Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, tuy nhiên mắt cũng tiềm ẩn những căn bệnh nguy hiểm do ký sinh trùng đáng sợ gây nên. Vừa qua, các nhà khoa học đã phát hiện ra một loại ký sinh trùng có khả năng hại chết vật chủ bằng cách kiểm soát não, dẫn dụ chúng đến trước miệng kẻ thù.
Sán mắt Diplostomum pseudospathaceum
Nhóm nghiên cứu Viện Sinh thái và Sự Tiến hóa Severtsov ở Mátxcơva, Nga phát hiện ra một loại ký sinh trùng gọi là sán mắt Diplostomum pseudospathaceum.
Chúng đã phát triển khả năng hủy diệt khủng khiếp qua vòng đời phức tạp. Từ trứng cho đến khi trưởng thành, loài vật nguy hiểm này dựa vào ba loài động vật khác nhau để phát triển. Đầu tiên, trứng chúng được giữ trong đường tiêu hóa và ra ngoài cùng nước với phân của chim. Rồi ấu trùng nở ra từ trứng đi tìm ốc sên ngọt để chui vào, lớn lên.
Giai đoạn tiếp theo của ấu trùng với các dạng hình giúp chúng bơi tự do trong nước được gọi là cercariae (ấu trùng dạng tim có đuôi) rời khỏi ốc sên. Tiếp đến, chúng xâm nhập vào nhãn cầu của cá khi ở giai đoạn gọi là ấu trùng metacercariae (có phần đầu kết vỏ trong suốt nằm trong nội quan vật chủ). Sau đó, nếu chim ăn phải cá nhiễm ký sinh trùng này sẽ lại bắt đầu chu kỳ vòng đời của sán.
Những chứng thực khoa học
Ngược dòng thời gian, năm 2015, các nhà khoa học đã thực hiện nghiên cứu về loài sán nói trên. Khi ấy, họ cho khoảng 25 con cá hồi Oncorhynchus mykiss với sán non và quan sát hành vi của cá hồi. Họ thấy cá bị nhiễm bệnh khó bắt hơn một chút so với cá bình thường. Nhưng không hề có biểu hiện nào cho thấy cá hồi bị mù vì sán.
Tuy nhiên, đến nghiên cứu mới nhất, họ phát hiện ra một nửa sự thật còn lại cho thấy độ nguy hiểm của loài sán này. Theo đó có hai hình thái hành vi rõ ràng, có thể phân biệt bởi sự thay đổi theo sự trưởng thành của sán. Khi sán non, kết quả như thí nghiệm năm 2015 như các nhà khoa học viết: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy ấu trùng chưa trưởng thành của D.pseudospathaceum gây ra những thay đổi trong hành vi vật chủ có thể bảo vệ chúng khỏi bị ăn thịt…”.
Nhưng khi sán ở giai đoạn dậy thì khiến cá hồi trở nên hoạt động mạnh hơn và di chuyển gần mặt nước hơn. Dù cả cá nhiễm bệnh và cá không bị nhiễm bệnh sẽ yên lặng khi thấy bóng chim bay ngang qua, nhưng những con bị nhiễm bệnh bắt đầu di chuyển sớm hơn. Ký sinh trùng tác động đến tầm nhìn của cá, nhằm làm chúng khó phát hiện ra động vật ăn thịt không phải chỉ bằng cách che lấp tầm nhìn, chặn ánh sáng bên trong nhãn cầu mà ký sinh trùng này đã tác động thông qua cơ chế hóa học.
Từ các thuật chứng khoa học trên, các nhà khoa học rút ra kết luận: “… metacercariae trưởng thành có thể thay đổi hành vi của cá hồi bằng cách khiến chúng dễ bị chim săn mồi ăn thịt”. Đây là bằng chứng cho thấy cá bị thao túng để tránh bị ăn thịt trong khi sán còn non và sau đó lại bị “hiến tế” khi sán đã trưởng thành, muốn sinh sản cho thấy sự nguy hiểm khủng khiếp của loài sán này.
Được biết, cả hai bài báo nghiên cứu về cùng chủ đề đã được xuất bản trên Behavioural Ecology and Sociobiology.