Do sức đề kháng còn yếu nên bé rất dễ bị nhiễm virut, nhiễm bệnh. Một số lưu ý sau sẽ giúp bố mẹ hạn chế các nguy cơ nhiễm bệnh cho trẻ.
Mục lục
1. Cho bé tiêm phòng đầy đủ
Tiêm phòng là cách quan trọng để bảo vệ bé khỏi bệnh tật. Vắcxin tiêm chủng có tác dụng ngăn ngừa bé khỏi bị ốm, kể cả những trận ốm nhẹ hoặc chứng ho lâu ngày.
2. Cho bé bú mẹ
Học viện Nhi khoa Mỹ (AAP) gợi ý, cách hiệu quả nhất để bé có hệ miễn dịch khỏe mạnh là cho bé bú mẹ. Sữa mẹ chứa các chất kháng thể, giúp bé chống lại bệnh tật. Tất nhiên, bé bú mẹ không thể tránh được các loại bệnh. Nhưng nhiều nghiên cứu chứng minh, cho bé bú mẹ sẽ giảm được thời gian và mức độ của các loại bệnh, như nhiễm trùng tai. AAP khuyến cáo, nên cho bé bú mẹ trong ít nhất một năm.
3. Tránh cho bé tiếp xúc với nhiều người trước 6 tuần tuổi
Nhất là trong những tháng mùa đông, thời điểm virus gây bệnh có mặt nhiều trong không khí. Tuy nhiên, bạn không nên quá lo về điều này. Đẩy bé đi dạo trong một ngày ấm áp không khiến bé bị bệnh.
4. Cẩn thận với những người bế bé
Hệ miễn dịch chưa hoàn thiện khiến bé dễ bị lây bệnh từ người khác. Những người bế bé mà ho hoặc hắt hơi vào bé cũng có thể làm bé mắc bệnh. Tiếp xúc với người bệnh và vi trùng gây bệnh từ họ sẽ khiến bé bị bệnh.
5. Cha mẹ cần rửa tay thường xuyên
Nên rửa tay trước khi bế bé. Các chuyên gia đồng ý rằng, rửa tay thường xuyên là cách tốt nhất tránh bệnh lây lan. Bởi vì, virus có thể sống trên tay nắm cửa hoặc những vật khác mà người lớn chạm vào.
6. Tránh cho anh (chị) của bé hôn bé
Bạn có thể cho các bé vui chơi cùng nhau nhưng hạn chế để bé hôn em mình. Bé dưới 6 tuổi rất hay mắc bệnh và có thể truyền bệnh cho em qua một nụ hôn.
7. Cho bé vui chơi hợp lý
Giống như người làm việc quá sức, bé cũng có thể bị stress, gây yếu hệ miễn dịch. Stress sẽ bị đầy lùi nếu bạn cho con vui chơi hợp lý. Với bé tuổi chập chững, có thể chơi trò đá bóng cùng con. Hoặc có thể đưa bé ra bên ngoài và cùng chơi vui. Các bé cần không khí trong lành và được vận động hàng ngày. Nhiều cha mẹ sợ cho con ra ngoài sẽ khiến bé bị bệnh nhưng thực ra, virus gây bệnh có thể sinh sống ngay trong nhà.
8. Tăng cường vitamin C
Cho bé ăn rau xanh và hoa quả là cách bổ sung vitamin C hợp lý. Bạn cũng có thể bổ sung vitamin C cho bé dưới dạng vitamin tổng hợp nhưng cần hỏi ý kiến bác sĩ. Vitamin có tác dụng nâng cao sức đề kháng, giúp bé phòng tránh nhiều loại bệnh.
9. Hạn chế đồ ăn chứa đường
Có bằng chứng cho thấy, đường khiến bạch cầu hoạt động kém, làm suy yếu hệ miễn dịch trước khả năng tấn công của vi trùng. Một trong những thủ phạm làm tăng lượng đường của bé là nước hoa quả, nhất là nước quả đóng hộp. Thay vào đó, hãy cho bé ăn vài lát chuối chín (hoặc táo tây) cắt nhỏ kèm với sữa chua. Sữa chua chứa vi khuẩn lành mạnh, giúp bé tăng sức khỏe.
Benh.vn (Theo Me&
Be)