Theo đánh giá, càng gần đến ngày Tết nguyên đán tỷ lệ người tham gia giao thông bị tai nạn gia tăng. Nguyên nhân do ai cũng hối hả, vội vã mau chóng giải quyết công việc của mình dẫn đến ngã xe, đâm xe… Tương tự, đối với trẻ nhỏ do bố mẹ, người trông giữ trẻ sơ sểnh dẫn đến những tai nạn đáng tiếc.
Cháu bé bị chấn thương nghiêm trọng do sơ xuất không mong muốn
Ngày 16-1, bác sĩ Nguyễn Thế Huy, phó khoa tai mũi họng Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết bệnh viện vừa điều trị cho một cháu bé bị chấn thương họng nặng do đang ngậm muỗng thì bị té. Đó là bé N.N.P.D., 16 tháng tuổi, ngụ ở Tuy Hòa, Phú Yên.Cháu D. được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 trong tình trạng nhiễm trùng, tràn khí ở vùng cổ, vùng ngực nhiều.
Gia đình cho biết, cháu được gửi tại nhà một người nhận giữ trẻ và đã bị téhai hôm trước trong lúc ngậm muỗng. Sau đó, gia đình đưa cháu đến bệnh viện trong tỉnh điều trị.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, các hình ảnh CT cho thấy cháu bị tràn khí trung thất, tràn khí dưới da, tràn dịch màng phổi. Do đó, các bác sĩ đã phải mở cạnh cổ một đường mổ dài, thám sát thấy họng và thực quản của bệnh nhi bị rách lớn. Sau đó, bệnh nhi đã được dẫn lưu mủ ở trung thất ra vì trẻ nhỏ bị áp xe trung thất như vậy tiên lượng tử vong rất cao.
Sau khi dẫn lưu hết mủ, hằng ngày bệnh nhi được đưa vào phòng mổ để an thần, sau đó thay băng. Mỗi lần thay băng, nhân viên y tế phải lấy hết những gì còn tồn đọng trong đó ra, sau đó phải bơm rửa đến khi tình trạng nhiễm trùng ổn.
Sau 10 ngày, bác sĩ kiểm tra thấy thực quản không thể tự lành nên đã chuyển bệnh nhi đến khoa ngoại của bệnh viện để các bác sĩ đóng thực quản và may da lại cho bệnh nhi.
Lời khuyên của chuyên gia
BS Nguyễn Thế Huy cho biết: “Nhìn vết thương cháu, tôi vẫn không hiểu nổi bé bị muỗng đâm kiểu gì, ở tư thế nào. Ở bệnh viện vẫn thường xuyên tiếp nhận trẻ bị xóc muỗng, đũa… nhưng cùng lắm bé chỉ bị đâm vào vùng họng, rách amidan, không có ca nào tới mức bị đâm xuống thực quản và rách đường dọc dài như thế. Tôi đoán bé ngậm muỗng và chúc đầu xuống khiến muỗng đâm sâu vào họng”.
Qua đó, bác sĩ Huy khuyến cáo, nếu trẻ bị vật gì đó đâm vào vùng họng, người nhà không nên đụng chạm vào mà nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được lấy ra vì có thể dị vật đâm vào những bộ phận quan trọng như mạch máu… nếu rút ra sẽ có nguy cơ bị nặng hơn. Ngoài ra, gia đình, người giữ trẻ nên cẩn thận, để ý trông chừng trẻ nhỏ để tránh những việc đáng tiếc sẽ xảy ra.
Được biết, sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định.
Benh.vn (Theo tuoitre.vn)