Bệnh động kinh là gì?
Động kinh là sự rối loạn từng cơn chức năng của hệ thần kinh trung ương do sự phóng điện đột ngột quá mức và đồng thời của các tế bào thần kinh ở não.
Mục lục
Các biểu hiện của động kinh rất thay đổi, từ chỉ suy giảm đột ngột chú ý (cơn vắng), đến mất ý thức phối hợp với các vận động bất thường của cơ (run, giật), và có thể biểu hiện bằng những cơn ngắn xuất hiện ở một phần (động kinh cục bộ), cho tới toàn bộ cơ thể (động kinh toàn thể).
Tần số xuất hiện cơn cũng rất thay đổi, từ dưới một cơn/năm tới vài cơn/ngày. Tuy nhiên, sẽ không gọi là động kinh nếu chỉ xuất hiện một cơn đơn độc. Động kinh chỉ được chẩn đoán xác định khi có ít nhất hai cơn trở lên cách nhau trên 24 giờ.
Động kinh đã được biết đến từ rất lâu. Và các bệnh nhân động kinh thậm chí đã phải trải qua những thế kỷ sống sợ hãi, bị xa lánh, kỳ thị, không được thông cảm, làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh và gia đình họ.
Bệnh có phổ biến không?
Trên thế giới trung bình cứ 1000 dân thì có 7 người mắc bệnh. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ở những nước đang phát triển (như nước ta), con số này có thể gấp đôi. Hiện nay có khoảng 50 triệu bệnh nhân động kinh trên toàn thế giới, thì riêng các nước đang phát triển chiếm 80% số này. Ở nước ta hiện tại có khoảng 800.000 bệnh nhân động kinh đang được quản lý và điều trị.
Dấu hiệu và triệu chứng
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh rất thay đổi, phụ thuộc vào vị trí tổn thương nguyên phát ở não bộ. Có thể thấy các triệu chứng thoáng qua, như mất định hướng, mất ý thức và những rối loạn vận động, cảm giác (thị giác, thính giác, vị giác), kể cả những rối loạn về tâm thần.
Bệnh nhân động kinh khi có cơn, có thể bị những chấn thương cơ học như gãy xương, bầm tụ máu, và có một lượng lớn bệnh nhân có những rối loạn về tâm lý như lo âu, hoảng sợ, trầm cảm.
Nguyên nhân bệnh động kinh
Động kinh vô căn (không tìm thấy căn nguyên gây bệnh) là thể thường gặp nhất, chiếm tới 6/10 trường hợp.
Khi tìm được nguyên nhân gây bệnh, thì ta gọi đó là động kinh thứ phát, hoặc động kinh triệu chứng. Những nguyên nhân đó thường là:
– Các chấn thương sọ não.
– Các khối u não.
– Các tai biến mạch máu não.
– Các viêm nhiễm (viêm não, màng não, các áp xe não).
– Các bệnh lý gây ra các tổn thương cục bộ não (xơ cứng dải rác, tụ máu dưới màng cứng)
– Các rối loạn chuyển hoá.
– Hạ đường huyết, thiếu oxy, hạ natri máu, hạ Calci máu.
– Nhiễm độc.
– Sảng rượu…..
– Một số các bệnh lý về gene.
Chẩn đoán bệnh động kinh như thế nào?
Chẩn đoán động kinh được đặt ra khi có bệnh nhân được mô tả có những cơn (với các biểu hiện đã nêu ở trên) và sự lặp lại của chúng.
Để chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh, ngày nay đã có những phương tiện hiện đại và rất có giá trị: Điện não đồ vi tính và điện não đồ video có thể phát hiện những hoạt động điện bất thường của não và vị trí của chúng. Các phương tiện chẩn đoán hình ảnh học sọ não như cộng hưởng từ cũng đem lại hiệu quả cao trong chẩn đoán nguyên nhân động kinh.
Điều trị
Theo những nghiên cứu gần đây nhất, thì ở cả các nước phát triển, lẫn các nước đang phát triển (như nước ta), các thuốc kháng động kinh đã cho thấy được hiệu quả điều trị thành công tới 70% (nghĩa là cắt được cơn hoàn toàn) ở cả bệnh nhi lẫn người lớn mới được chẩn đoán động kinh. Sau từ 2 đến 5 năm điều trị thành công, có thể dừng thuốc được ở 70% trẻ em và 60% người lớn mà không có nguy cơ tái phát lại.
Liệu pháp điều trị chính là dùng các thuốc kháng động kinh. Nhưng tuỳ từng trường hợp có thể can thiệp phẫu thuật.
Bệnh nhân động kinh phải luôn mang thuốc theo bên người. Vì liều dùng thuốc có thể từ vài ngày/lần cho tới 3-4 lần/ngày. Nếu bệnh nhân không tuân thủ liều sử dụng thuốc, có thể gây cơn động kinh.
Làm gì nếu quên uống thuốc chữa bệnh động kinh?
Không bao giờ được uống gấp đôi liều ở lần sau, để bù lại lần quên thuốc. Bởi vì luôn luôn cần phải giữ một nồng độ thuốc ổn định trong máu nhằm duy trì tình trạng ổn định hiện tại của bệnh nhân. Nếu tự ý tăng liều có thể gây ra các tác dụng phụ, thông thường bệnh nhân có thể ngủ nhiều giờ. Trong trường hợp này nên hỏi ý kiến bác sỹ.
Nếu dùng thêm các thuốc khác khi đang điều trị bệnh? (như đau đầu, cảm sốt…)
Phải luôn đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. Bởi vì các thuốc đều có thể ảnh hưởng tới gan và đặc biệt ảnh hưởng tới tác dụng của thuốc kháng động kinh. Có thể làm giảm tác dụng của các thuốc kháng động kinh, hoặc thậm chí gây xuất hiện cơn động kinh.
Phòng bệnh
Không có cách phòng bệnh đối với động kinh vô căn (không tìm được nguyên nhân).
Nhưng có thể phòng tránh động kinh thứ phát bằng những biện pháp đơn giản sau đây:
– Nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ chu sinh và tránh những tai biến sản khoa.
– Ngăn ngừa các chấn thương sọ não, nhằm hạn chế động kinh sau chấn thương sọ não.
– Loại bỏ các kí sinh trùng và các bệnh nhiễm khuẩn – rất thường gặp ở các nước nhiệt đới như nước ta. Không ăn thức ăn sống (có chứa các loại giun sán, có thể gây bệnh ở não.).
Cẩm nang truyền thông các bệnh thường gặp – BV Bạch Mai