Trong cuộc trò chuyện với phóng viên tạp chí Health+ về việc phát triển lĩnh vực thực phẩm chức năng tại Việt Nam, TS. Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam đã gửi lời nhắn nhủ tới các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng (TPCN): “Kinh doanh, làm giàu bất chính trên sức khỏe người tiêu dùng là có tội”.
PV: Trước tiên, xin được chúc mừng ông trên cương vị Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng (TPCN) Việt Nam đã cùng những thành viên trải qua một năm nhiều khó khăn nhưng đã thu được những kết quả khá tốt đẹp. Theo ông, đâu là điểm nhấn những thành công của ngành TPCN trong năm 2014?
TS. Trần Đáng: Thành tích nổi bật nhất trong năm 2014 của ngành TPCN nói chung và Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam nói riêng là ban hành được một số tiêu chuẩn của TPCN. Ví dụ Nguyên tắc GMP-TPCN (Thực hành tốt sản xuất), GAP-TPCN (Thực hành tốt nông nghiệp với cây dược liệu TPCN), GLP (Thực hành tốt kiểm nghiệm) và đã áp dụng vào thực tiễn thành công. Những tiêu chuẩn này được cập nhật với các tiêu chuẩn của thế giới và ASEAN thông qua các hội nghị Hòa hợp tiêu chuẩn ASEAN về TPCN và các buổi làm việc với Hiệp hội TPCN ASEAN và thế giới.
Ngày 8/1/2015, Hiệp hội TPCN Việt Nam đã ban hành Quyết định số 573 về điều kiện mức giới hạn cho công bố về sức khỏe của TPCN. Các tiêu chuẩn này đã được cập nhật gần giống với các tiêu chuẩn của thế giới và áp dụng thành công tại một số mô hình. Hiện nay, chúng ta đã có 2 nhà máy đạt Nguyên tắc GMP-TPCN và một công ty đạt GAP-TPCN, chưa kể Trung tâm kiểm nghiệm thuộc Viện Thực phẩm chức năng (VIDS) là trung tâm kiểm nghiệm đạt chuẩn ISO/IEC 17025, là cơ sở tin cậy cho các doanh nghiệp tìm đến. Đây là những mô hình khẳng định sự đi trước một bước của Hiệp hội trong khi cơ quan Nhà nước chưa thực hiện được nhất là việc việc ban hành các tiêu chuẩn về TPCN.
PV: Đó là những điểm sáng mang tính vĩ mô, vậy còn các công ty TPCN Việt Nam, họ có những điểm mạnh gì để có thể “thi đấu” sòng phẳng với các công ty nước ngoài hoặc hàng ngoại nhập, thưa ông?
TS.Trần Đáng: Mặt mạnh lớn nhất của các công ty nói riêng và ngành TPCN nói chung là chúng ta tiếp cận nhanh với thế giới, cập nhật được các thông tin, quy định, tiêu chuẩn của thế giới và khu vực về TPCN.
Thứ hai là số người hiểu đúng, dùng đúng TPCN tăng lên. Những năm 2000, cả nước chỉ có khoảng 1% dân số hiểu đúng, dùng đúng TPCN thì cho đến nay, Việt Nam đã có khoảng 10% dân số hiểu đúng và dùng đúng TPCN để hỗ trợ điều trị, phòng ngừa bệnh tật.
Thứ ba là các nhà sản xuất và kinh doanh TPCN đang dần áp dụng các tiêu chuẩn của khu vực và thế giới để đảm bảo sự phát triển bền vững.
Thứ tư là chúng ta đã bắt đầu chú ý đến nguồn nguyên liệu dược thảo phong phú với khoảng 4.000 cây, con có thể đưa vào ứng dụng sản xuất TPCN.
PV: Nhưng thưa ông, xét một cách toàn diện, những công ty TPCN trong nước vẫn còn có nhiều mặt hạn chế cả về chủ quan lẫn khách quan?
TS. Trần Đáng: Tôi cho rằng có những điểm yếu cực kỳ rõ rệt của các công ty sản xuất kinh doanh TPCN như sau:
Thứ nhất là ai cũng có thể sản xuất TPCN. Hiện nay, Việt Nam chưa ban hành được tiêu chuẩn (Tiêu chuẩn Việt Nam) và quy chuẩn (Quy chuẩn kỹ thuật) về sản xuất, kinh doanh TPCN mà áp dụng quy định của điều kiện sản xuất thực phẩm thường cho TPCN. Cho nên khi áp vào quy định cho sản xuất kinh doanh TPCN còn yếu, thiếu, chưa được cụ thể. Như vậy, những người không có đủ điều kiện sản xuất kinh doanh TPCN vẫn có thể tham gia sản xuất, kinh doanh nếu theo những quy định hiện hành.
Thứ hai là sản phẩm tung ra thị trường quá dễ dàng, không có chứng minh công dụng, thiếu bằng chứng khoa học về tính hiệu quả, tính an toàn và tính chất lượng. Có nhiều sản phẩm sản xuất ra chỉ dựa vào bằng chứng lấy từ sách của GS.TS Đỗ Tất Lợi dẫn đến nguy cơ chất lượng sản phẩm thấp, nhiều khi thành phần của sản phẩm chỉ còn lại là các tên cây thuốc, còn hoạt chất bên trong thì hầu như không có.
Thứ ba là không quy định được thành phần của TPCN. Ở Mỹ quy định 7 thành phần được có trong TPCN. ASEAN quy định 26 cây con cấm, 4 hóa chất cấm đưa vào TPCN. Trong khi Việt Nam không có những quy định này nên thành ra là sản phẩm khi đưa ra thị trường vẫn có thể có chất cấm, chất độc rất nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng.
Thứ tư là vấn đề công bố. Đây là vấn đề yếu kém nhất hiện nay. Công bố là gì, là nói lên mối quan hệ của sản phẩm với sức khỏe. Thường là phải công bố về dinh dưỡng, chức năng và giảm nguy cơ bệnh tật công bố phải tuân theo những quy định, tiêu chí nghiêm ngặt và phải có bằng chứng. Doanh nghiệp muốn công bố thế nào thì cứ làm, thậm chí là công bố công dụng với cả trẻ nhỏ trong khi theo quy định của quốc tế, với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (dưới 2 tuổi), không được phép công bố về mặt sức khỏe với nhóm đối tượng này.
Thứ năm là quảng cáo không đúng. TPCN chỉ là thực phẩm, không thể “chữa” được tận gốc bệnh tật như khớp, gout… Các cơ quan báo chí thì không có cơ sở để kiểm soát, các nhà phân phối vì hám lợi nhuận nên cứ thế “nói quá, nói vống” so với bản chất thật của sản phẩm TPCN. Đó là do chưa ban hành được điều kiện kinh doanh TPCN, mà lại dựa trên điều kiện kinh doanh của thực phẩm thường nên những người không có trình độ, hiểu biết y tế vẫn có thể kinh doanh, bán TPCN như bình thường. Trong khi đó bác sỹ thì lại cấm kê đơn, hướng dẫn sử dụng TPCN. Đó là nghịch lý của cơ quan quản lý hiện nay.
Thứ sáu là về hiệu quả, chất lượng và tính an toàn của TPCN. Đây là 3 tính cơ bản của một sản phẩm, yêu cầu phải nêu được định nghĩa, tiêu chí và đánh giá. Tuy nhiên, đến nay điều này vẫn chưa đảm bảo được.
Thứ bảy là thực trạng TPCN xách tay, nhập lậu tràn lan lưu hành, không đảm bảo an toàn.
Sự du nhập tràn lan của TPCN xách tay, thiếu kiểm soát đang gây nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng
Thứ tám là nhiều yếu kém trong kiểm nghiệm, trang thiết bị, xây dựng labor theo tiêu chuẩn GLP, xây dựng quy chế thử nghiệm lâm sàng sản phẩm TPCN…
Chính 8 tồn tại trên đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của ngành TPCN và Nhà nước chưa thể chủ động được. Vì vậy, không hề ngạc nhiên khi ngành sản xuất TPCN của Việt Nam dù có tiềm năng lớn nhưng vẫn đang có nguy cơ “lép vế” ngay trên sân nhà.
PV: Người ta nói có ba yếu tố chính để tạo nên một doanh nghiệp mạnh là yếu tố con người, công nghệ thiết bị và nguồn nguyên liệu. Với các doanh nghiệp Việt Nam, họ đã đạt đến mức nào ở các vấn đề này?
TS. Trần Đáng: Thực tế, hiện nay Việt Nam chưa có các quy định về điều kiện sản xuất TPCN nên vẫn còn nhiều công ty cố tình làm sai trong sản xuất. Theo quy định của VAFF và các nước trên thế giới thì buộc phải đạt GMP-TPCN. Đó là phải có nguồn nguyên liệu đảm bảo, phải đạt GAP-WHO. Tuy nhiên, hiện nay không nhiều công ty đạt được tiêu chuẩn này vì muốn áp dụng cần có những điều kiện nhất định và bị đẩy cao giá thành nên các công ty không muốn làm theo, chỉ mua các nguyên liệu rẻ tiền, vừa nhanh vừa lãi.
PV: Như vậy, với các doanh nghiệp sản xuất TPCN Việt Nam hiện nay, khoảng trống về nguyên liệu là rất lớn?
TS. Trần Đáng: Đúng. Nguyên liệu thu mua từ những nguồn nguyên liệu không đảm bảo nên ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sản phẩm. Và khi đó, dù áp dụng GMP-TPCN tốt đến đâu thì cũng không đảm bảo được chất lượng sản phẩm như mong muốn của người tiêu dùng. Và kết quả kiểm nghiệm hiệu quả (GLP) cũng sẽ không đạt hiệu quả như mong muốn.
PV: Thế còn công nghệ sản xuất thì sao? Nhiều công ty sản xuất dược giờ “làm thêm” TPCN?
TS. Trần Đáng: GMP-TPCN có những quy định khá ngặt nghèo về nhà xưởng, trang thiết bị dụng cụ, máy móc, công nghệ hiện đại… Nếu không đạt được những tiêu chuẩn này, nhất là khi không có thiết bị chuẩn thì chưa chắc đã chiết được những tinh chất nằm sâu trong sản phẩm mà công nghệ chiết xuất thường không thể làm được.
Hiện nay hầu hết các doanh nghiệp dược tham gia sản xuất TPCN, thậm chí, có những doanh nghiệp thu lợi nhuận khủng từ sản xuất TPCN. Nhưng vì sản xuất TPCN khác với sản xuất thuốc, cơ quan quản lý lại chưa giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp này nên họ càng “làm tới”. Đã có sản phẩm đưa các chất cấm vào trong TPCN, công bố không đúng sự thật khiến người tiêu dùng chịu nhiều thiệt hại.
PV: Chả lẽ vai trò của hậu kiểm của chúng ta “đuối” thế sao, thưa ông?
Theo quy định quốc tế, nhà quản lý phải kiểm tra được sản phẩm trước và sau thị trường. Còn ở ta thì…
TS. Trần Đáng: Vâng, có lẽ chúng ta đành chờ khi cơ quan quản lý ban hành TCVN và Quy chuẩn kỹ thuật về TPCN thì “đo” mọi việc mới rõ ràng được. Điều này có nghĩa nhiều công ty sản xuất, kinh doanh TPCN đang rất lúng túng trong việc hoạch định chiến lược phát triển của mình?
Các công ty TPCN Việt Nam đang đứng trước ngã ba đường. Đi theo đường nào? Một là đi theo con đường đúng đắn thì đòi hỏi những yêu cầu gì? Đó là phải có chính sách phù hợp, phải có quy định quản lý phù hợp, phải có tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp, phải tuyên truyền giáo dục cho các doanh nghiệp và cộng đồng hiểu đúng, làm đúng, dùng đúng TPCN.
Dùng TPCN là xu thế tất yếu. Đã có 10% dân số Việt Nam hiểu đúng, dùng đúng TPCN.
Nếu không thực hiện được những điều này, cứ thả nổi quản lý như hiện này thì ngành TPCN sẽ đi vào một con đường hỗn loạn, không có chất lượng, tùy tiện, lộn xộn. Điều này sẽ gây nguy hại cho người tiêu dùng và làm cho người dân mù tịt, không biết lựa chọn sản phẩm thế nào. Và thực tế đã chứng minh, số lượng sản phẩm TPCN sản xuất trong nước sụt giảm nghiêm trọng. Cho đến nay chỉ chiếm 19% số lượng sản phẩm đang lưu hành trên thị trường. Ngành TPCN Việt Nam đang thua ngay trên sân nhà.
PV: Vậy trong bối cảnh hiện nay, ông có lời khuyên nào cho doanh nghiệp để họ có thể phát triển bền vững?
Một là sản phẩm phải đảm bảo đúng các tiêu chuẩn của quốc gia, khu vực và quốc tế. Thứ hai là phải có tâm trong sản xuất. Kinh doanh, làm giàu bất chính trên sức khỏe người dân là có tội.
Xin chân thành cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này và chúc cho các công ty sản xuất, kinh doanh TPCN hiểu đúng, làm đúng.
Benh.vn (Theo Health+)