Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 200.000 người mắc bệnh tâm thần nặng đang được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và 31 trung tâm bảo trợ xã hội đang chăm sóc và phục hồi chức năng cho những người bị mắc căn bệnh này…
Mục lục
Tìm hiểu về bệnh rối nhiễu tâm trí
Bệnh rối nhiễu tâm trí biểu hiện sự lệch lạc về sức khỏe tâm thần, thể hiện dưới dạng các triệu chứng như nhức đầu, mệt mỏi không có nguyên nhân rõ ràng, chán ăn, học tập sút kém, làm việc rất khó tập trung, cáu giận vô cớ hoặc lo lắng quá mức.
Người bị bệnh rối nhiễu tâm trí thường không được phát hiện kịp thời, đặc biệt ở trẻ em, phụ nữ đang mang thai hoặc trong thời gian sau sinh.
Giai đoạn đầu bệnh thường bị chẩn đoán nhầm sang các bệnh thực thể khác hoặc bị bỏ qua. Không được phát hiện, vòng xoắn rối nhiễu nặng dần lên, các triệu chứng trên trở nên rõ rệt và thường xuyên hơn, tác động rõ rệt đến sinh hoạt, học tập, làm việc và nảy sinh các bệnh thực thể khác.
Nếu tiếp tục không được chẩn đoán và can thiệp kịp thời, người bệnh có thể rơi vào trạng thái cô đơn, dần xa lánh bạn bè, người thân, rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống, bỏ học, bỏ nhà đi lang thang, có hành động hủy hoại thân thể hoặc toan tính tự tử. Đến lúc này việc khám để chẩn đoán bệnh đã quá rõ ràng nhưng việc điều trị trở nên vô cùng khó khăn.
Nguyên nhân gây bệnh rối nhiễu tâm trí
Bệnh rối nhiễu tâm trí do rất nhiều nguyên nhân gây nên, trong đó phải kể đến áp lực trong cuộc sống, mưu sinh, những thay đổi về lối sống, sự phát triển kinh tế, thiên tai, ô nhiễm môi trường và sự hạn chế của hệ thống dịch vụ công tác xã hội nên số người bị rối nhiễu tâm trí, người bị tâm thần gia tăng.
Bệnh nhân bị rối nhiễu tâm trí được điều trị tại trung tâm bảo trợ xã hội
Tính đến năm 2020, số người rối nhiễu tâm trí ở Việt Nam ước tính khoảng 10% dân số, trong đó có 2,5% bị tâm thần nặng thuộc diện bảo trợ xã hội.
Thực trạng và chiến lược quốc gia về sức khỏe tâm thần
Theo con số thống kê cho thấy số lượng người bị rối nhiễu tâm trí ở Việt Nam khá lớn, ước tính chiếm khoảng 10% dân số, tương đương gần 9 triệu người. Trong đó, người tâm thần nặng ước tính khoảng 200.000 người, trong đó số người có hành vi nguy hiểm cho gia đình, cộng đồng khoảng 154.000 người.
Tuy nhiên việc trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễn tâm trí còn gặp khó khăn do mạng lưới các cơ sở thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Đặc biệt, các cơ sở bảo trợ xã hội thiếu các dịch vụ tư vấn, trợ giúp các đối tượng tái hòa nhập cộng đồng. Vì vậy, trong bối cảnh, số lượng người rối nhiễu tâm trí ngày càng gia tăng thì việc phát triển hệ thống, dịch vụ trợ giúp xã hội ngày càng cần thiết.
Trước thực tế trên, Bộ Y tế đã tiến hành xây dựng chiến lược quốc gia về sức khỏe tâm thần giai đoạn 2015-2020, qua đó Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang xây dựng đề án phát triển mạng lưới các cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, rối nhiễu tâm trí.
Được biết, chiến lược này đặt mục tiêu đến năm 2020, sẽcó 50 cơ sở phục hồi chức năng, chăm sóc chuyên biệt và cung cấp dịch vụ hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng.
Hải Yến – Benh.vn