Để có đôi mắt sáng đẹp, trẻ cần được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng ngay khi còn trong bụng mẹ. Dưới đây là 4 nguyên tố dinh dưỡng tốt cho mắt trẻ, phụ huynh hãy nhớ không thể thiếu cho “cửa sổ tâm hồn” của trẻ.
1. Acid a-linolenic
Axit a-linolenic có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với đôi mắt của trẻ. Nó là 1 trong những nguyên tố dinh dưỡng tốt cho mắt trẻ hàng đầu, có nhiệm vụ cấu thành nên các tế bào não bộ và võng mạc mắt. Nó cũng kích thích phát triển trí thông minh và thị lực, giảm thiểu nguy cơ phát sinh các dị tật ở não cũng như các bộ phận khác.
Các nhà khoa học Mỹ đã chứng minh được tầm quan trọng của axit a-linolenic đối với mắt và não của trẻ. Các thai phụ hoặc trẻ sau khi sinh nếu thiếu axit a-linolenic, hàm lượng DHA trong các tế bào võng mạc mắt sẽ giảm 1/2, còn hàm lượng chất xám ở não cũng giảm 1/4 so với điều kiện bình thường. Và tất nhiên điều này cũng sẽ tác động lâu dài tới sự phát triển của trẻ sau này.
Khi nằm trong bụng mẹ và đang trong giai đoạn bú mẹ, dinh dưỡng cho mẹ rất quan trọng và vì thế các bà mẹ nên chú ý đến việc bổ sung axit a-linolenic trong quá trình mang thai cũng như cho con bú.
Axit a-linolenic có trong cá hồi, cá ngừ, quả hạch, hạt dẻ nhưng hàm lượng không cao, giá thành lại khá đắt. Vì vậy, dầu gan cá là 1 sự lựa chọn hoàn hảo. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo: các bà mẹ nên bổ sung thêm 1.000 miligram axit a-linolenic mỗi ngày để trẻ có sự phát triển tốt nhất.
2. Vitamin A
Vitamin A là 1 trong những nguyên tố chính tạo nên sắc tố thị giác. Thị lực sẽ bị giảm sút nếu thiếu vitamin này. Nếu để lâu mắt sẽ không còn nhìn rõ được mọi vật xung quanh.
Cá các loại đều có chứa nhiều vitamin A nhưng các nhà khoa học khuyên các bà mẹ không nên dùng cá hộp đã qua xử lý. Tốt nhất là nên mua cá tươi, sau đó tự chế biến sẽ đảm bảo được độ dinh dưỡng cao nhất. Thai phụ nên ăn cá ít nhất 1lần/ 1 tuần hoặc uống bổ sung 1.200IU vitamin A/1ngày.
Ngoài các loại cá, các bà mẹ cũng có thể chọn mua các sản phẩm giàu vitamin A khác như cà rốt, gan, lòng đỏ trứng, dầu gan cá vv… Trong đó gan gà có chứa lượng vitamin A dồi dào nhất.
Chú ý: Không được bổ sung vitamin A một cách tùy tiện. Dùng quá nhiều vitamin A rất dễ dẫn đến nhiễm độc vitamin A. Vì vậy, trước khi dùng hãy tham khảo lời khuyên của bác sĩ hoặc các chuyên gia tư vấn để có được 1 liều lượng thích hợp nhất.
3. Taurine (acid 2-aminoethanesulfonic)
Võng mạc mắt có chứa nhiều taurine, nó không những bảo vệ và kích thích sự phát triển của võng mạc mà còn nâng cao khả năng cảm nhận của thị giác.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc, giác mạc mắt có khả năng tự bảo vệ và taurine chính là nguyên tố quan trọng làm tăng khả năng bảo vệ ấy, ngăn ngừa các bệnh ở mắt.
Taurine là 1 loại amino axit, nó có khả năng tác động đến hệ thần kinh TƯ, sản sinh thêm các tế bào thần kinh, điều khiển và phân biệt các chức năng. Khi hàm lượng taurine trong võng mạc mắt không đủ, kết cấu và chức năng của mắt sẽ bị rối loạn dẫn đến mỏi mắt, giảm thị lực.
Khả năng tự sản sinh taurine hay hấp thụ qua ống dẫn niệu của trẻ sơ sinh là rất kém vì vậy, nếu không được bổ sung từ bên ngoài, cơ thể trẻ rất dễ bị thiếu hụt taurine.
Các nhà dinh dưỡng đưa ra lời khuyên cho các thai phụ là nên bổ sung nguyên tố taurine ngay khi trẻ còn trong bụng mẹ, nhất là 4 tháng cuối của thai kỳ. Thai nhi mỗi ngày chỉ có thể tự tích lũy từ 6-8mg taurine, vì vậy các thai phụ nên bổ sung 20miligram taurine mỗi ngày.
4. Vitamin B
Vitamin B1, B2 là một trong những nguồn dinh dưỡng chủ yếu của các dây thần kinh thị giác. Thiếu vitamin B1 sẽ thường xuyên cảm thấy mỏi mắt còn nếu lượng vitamin B2 không đủ sẽ dễ dẫn đến viêm giác mạc.
Vitamin B1 có nhiều trong các thực phẩm tự nhiên, tập trung chủ yếu ở thịt, đậu, lạc.
Trong trứng, sữa, hoa quả, rau xanh không chứa nhiều vitamin B1.
Nội tạng động vật là sản phẩm giàu lượng vitamin B2 nhất, đặc biệt là gan. Các sản phẩm khác như thị lợn, trứng gà, cá tươi, nấm cũng có hàm lượng vitamin B2 phong phú.
Các nhà dinh dưỡng cũng khuyên các bà bầu chỉ nên ăn từ 50 – 100g nội tạng động vật mỗi ngày là đã đủ lượng vitamin B2 cần thiết. Ngoài ra cũng không nên vo gạo quá lâu, vì như thế sẽ làm mất đi lượng vitamin B1 vốn có.