Có những trẻ tập nói khá sớm khi chỉ từ 7 – 12 tháng tuổi đã bắt đầu ọ, ẹ, ê, a. Tuy nhiên, có một số trẻ lại chậm nói hơn các bạn đồng trang lứa. Có rất nhiều lý do dẫn đến vấn đề nhưng một trong những nguyên nhân lớn nhất là do cha mẹ chưa biết dạy bé tập nói đúng cách. Dưới đây là một số mẹo để giúp bố mẹ trẻ khi dạy con tập nói.
Mục lục
Đọc truyện cho trẻ mỗi ngày
Ngay cả nếu con của bạn chỉ ngồi trong một phút, mở một cuốn sách và đọc cho bé nghe một vài câu. Bạn nên để sách ở những nơi trẻ hay lui tới, và làm gương cho bé bằng cách thường xuyên đọc bất cứ thứ gì có ở quanh bạn và bé.
Học các ngôn ngữ cơ thể
Bạn cần sử dụng các kí hiệu ngôn ngữ cơ thể cơ bản với trẻ: ăn, uống sữa, uống nước, ngủ, nữa đi, cần giúp đỡ và tất cả đã xong. Mỗi lần bạn nói bất kỳ từ nào thì làm các kí hiệu cùng một lúc.
Một khi trẻ đã nhận biết được những ngôn ngữ cơ thể cơ bản, bạn có thể tăng dần. Trẻ rất thích các kí hiệu như hôn gió, tạm biệt hay giơ dấu “Ok”.
Phát âm đúng
Khi nói chuyện với trẻ, bạn cần phát âm đúng và chính xác. Nhiều cha mẹ thường có thói quen nói chệch theo trẻ. Nhưng điều này rất tai hại khi bé sẽ không nắm bắt được đúng hình dạng miệng, âm thanh và ngữ điệu của lời nói. Tuy việc nói nhịu theo bé rất hấp dẫn nhưng đừng nên sa đà mà dẫn đến việc trẻ nói ngọng sau này.
(Ảnh minh họa)
Khi nói chuyện với bé, bạn chỉ cần nhìn sâu vào đôi mắt trẻ và mỉm cười khi bé ê a. Ngoài ra, lặp lại nhiều lần về những gì bé nói và sửa lại cho đúng. Ví dụ, bé nói “chẹo”, “chẹo”, bạn mỉm cười, gật đầu và nói: “kẹo”.
Không gọi tên bé khi muốn phạt hay ra lệnh
Hét to tên của con không khiến cho mọi việc tốt lên hay làm bé bình tĩnh lại khi đang khóc quấy, nóng nảy. Tuy khó khăn nhưng bạn hoàn toàn có thể kiềm chế mình và nhẹ nhàng: “Linh Anh…đừng nóng…dừng lại”.
Bỏ từ “Ok” ra khỏi vốn từ vựng khi nói chuyện với trẻ
Như đã đề cập ở trên, trẻ em sẽ hiểu phải làm gì khi được chỉ dẫn rõ ràng. Nếu bạn làm điều này nhưng sau đó ném một từ “Ok” ở cuối câu, có nghĩa là bạn đang cho bé đặc quyền có thể từ chối.
Sử dụng câu có từ một đến ba từ
Trẻ em học nói bằng cách lắng nghe tất cả mọi thứ bạn đang nói, bằng cách quan sát ngôn ngữ cơ thể của bạn và nhìn thấy cách bạn tương tác với người khác khi không nói chuyện trực tiếp với bé. Tuy nhiên, nếu bạn đang nói chuyện trực tiếp với một đứa trẻ, sử dụng những câu 1 – 3 chữ.
Ví dụ, nếu bạn thấy con bạn đang vật lộn với một món đồ chơi, nhìn vào mắt họ và hỏi: “Con cần giúp?”. Khi bạn nói cũng sử dụng các ngôn ngữ cơ thể yêu cầu giúp đỡ. Khi trẻ bắt đầu lặp đi lặp lại câu của bạn, bạn có thể thêm vào một vài từ khác.
Nhìn vào đôi mắt của trẻ khi nói chuyện trực tiếp với bé. Ở giai đoạn này, bé đang học nói bằng cách đọc khẩu hình miệng. Bạn cũng nhớ nên ngồi ngang tầm mắt bé, nở nụ cười và gật đầu khi trò chuyện.
Cho lệnh cụ thể
“Rút ngón tay của con lên!” – bạn hãy nói với con như thế để bé không bị kẹp tay trong ngăn kéo. Nhiều cha mẹ chỉ hét lên “cẩn thận” mà không thực sự đưa cho trẻ bất kì hướng dẫn hữu ích nào.
Đừng bật TV quá nhiều
TV sẽ làm bé xao nhãng khỏi bạn và những gì bạn đang nói. Ngoài ra, theo Học viện Nhi khoa Mỹ, TV ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển ngôn ngữ, sức tập trung và sáng tạo của trẻ. Chỉ nên cho trẻ em TV không quá 20 phút mỗi ngày sau khi bé 2 tuổi.
Đừng nói từ “không” quá nhiều
Sử dụng từ “không” khi bạn cần ra lệnh và phải nói quả quyết để bé biết những gì không được phép làm. Tuy nhiên, thay vì la hét “KHÔNG!” thì hãy cụ thể hóa những điều bạn mong muốn. Ví dụ như bạn có thể thêm động từ vào sau: “Không được chạm vào nó”, “Không được nghịch bẩn”,…
Ngoài ra, quan trọng là bạn sử dụng ngữ điệu thích hợp với tình hình. Nếu bé nghe thấy giọng bạn không dứt khoát, có nghĩa là sự việc không quá nghiêm trọng và bé có thể tiếp diễn.
Benh.vn (Theo Khám phá)