Nhiều mẹ bầu luôn lo sợ nếu ăn ít thì con không đủ khỏe mạnh, nhưng nếu ăn nhiều thì sau khi sinh bản thân lại trở nên thừa cân, xấu xí. Vậy mẹ bầu nên thực hiện chế độ ăn như thế nào để dinh dưỡng vào con mà ít vào mẹ, con khỏe mà mẹ vẫn xinh đẹp?
Mục lục
Những nguyên tắc ăn uống mẹ bầu nào cũng phải nằm lòng
Đa dạng nguồn thức ăn
Mẹ bầu nào cũng cần ăn uống đủ chất và nhiều hơn bình thường, đặc biệt là những tháng cuối của thai kỳ, để vừa đảm bảo sức khỏe cho mẹ vừa đáp ứng nhu cầu phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, nếu chỉ chăm chăm ăn uống “vô tội vạ” thì sẽ rất có hại vì chưa chắc đã đảm bảo nguồn dinh dưỡng đa dạng, thai nhi có thể sẽ thiếu chất nào đó nhưng lại thừa một số chất khác. Do đó, mẹ bầu cần ăn đủ 4 nhóm thực phẩm: đường, đạm, chất béo và nhóm chất xơ, vitamin, khoáng chất.
Ăn chậm, nhai kỹ
Phụ nữ mang thai luôn có cảm giác đói nhanh hơn bình thường. Do đó, mẹ bầu nên ăn chậm, nhai kỹ để có cảm giác no lâu và tốt cho dạ dày. Không nên ăn nhanh, ăn vội, vừa ăn vừa xem TV hay điện thoại.
Chia nhỏ bữa ăn
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, mẹ bầu nên chia các bữa ăn thành 3 bữa chính và 3 bữa phụ: bữa sáng – bữa phụ sáng, bữa trưa – bữa phụ chiều, bữa tối – bữa phụ đêm. Điều này không chỉ giúp cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho thai nhi mà còn giúp mẹ bầu khắc phục tình trạng ốm nghén, kén ăn trong những tháng đầu và kiểm soát được cân nặng trong những tháng tiếp theo.
Uống đủ nước
Uống nước đầy đủ không chỉ giúp các cơ quan hoạt động trơn tru mà đôi khi còn là biện pháp cứu cánh cho cơn đói của mẹ bầu. Mẹ có thể uống nước lọc, nước canh, nước hoa quả để tốt cho con mà không sợ béo.
Những thực phẩm giúp con khỏe, mẹ đẹp
Thực phẩm bổ sung năng lượng: Gạo, bột mì, đường, dầu – mỡ
Thực phẩm tốt cho thai nhi: Thịt, trứng, sữa, tôm, cua, cá và các nguồn đạm thực vật như đậu hạt, vừng, lạc.
Thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất:
- Tôm, cua, cá, sữa, đậu tương giàu Canxi tham gia cấu tạo khung xương cho thai nhi
- Thịt đỏ, cá, trứng, sữa, đậu đỗ các loại, vừng lạc và các rau củ màu xanh đậm là những thực phẩm giàu sắt – khoáng chất tham gia vào quá trình tạo máu
- Thịt, cá, thủy hải sản, đặc biệt là ốc, hến, ngao, trai rất giàu kẽm tham gia vào quá trình phát triển chiều cao và tăng khả năng miễn dịch cho thai nhi
- Trái cây, rau xanh, trứng,… rất giàu axit folic tham gia tạo máu, hình thành ống thần kinh, phòng ngừa dị tật ống thần kinh cho trẻ
- Vitamin C có trong trái cây (cam, quýt, táo, đu đủ…) và rau xanh (rau muống, rau ngót…) giúp tăng sức đề kháng, hỗ trợ hấp thu sắt, phòng ngừa thiếu máu do thiếu sắt.
Những thực phẩm nên tránh
Tuyệt đối không sử dụng
- Rượu bia và thuốc lá
- Một số loại củ, quả đã mọc mầm (như khoai tây)
- Các thực phẩm quá hạn sử dụng
- Tiết canh, thịt, cá tái, sống
Nên hạn chế sử dụng
- Các sản phẩm sữa, bơ, phomat chưa qua tiệt trùng
- Sò, ốc, hàu (do có thể chứa ký sinh trùng và vi khuẩn)
- Hạn chế sử dụng các loại cá có nguy cơ chứa thủy ngân cao (cá thu, cá mập, cá kiếm…)
- Không nên uống nhiều đồ uống có ga, có chứa cafein và cocain.
- Hạn chế dùng các gia vị kích thích như ớt, hạt tiêu
- Các thức ăn chế biến công nghiệp (ví dụ xúc xích, thịt nguội,…).
Ngoài ra, mẹ bầu cần chú ý giảm lượng muối ăn: bởi ăn nhiều muối sẽ dẫn đến huyết áp cao và phù, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe mẹ và con.
Benh.vn (Theo BV Vinmec)