Kawasaki là tên của một căn bệnh được phát hiện ở Nhật. Tuy nhiên có một điều lạ là thời gian gần đây trẻ mắc bệnh này nhiều hơn và trường hợp bị biến chứng có dấu hiệu gia tăng.
Mục lục
Lịch sử bệnh Kawasaki
Với dự án nghiên cứu từ năm 1961 đến 1967, Kawasaki được phát hiện bởi một bác sĩ người Nhật tên là Tomisaku Kawasaki. Về mặt dịch tể học, bệnh này thường xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi tuy nhiên vẫn có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Tại nhật bản, tổng số các trường hợp được chẩn đoán là mắc bệnh Kawasaki tính từ thời điểm phát hiện ra căn bệnh này đến năm 2.000 là khoảng hơn 150.000 trường hợp.Trong khi đó ở Mỹ, cứ mỗi năm lại phát hiện khoảng 3.000 trường hợp. Tuy nhiên Việt Nam chưa có con số thông kê cụ thể về căn bệnh này.
Bệnh Kawasaki là bệnh gì
Bệnh Kawasaki là loại viêm mạch máu hay còn được gọi là hội chứng Hạch-Da niêm (mucocutaneous lymph node syndrome:MLNS). Về mặt giải phẫu học, người ta tìm thấy tổn thương dạng nốt ở nhiều động mạch có kích thước trung bình, đặc biệt ở động mạch vành(coronary artery) cung cấp máu nuôi tim. Trên lâm sàng là tình trạng viêm mạch máu có sốt cấp tính ở trẻ em. Bệnh Kawasaki gây viêm tất cả các mạch máu nhưng nó ảnh hưởng nặng nề nhất lên lớp áo giữa động mạch(thành động mạch luôn có 3 lớp: nội mạc trong cùng, cơ ở giữa và thanh mạc ngoài cùng). Điều trị càng sớm càng tốt chủ yếu bằng Globulin miễn dịch và Aspirin
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân gây bệnh Kawasaki vẫn đang là một ẩn số nhưng người ta nghĩ nhiều đến yếu tố nhiễm khuẩn và rối loạn miễn dịch.
Bệnh Kawasaki gây tổn thương nhiều nơi như mắt, miệng, da nhưng tổn thương mạch vành và cơ tim là nguyên nhân có thể dẫn đến tử vong của trẻ hoặc bệnh lý tim mạch sau này.
Các triệu chứng của bệnh Kawasaki
Triệu chứng điển hình của bệnh là biến đổi khoang miệng, môi của trẻ bị đỏ lên, lưỡi đỏ, có trường hợp bị viêm loét trong miệng; mắt đỏ mà không có gỉ; xuất hiện ban ở ngoài da; có hạch ở cổ; phù nề mu bàn tay, bàn chân.
Đặc biệt, căn bệnh này khi bị nặng sẽ gây tổn thương động mạch vành, phình giãn động mạch vành, tạo cục máu đông gây tắc động mạch vành, có thể gây tử vong.
Tâm sự của gia đình các bệnh nhi
Mẹ cháu bé 4 tuổi ở Hưng Hà, Thái Bình chia sẻ: Lúc đầu cháu sốt 38,5 độ, có những ngày sốt lên tới 39,5 độ. Bé ăn ít đi, quấy khóc, môi, mắt cháu bé đỏ lên, tuy nhiên 2 ngày sau lại hết triệu chứng đỏ. Bé sốt được 3 ngày, gia đình cho lên Bệnh viện Nhi Trương ương khám thì được biết con mắc bệnh Kawasaki nên rất lo lắng cho con và không biết căn bệnh lạ này là gì.
Tương tự, cháu bé 2 tuổi ở Hải Dương cũng bị sốt đến ngày thứ 3, cha mẹ cho lên bệnh viện tỉnh Hải Dương khám. Khi sốt, môi, mắt của cháu đỏ lên, sang đến ngày thứ 4 vừa đỏ và rộp, không ăn được nhiều. Khi sốt đến ngày thứ 6, gia đình đã cho bé lên Bệnh viện Nhi Trương ương khám, sau khi làm các xét nghiệm, gia đình mới biết con mắc bệnh Kawasaki.
Ý kiến của chuyên gia
Bác sĩ Lê Hồng Quang, Trưởng khoa HSCC Tim mạch tổng hợp, BV Nhi Trung ương cho biết: Gần đây, bệnh Kawasaki xuất hiện nhiều hơn ở trẻ, một phần là do các bệnh viện tuyến dưới phát hiện ra bệnh sớm hơn và một phần cũng là do các mẹ thấy con bị sốt, cho đi khám sớm nên đã chẩn đoán sớm căn bệnh này.
Tuy nhiên, “Trong khoảng 2 tháng gần đây, chúng tôi gặp những bệnh nhân mắc Kawasaki có diễn biến bất thường hơn, biến chứng xuất hiện nặng hơn, như bị giãn động mạch vành, thậm chí có bệnh nhân bị giãn to ra làm tăng khả năng đông máu trong động mạch vành, làm cản trở luồng máu vào trong tim gây thiếu máu cơ tim cục bộ, có nguy cơ gây suy tim cấp”
Qua đó các bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh khi thấy con có những biều hiện như trên cần đưa bé đi khám để phát hiện bệnh sớm, hạn chế những biến chứng nặng có thể gây nguy hiểm tới tính mạng của trẻ, làm tắc động mạch vành, gây thiếu máu vành dẫn tới suy tim cấp, nguy cơ tử vong tăng lên.