Ung thư là một căn bệnh nguy hiểm hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên tình trạng mắc ung thư ở Việt Nam hiên nay đang có dấu hiệu tăng nhanh và trẻ hóa. Đây là một thực tế đáng lo ngại tại Việt Nam. Theo thống kê ngày càng có nhiều hơn số người mắc ung thư trong độ tuổi 20 và trẻ em. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là lối sống thiếu lành mạnh, thực phẩm không an toàn, môi trường sống ô nhiễm.
Theo đó, tại các cơ sở điều trị ung bướu tại Hà Nội, TP.HCM tiếp nhận ngày càng nhiều hơn số người mắc ung thư. Thậm chí, ung thư phổi còn gặp cả ở phụ nữ dưới 40 tuổi, trường hợp mắc bệnh hiếm gặp trước đây. Với bệnh nhi, ngoài ung thư máu có số mắc nhiều, còn phải kể đến ung thư hạch, thậm chí có em gái bị ung thư buồng trứng…
TS. BS. Trần Đăng Khoa, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho biết, trong những năm gần đây, lượng bệnh nhân mắc ung thư điều trị tăng từ 30 – 40%. Trong đó, tỷ lệ tăng này bao gồm cả về số lượng, các loại bệnh và trẻ hóa “Điều bất ngờ là có những căn bệnh ung thư vốn chỉ xảy đến với người lớn tuổi thì nay lại xuất hiện ở những bệnh nhân trẻ, thậm chí rất trẻ. Bệnh viện cũng đã từng điều trị cho những bệnh nhân mắc ung thư vòm họng, ung thư dạ dày ở độ tuổi lên 9”, BS. Khoa cho hay. Đáng lưu ý gần đây, tỷ lệ bệnh nhân trẻ tuổi mắc ung thư tuyến giáp tăng đột biến, đa phần ở quãng từ 20 – 30 tuổi.
Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư, trong 15 năm qua, hầu hết các loại ung thư ở Việt Nam đều gia tăng. Nếu như năm 2000, Việt Nam chỉ có khoảng 69.000 ca mắc ung thư thì tới năm 2010, con số này đã tăng gần gấp đôi lên 126.000 ca. Ước tính vào năm 2020, số mắc ung thư sẽ gần 200.000 ca. Với nam giới, phổ biến là các dạng ung thư: Phổi, dạ dày, đại – trực tràng, thực quản… còn nữ giới là ung thư: Vú, đại – trực tràng, dạ dày, tuyến giáp, cổ tử cung.
Theo GS. Nguyễn Bá Đức, Phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, trước đây, đa phần các loại ung thư ở Việt Nam thường xuất hiện ở người 60-70 tuổi, thì hiện nay các bệnh viện chuyên khoa ung bướu đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân trẻ tuổi. Chính tỷ lệ phát hiện ung thư giai đoạn muộn (giai đoạn 3, 4) chiếm tới 70% các ca ung thư đến khám và điều trị, do vậy, tỷ lệ tử vong vì ung thư rất cao. Cùng với đại dịch ung thư, tình trạng trẻ hóa trở thành nỗi ám ảnh với bao gia đình, là nỗi lo lắng với cộng đồng và gánh nặng cho xã hội
Lý giải về sự gia tăng bệnh nhân ung thư, ông Đức cho biết: “Chỉ từ 5-10% bệnh ung thư phát sinh do rối loạn nội tiết, tổn thương có tính di truyền. Còn hơn 80% ung thư có liên quan đến môi trường sống, bao gồm các thói quen như: Hút thuốc lá, uống rượu, chế độ dinh dưỡng không hợp lý, thực phẩm độc hại hay ô nhiễm môi trường…”.
Trong nguyên nhân dẫn đến ung thư từ môi trường sống thì thực phẩm “bẩn” đứng hàng đầu với khoảng 35%, tiếp đến là thuốc lá chiếm 30%…Chia sẻ những trăn trở về thực phẩm “bẩn”, ông Đức cho hay: “Vì lợi nhuận mà những người trồng trọt, chăn nuôi hiện đang tự đầu độc nhau. Những luống rau phun đầy thuốc trừ sâu, kích thích tăng trưởng, những loại quả nhúng hóa chất ép chín, hay thịt, cá, đồ hộp chứa đầy chất bảo quản… Đó chính là những tác nhân gây ung thư. Ai cũng biết nó độc nhưng làm sao để tránh được thì dường như không có lời giải”.
Mặt khác, theo ông Đức, thói quen ăn uống, cách thức chế biến thức ăn cũng là tác nhân dẫn đến ung thư. Ví như ăn nóng quá, mặn quá cũng là tác nhân gây một số loại ung thư đường tiêu hóa. Hay ăn nhiều chất béo, mỡ động vật làm tăng tỉ lệ mắc ung thư vú, đại trực tràng, tuyến tiền liệt.
Việc chế biến thức ăn bằng cách chiên, rán, nướng trên than ở nhiệt độ cao hay ăn dưa, cà muối cũng phát sinh độc tố gây ung thư, do đó “Thay đổi thói quen ăn, uống, sinh hoạt một cách lành mạnh, khoa học và đặc biệt là cần phải loại trừ, tẩy chay thực phẩm “bẩn” chính là cách phòng tránh phần lớn yếu tố gây ung thư”, GS. Đức khuyến cáo.
Để hạn chế tình trạng ung thư chúng ta cần thực hiện nếp sống lành mạnh, tự trang bị kiến thức, có ý thức tự bảo vệ sức khỏe của chính mình trước khi quá muộn.
Tổng hợp