Gần đây, hàng loạt sự cố an toàn vệ sinh thực phẩm, nhiều vụ ngộ độc hoặc có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm xảy ra tại các trường học với mật độ ngày một dày đặc hơn.
Mục lục
Liên tiếp phát hiện thực phẩm bẩn trong bếp ăn nhà trường
Ngày 4/2, Cục Cảnh sát môi trường, Bộ Công an vừa phối hợp với lực lượng quản lý thị trường quận Thủ Đức, TPHCM bắt quả tang cơ sở kinh doanh trái phép thực phẩm quá hạn với số lượng lớn do bà Lê Thị Lệ Hằng (ngụ đường Tô Ngọc Vân, phường Tam Bình, quận Thủ Đức) làm chủ. Thực phẩm bẩn này được nói là đã bán cho khắp nơi tiêu dùng, trong đó có cả các trường mầm non…
Sau đó, 65 học sinh tại trường tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền (số 183 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 7, quận 3, TPHCM), sau bữa ăn xế (bữa ăn chiều), bị ngộ độc và bốn trường hợp phải nhập viện.
Vụ việc mới đây nhất xảy ra vào ngày 10/3, khi Công ty TNHH Phú Nhật Hào (P.Khánh Bình, TX.Tân Uyên, Bình Dương) bị phát hiện cung cấp thịt, cá thối cho Trường tiểu học Long Bình. Công ty này cũng đang đấu thầu nấu ăn cho học sinh của 5 trường trên địa bàn huyện.
Số cá thối của công ty Phú Nhật Hào bị phụ huynh học sinh phát hiện
Phương thức hoạt động của các công ty cung cấp thực phẩm
Tìm đến địa chỉ đăng ký của công ty tại số 12/3B, tổ 1, KP.3B (P.Khánh Bình, TX.Tân Uyên), chúng tôi chỉ thấy một đống đổ nát.
Liên hệ với ông Lê Quang Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Phú Nhật Hào, thì ông này cũng không cho biết trụ sở hiện ở chỗ nào. Đại diện ngành thú y, an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bình Dương cũng không biết công ty này hiện ở đâu. Đại diện công ty cũng không không xuất hiện để giải thích hay xin lỗi về vụ việc. Sau đó, thay vì để con ăn cơm tại trường như trước đây, hàng trăm phụ huynh phải đón con về nhà ăn cơm hoặc mua cơm hộp mang đến tận trường.
Thông qua tìm hiểu, chúng tôi được biết các công ty, đơn vị cung cấp suất ăn cho trường học, để thu hút hợp đồng, đều ngỏ ý trích hoa hồng cho “các thầy cô”. Một công ty cho biết sẽ chia hoa hồng từ 10%/tháng hoặc tùy theo thỏa thuận khi chính thức ký hợp đồng với nhà trường. Nếu là trung gian, công ty sẽ trả ngay một lần phí hoa hồng 1.000 USD/ năm cho một hợp đồng từ 500 học sinh trở lên.
Với một công ty khác, khi ký kết hợp đồng từ 500 suất cơm trở lên, nhà trường sẽ hưởng được 10%. Còn những hợp đồng lâu dài thì sẽ có mức ưu đãi hậu hĩnh hơn nữa.
Tuy vậy, tại nhiều đơn vị cung cấp, theo quan sát của chúng tôi, vật dụng chế biến cũng như nơi chế biến thực phẩm rất nhếch nhác, không đảm bảo vệ sinh.
Vật dụng chế biến tại một “công ty” cung cấp phần ăn cho trường học
Nhà trường nói gì về vấn đề này ?
Nói về tình hình các trường liên tiếp xảy ra ngộ độc thực phẩm, ông Nguyễn Thanh Triều, phó hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Văn Tố (quận 10, TPHCM) nói, hiện nay có trường sử dụng bếp ăn trong trường để chế biến thức ăn cho học sinh, cũng có trường đặt hàng ở các công ty thực phẩm bên ngoài. Cả hai cách làm này đều có rủi ro.
“Để đảm bảo an toàn cho bữa ăn của học sinh, nhà trường nên thành lập một ban chuyên môn giám sát từ khâu chế biến đến khâu phân phối phần ăn cho học sinh. Ban này gồm một phó hiệu trưởng nhà trường, một cán bộ y tế, hai người đại diện ban phụ huynh và một cán bộ phụ trách bán trú của trường”, ông Triều gợi ý. Cán bộ y tế phụ trách lấy mẫu, kiểm tra thức ăn công ty mang đến vào mỗi buổi ăn.
Nhận định của chuyên gia
Bác sĩ Trần Văn Ký – Phụ trách chuyên môn Văn phòng phía Nam Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam (VINAFOSA) phân tích, điều cốt lõi vẫn là các bếp ăn tập thể luôn muốn giá thành càng thấp để tăng sức cạnh tranh, đồng thời vẫn muốn tăng lợi nhuận. Thế nên, chủ cơ sở dễ dàng chọn các thực phẩm rẻ, đồng nghĩa đó là thực phẩm không an toàn.
Bên cạnh đó, theo bác sĩ Trần Văn Ký, công tác quản lý, xử lý vi phạm trong lĩnh vực này còn nhiều bất cập. Việc điều tra các vụ ngộ độc tập thể rất khó khăn bởi không có sự phối hợp, huy động đồng bộ các ngành chức năng.
Một số đơn vị cứ chú tâm kiểm nghiệm xem phát hiện “chất gì, con gì” trong mẫu thức ăn mà không biết rằng chỉ cần đánh giá chỉ số sinh hóa, độ tươi của sản phẩm là đã có thể kết luận. Hoặc “quên” không áp dụng nguyên tắc đánh giá của Bộ Y tế “nếu có trên hai người ăn cùng một loại thực phẩm, cùng một lúc rồi cùng có triệu chứng giống nhau thì có thể kết luận đó là ngộ độc thực phẩm” rồi.
Benh.vn (Tổng hợp)