cao răng) khó loại bỏ hơn nhiều mảng bám. Mảng bám và vôi răng tồn tại trên răng càng lâu, khiến cho nướu bị tổn thương càng nhiều. Không thể loại bỏ cao răng chỉ bằng cách chải răng và dùng chỉ nha khoa. Bệnh nhân cần đến các phòng khám nha khoa hoặc bệnh viện để loại bỏ vôi răng bằng các thiết bị chuyên dụng.
- Mảng bám gây viêm nướu: Viêm nướu là giai đoạn nhẹ nhất. Viêm nướu là tình trạng các mô nướu quanh chân răng bị kích ứng và viêm. Có thể đảo ngược quá trình viêm nướu nếu được điều trị và chăm sóc kịp thời.
- Viêm nướu mãn tính chuyển thành viêm quanh răng: Viêm nướu nếu không được điều trị sẽ tiến triển thành viêm quanh răng, hình thành nên các túi nướu giữa nướu và răng. Những túi nướu này có chứa mảng bám, vi khuẩn và vôi răng. Những túi nướu này càng sâu càng chứa nhiều vi khuẩn. Nếu không điều trị, sẽ dẫn đến mất mô nướu và xương. Bên cạnh đó, viêm mãn tính còn gây áp lực lớn lên hệ miễn dịch.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ bị viêm quanh răng
Những yếu tố làm tăng nguy cơ bị viêm quanh răng bao gồm:
- Bệnh viêm nướu, vệ sinh răng miệng kém,
- Hút hoặc nhai thuốc, thay đổi hóc môn do mang thai hoặc mãn kinh,
- Sử dụng thuốc lá điện tử hoặc cần sa, béo phì,
- Thiếu chất dinh dưỡng (đặc biệt là vitamin C), di truyền hoặc dùng một số loại thuốc nhất định gây ra tác dụng khô miệng hoặc thay đổi ở nướu,
- Một số bệnh lý nền như như ung thư máu, HIV/AIDs hay quá trình điều trị ung thư, tiểu đường, viêm khớp và bệnh Crohn.
Biến chứng bệnh viêm quanh răng
Bệnh viêm quanh răng có thể gây mất răng (tiêu xương). Vi khuẩn gây ra bệnh viêm quanh răng có thể đi vào máu qua các mô nướu cũng gây tổn hại đến những cơ quan khác trong cơ thể. Ví dụ, viêm quanh răng gây bệnh về đường hô hấp, viêm khớp dạng thấp, bệnh động mạch vành và gây mất kiểm soát lượng đường huyết ở người bị tiểu đường.
Chẩn đoán bệnh viêm quanh răng
Để xác định bệnh viêm quanh răng và mức độ nghiêm trọng của bệnh viêm quanh răng, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân:
- Cung cấp tiền sử mắc bệnh nói chung và bệnh răng miệng nói riêng: Việc này giúp xác định các yếu tố góp phần gây ra triệu chứng như hút thuốc, sử dụng một số loại thuốc là nguyên nhân gây khô miệng.
- Kiểm tra miệng: Kiểm tra miệng giúp phát hiện mảng bám, vôi răng và chảy máu nướu
- Đo độ sâu của túi nướu: Đo độ sâu của túi nướu bằng cách sử dụng cây đo túi nướu, thường là một vài điểm trong miệng. Túi nướu có độ sâu hơn 4 mm cho biết tình rặng viêm quanh răng. Túi nướu sâu hơn 5 mm không thể được làm sạch hoàn toàn.
- Chụp tia X quang: Chụp tia X quang giúp xác định được phần xương bị mất trong quá trình đo độ sâu của túi nướu.
- Giai đoạn của bệnh viêm quanh răng sẽ được xác định dựa trên mức độ nghiêm trọng của bệnh, độ phức tạp của quá trình điều trị và những yếu tố khác.
Điều trị bệnh viêm quanh răng
Việc điều trị thường được thực hiện bởi một bác sĩ chuyên khoa. Mục tiêu của việc điều trị bệnh viêm quanh răng là làm sạch các túi nướu xung quanh răng và ngăn không để các tổn thương ảnh hưởng đến phần xương gần đó. Việc điều trị nên được kết hợp với vệ sinh răng miệng hằng ngày, tránh không để mắc các bệnh khác và ngừng hút thuốc.
Điều trị không phẫu thuật trong viêm quanh răng chưa tiến triển
Nếu bệnh viêm quanh răng chưa tiến triển, không nhất thiết phải điều trị bằng cách phẫu thuật. Dưới đây là một số cách điều trị phổ biến.
- Lấy cao răng: Lấy cao răng giúp loại bỏ vi khuẩn ra khỏi bề mặt răng và nướu
- Làm sạch chân răng: Làm sạch chân răng giúp ngăn chặn sự tích tụ vôi răng và vi khuẩn, đồng thời giúp giảm viêm và đẩy nhanh quá trình hồi phục của nướu.
- Thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh dạng uống hoặc dạng bôi đều có thể giúp kiểm soát nhiễm khuẩn. Thuốc kháng sinh dạng bôi bao gồm cả nước súc miệng diệt khuẩn hoặc gel bôi vào giữa răng và nướu hoặc các túi nướu sau khi làm sạch sâu. Tuy nhiên, thuốc kháng sinh dạng uống cần thiết trong việc loại bỏ hoàn toàn các loại vi khuẩn gây nhiễm trùng.
Phẫu thuật điều trị viêm quanh răng tiến triển nặng
Nếu bệnh viêm quanh răng đã tiến triển nặng, bắt buộc phải điều trị bằng cách phẫu thuật quanh răng như:
- Nạo túi nướu: Bác sĩ chuyên khoa sẽ rạch một vết nhỏ ở nướu của bệnh nhân để phần mô nưới bị tụt trở lại vị trí ban đầu, phẫu thuật phần chân răng hiệu quả hơn phương pháp làm sạch cao răng và chân răng. Vì bệnh viêm quanh răng thường gây mất xương, phần xương bên dưới có thể được chỉnh lại trước khi mô nướu được khâu lại. Sau khi vết thương lành, có thể làm sạch khu vực này để duy trì tình trạng tốt của mô nướu.
- Ghép mô mềm: Nếu các mô nướu bị mất, nướu sẽ bị tụt. Các mô nướu bị tổn thương cần được hỗ trợ bằng cách ghép mô. Đầu tiên, một phần mô nhỏ tại vòm miệng sẽ bị tách ra hoặc phần mô này sẽ được lấy từ một người hiến tặng. Sau đó, phần mô này sẽ được ghép vào vị trí bị ảnh hưởng. Điều này giúp giảm tình trạng tụt nướu sau này, đồng thời giúp che kín phần chân răng bị hở và cải thiện vẻ bề ngoài của răng.
- Ghép xương: Bệnh nhân cần được ghép xương nếu phần xương xung quanh chân răng đã bị phá hủy. Phần xương ghép có thể là xương của chính bệnh nhân hoặc là xương do một người khác hiến tặng hoặc là xương tổng hợp. Phần xương ghép này giúp bù lại phần xương bị mất và giúp cố định răng, tạo điều kiện cho phần xương mới hình thành.
- Phương pháp tái sinh mô có hướng dẫn: Đây là phương pháp giúp tái phần răng bị phá hủy bởi vi khuẩn. Trong một phương pháp, bác sĩ nha khoa đã ghép một mẩu mô nhân tạo vào giữa phần xương còn lại và răng. Mẩu mô này có tác dụng bảo vệ vị cần điều trị, tạo điều kiện cho xương hình thành lại.
- Kích thích sự phát triển của mô bằng protein: Phương pháp này sử dụng một loại gel đặc biệt bôi vào chân răng bị tổn thương. Loại gel này có chứa một loại protein tương tự như loại protein trong men răng có khả năng kích thích sự phát triển của mô và xương.
Phòng chống bệnh viêm quanh răng
Cách tốt nhất để phòng chống bệnh viêm quanh răng là hình thành thói quen vệ sinh răng miệng hằng ngày. Cần tuân thủ một số lưu ý trong vệ sinh răng miệng để phòng bệnh viêm quanh răng tốt nhất.
Vệ sinh răng miệng chuẩn từ chuyên gia
- Vệ sinh răng miệng: Vệ sinh răng miệng đồng nghĩa với việc chải răng trong ít nhất 2 phút, ít nhất 2 lần mỗi ngày vào buổi sáng và trước khi ngủ, dùng chỉ nha khoa ít nhất 1 lần/ ngày. Dùng chỉ nha khoa trước khi chải răng giúp loại bỏ hết các mảnh vụn thức ăn thừa ra khỏi răng. Vệ sinh răng miệng tốt giúp kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn trong miệng.
- Kiểm tra răng miệng định kỳ: Tới nha sĩ định kỳ để làm sạch răng, thường từ 6-12 tháng. Đối với những người có nguy cơ mắc bệnh viêm quanh răng cao hơn như bị khô miệng, dùng một số loại thuốc hay hút thuốc nên tới nha sĩ kiểm tra thường xuyên hơn.
Lưu ý khi vệ sinh răng miệng hàng ngày ngăn ngừa viêm quanh răng
Dưới đây là một số cách giúp phòng chống bệnh viêm quanh răng hiệu quả:
- Chải răng 2 lần mỗi ngày hoặc tốt hơn là sau mỗi bữa ăn
- Sử dụng bàn chải lông mềm và thay bàn chải định kỳ sau mỗi 3 tháng
- Sử dụng bàn chải điện thay cho bàn chải thường vì bàn chải điện giúp loại bỏ mảng bám và vôi răng hiệu quả hơn.
- Dùng chỉ nha khoa hằng ngày
- Súc miệng hằng ngày giúp giảm mảng bám giữa các răng
- Làm sạch răng định kỳ tại các phòng khám nha khoa
- Không hút thuốc lá hoặc nhai thuốc lá
Viêm quanh răng là bệnh lý nghiêm trọng cần điều trị sớm nếu không muốn gặp các biến chứng như tụt lợi, chảy máu chân răng, mất răng…Nếu có dấu hiệu sưng đau nướu, hãy đến ngay cơ sở nha khoa uy tín để khám và điều trị kịp thời. Đừng quên áp dụng ngay các biện pháp phòng ngừa như súc miệng kháng khuẩn và lấy cao răng thường kỳ để ngăn chặn bệnh lý này!