Một phụ nữ trẻ người dân tộc Tày (quê ở Cao Bằng) dù biết mình mắc bệnh tim bẩm sinh nhưng vẫn muốn thực hiện thiên chức làm mẹ. Trước khi vĩnh viễn ra đi, các bác sỹ đã kịp thời cứu sống giọt máu của chị – một bé gái nặng 2kg ở tuần thứ 33 của thai kỳ.
Với những bác sĩ và nhân viên y tế tham gia cấp cứu và mổ lấy thai ngay tại Đơn vị Cấp cứu và Hồi sức tích cực tim mạch (C1) Viện Tim mạch BV Bạch Mai thì buổi chiều ngày hôm đó (10/8/2016) thực sự là một buổi chiều đầy sóng gió, có niềm vui xen lẫn nỗi buồn khi giành giật sự sống trong từng giây từng phút cho cả sản phụ và thai nhi…
Ca bệnh đầy sóng gió
Đã hơn một tuần trôi qua nhưng ThS.BS Văn Đức Hạnh (Phòng Hồi sức Cấp cứu C1) – người trực tiếp sát khuẩn bụng và mở thành bụng trước khi ê kíp bác sỹ sản khoa đến để mở tử cung bắt con – vẫn nhớ như in buổi chiều ngày 10/8 vừa qua. Sản phụ N.T.T (25 tuổi) được chuyển đến phòng cấp cứu C1 từ phòng tim mạch Nhi C5 trong tình trạng tính mạng cả mẹ lẫn con đều bị đe dọa nghiêm trọng. Ngay sau khi nhận được thông báo, PGS.TS. Tạ Mạnh Cường, Phó Viện trưởng, Trưởng Đơn vị Cấp cứu và Hồi sức tích cực tim mạch (C1), Viện Tim Mạch nhận định, cần phải cấp cứu tốt nhất và hy vọng cứu sống được mẹ đồng thời đảm bảo được sự sống cho thai nhi trong thời gian cấp cứu. Đồng thời tiên lượng nếu mẹ phải hồi sinh tim phổi kéo dài hoặc không qua được thì phải có phương án mổ lấy thai (mổ bắt con) ngay lập tức. Và như vậy, nếu mổ bắt con thì phải mổ ngay tại giường cấp cứu vì di chuyển bệnh nhân đi đâu lúc này là không thể.
Tinh thần này được nhanh chóng phổ biến tới toàn thể lực lượng cấp cứu và khi đó, ngay lập tức PGS. Cường và các bác sĩ, nhân viên y tế Viện Tim Mạch liên lạc với các khoa Sản và Nhi để phối hợp hành động. Dưới sự chỉ huy và kết nối của PGS. Cường, các ê kíp cấp cứu, bao gồm ê kíp hồi sinh tim phổi, ê kíp phẫu thuật, ê kíp hồi sức sơ sinh, nhóm nhân viên y tế hỗ trợ những phần việc phát sinh trong cấp cứu nhanh chóng được hình thành và mỗi ê kíp đảm bảo tốt nhất phần việc của mình được giao.
Theo PGS. Cường, đối với những bệnh nhân mắc bệnh tim bẩm sinh có luồng thông đảo chiều, suy tim giai đoạn rất muộn như bệnh nhân T. thì hàm lượng oxy trong máu rất thấp nên lượng oxy đến thai cũng ít. Khi bệnh nhân ngừng tim thì oxy cung cấp cho thai nhi càng kém nên nguy cơ thai nhi bị ngạt và tim thai ngừng đập là rất lớn nên các bác sĩ phải tính toán từng giây, từng phút không những cho mẹ mà phải cho cả con.
PGS.TS Tạ Mạnh Cường, Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia
Khi hồi sinh tim phổi cho sản phụ được khoảng 15 phút mà chưa có kết quả khả quan, tiên lượng sản phụ có thể còn phải cấp cứu ngừng tuần hoàn lâu hơn và thai nhi có thể bị ngạt nên PGS. Cường đã đưa ra quyết định mổ bắt con, hy vọng thai nhi 33 tuần tuổi có thể nuôi dưỡng được và tránh nguy cơ thai nhi bị ngạt hoặc ngừng tim, đồng thời tăng thêm hi vọng cho hồi sinh tim phổi đối với mẹ – TS.BS Phạm Minh Tuấn (C1) là người trực tiếp ép tim cho sản phụ, cùng với ThS.BS Văn Đức Hạnh đã không ngần ngại triển khai sát khuẩn vùng bụng để kịp thời mở đường cho bác sĩ Dương Văn Quất, BS. Vương Quỳnh Nga (Khoa Sản) tiến hành mổ bắt con của sản phụ ngay khi tiếp cận bệnh nhân.
“Tại thời điểm đó, chúng tôi cần phải tiết kiệm từng giây cho cháu bé, chính vì vậy mặc dù không phải là bác sỹ sản khoa nhưng tôi đã không ngần ngại thực hiện các thao tác ban đầu chuẩn bị cho ca mổ bắt con. Điều chúng tôi lo lắng nhất lúc bấy giờ là khi mổ cứu thai nhi ra khỏi bụng thì em bé chưa có nhịp tim. Tuy nhiên rất nhanh sau đó, các bác sĩ Cao Thị Bích Hảo cùng với các điều dưỡng Khoa Nhi tiến hành hồi sinh tim phổi (ép tim, đặt ống bóp bóng qua nội khí quản, bơm adrenalin qua nội khí quản), sau vài phút, tim cháu bé đã đập trở lại, bé hồng hào hơn, có những phản xạ của sự sống và được chuyển về Khoa Nhi để hồi sức tiếp tục.
Trong những ngày đầu, cháu bé vẫn còn phải thở máy nhưng mấy ngày nay, cháu đã có thể tự thở được và vẫn được nuôi trong lồng ấp… Mẹ cháu mặc dù đã được các bác sĩ tích cực hồi sinh tim phổi nhưng trái tim chị đã vĩnh viễn ngừng đập. Các thầy thuốc chúng tôi lúc này đây vẫn có cảm giác mừng vui buồn lẫn lộn, mừng vì cứu được em bé nhưng đau xót vì mẹ của bé đã không còn…”- ThS. Hạnh chia sẻ.
Cháu bé được điều trị tích cực tại khoa Nhi của BV.
Phụ nữ bị bệnh tim chớ chủ quan khi mang thai
Nói về tình trạng bệnh lý của sản phụ T., ThS. Hạnh cho biết: “Bệnh nhân T. bị bệnh tim bẩm sinh, thông liên thất rất rộng, người mẹ không có chỉ định mang thai nhưng vẫn quyết tâm mang thai và sinh con. Không những thế, sản phụ T. lại không đi khám thai định kỳ, chỉ đến khi khó thở mới vào viện trong tình trạng rất nặng, các chỉ số đều ảnh hưởng đến tính mạng cả mẹ và con.
Khi biến cố ngừng ngừng tuần hoàn xảy ra ngay khi đang được theo dõi rất sát tại bệnh phòng C5 và có bác sĩ đứng cạnh thì đó là thời điểm giọt nước tràn ly. Cho nên, quyết định cho mổ lấy thai ngay tại phòng cấp cứu tim mạch của PGS. Cường là rất sáng suốt và đầy bản lĩnh, chỉ có như vậy mới cứu được em bé, mà nếu chậm một vài giây nữa là thì rất nhiều khả năng mất hết hi vọng”.
TS. Tuấn cũng cho biết: “Đây là trường hợp khá hi hữu, ít gặp trong y văn cũng như trong thực tế và là lần đầu tiên xảy ra tại Viện Tim mạch. Các bác sĩ mổ lấy thai ngay tại phòng cấp cứu tim mạch trong điều kiện không có trang thiết bị chuyên dụng của sản khoa, lại không thể di chuyển sản phụ đi xa được. Mặt khác, ca mổ không đơn thuần là cấp cứu tim mạch mà nó liên quan đến nhiều chuyên ngành khác như Sản, Nhi, cho nên không phải ai cũng đủ tỉnh táo để có thể chỉ huy và đưa ra quyết định kịp thời vì tính mạng người bệnh, còn nước còn tát”.
TS. Phạm Minh Tuấn và ThS. Văn Đức Hạnh thăm khám cho bệnh nhân tại C1.
Nói về sự thành công của ca bệnh hi hữu này, PGS. Cường nhấn mạnh đến sự cấp cứu hết sức khẩn trương của các thày thuốc Phòng cấp cứu C1, Phòng tim mạch Nhi C5 Viện Tim Mạch và sự phối hợp tích cực, nhanh chóng, kịp thời và đầy hiệu quả của các thày thuốc Khoa Sản, Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai. Các ê kíp cấp cứu tiến hành rất nhịp nhàng, thai nhi đã được các bác sĩ sản khoa lấy ra rất nhanh chóng, chỉ trong vài chục giây. Hiện, cháu bé đang được chăm sóc tích cực tại Khoa Nhi của bệnh viện. Sức khỏe của cháu bé có chiều hướng tiến triển tốt qua từng ngày.
PGS. Cường cũng khuyến cáo, phụ nữ mắc bệnh tim cần được tư vấn hết sức chi tiết và cụ thể khi lập gia đình và khi quyết định có thai. Trong quá trình mang thai, sản phụ nên được theo dõi chặt chẽ về tình trạng tim mạch và sản khoa để đảm bảo an toàn tối đa cho cả mẹ và con.
Bệnh viện Bạch Mai là một trong những cơ sở thực hiện cấp cứu liên chuyên khoa nhanh chóng nhất trong cả nước nhờ có sự phối hợp kịp thời tính đến từng giây của các bác sỹ. Mặc dù còn nhiều vấn đề xoay quanh sức khỏe cháu bé cần phải được tiếp tục quan tâm, song đây là một trường hợp tiêu biểu cho tinh thần của Y tế Việt Nam: tất cả lấy tính mạng người bệnh làm trung tâm.
Benh.vn (Theo SKĐS)