Những ngày gần đây, thông tin gạo trắng chính là nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường đã khiến nhiều người lo lắng. Trên thực tế, gạo trắng được xem thực phẩm là truyền thống và xuất hiện hàng ngày trong mỗi bữa cơm của người Việt. Vậy thực hư thông tin này là thế nào? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu.
Dù không nằm trong nhóm gây ra bệnh tiểu đường nhưng cũng cần hạn chế ăn quá nhiều gạo trắng.
Bệnh tiểu đường hiện nay
Tỷ lệ mắc tiểu đường ở Việt Nam và các nước đang phát triển tăng cao là do đời sống được cải cải thiện, con người có xu hướng ăn uống bất hợp lý như tiêu thụ nhiều chất béo, chất đạm như thịt, đồ ăn dầu mỡ, đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn hay rượu bia…. Việc năng lượng nạp vào cơ thể quá nhiều có thể gây nên rối loạn chuyển hóa chất đạm, đặc biệt là chất béo. Thêm vào đó, thói quen lười vận động, ít di chuyển lại càng khiến lượng chất béo vào cơ thể khó tiêu hao.
Tất cả các yếu tố đó đã đẩy chúng ta vào tình trạng thừa cân, béo phì – hai yếu tố nguy cơ không chỉ dẫn đến tiểu đường mà còn nhiều căn bệnh nguy hiểm khác như rối loạn mỡ máu, cao huyết áp, gout, sỏi mật, tiền liệt tuyến…
Ăn nhiều cơm có gây bệnh tiểu đường ?
Trên thực tế, gạo và mì là những thực phẩm có chỉ số đường huyết cao. Song, các chuyên gia khẳng định, không nhất thiết phải nhịn hoàn toàn tinh bột, vẫn có thể ăn cơm hàng ngày nhưng chỉ ở mức độ hạn chế. Theo đó, khẩu phần ăn dành cho người bình thường được khuyến nghị là 15% chất đạm, 60 – 65% chất đường bột và chất béo dưới 25%; với bệnh nhân tiểu đường, chất đường bột nên giảm xuống còn 50 – 55%, chất đạm 15 – 18%, chất béo cũng không nên vượt mức 25%.
Đến thời điểm này, Bộ Y tế, Viện Kiểm nghiệm hoặc Viện Dinh dưỡng chưa hề có tuyên bố nào nói rằng, gạo trắng nằm trong nhóm nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường. Các chuyên gia khuyến cáo, mỗi người cần có chế độ ăn uống riêng phù hợp với tình trạng sức khỏe để có thể duy trì cơ thể luôn khỏe mạnh, dẻo dai…
An Nguyên – Benh.vn