ĐẠI CƯƠNG
Bệnh mồng gà là một trong các bệnh lây truyền qua đường sinh dục do virus Papillomavirus humains (PVH) gây ra.
Mục lục
PVH thuộc họ Papovaviridae. Hiện nay có hơn 70 loài PVH gây tổn thương ở da và niêm mạc, trong đó có 34 loài gây tổn thương ở vùng sinh dục.
Bệnh này thường gặp ở người trẻ tuổi trong giai đoạn hoạt động tình dục (16-25 tuổi).
Ở nữ, tần suất nhiễm PVH ở cổ tử cung là 2,6%, tăng 5% ở tuổi từ 11 – 19 và 16% ở nữ có đồng thời một bệnh lây truyền qua đường sinh dục khác (Saurat 1999).
1. Đường lây truyền
– Chủ yếu do quan hệ tình dục.
– Phần còn lại qua các đường khác, thường là:
- Tiếp xúc trong gia đình: dựa trên các bằng chứng dịch tễ học và virus học và đặc biệt qua xét nghiệm PCR, cho thấy tỷ lệ nhiễm PVH ở âm hộ của thiếu nữ còn trinh 14 – 20% và tìm thấy PVH hướng da (PVH 1 và 2) trong mồng gà ở trẻ em đưa tới giả thuyết bệnh lây do tiếp xúc trong gia đình.
- Lây truyền từ mẹ sang con trong giai đoạn chuyển dạ: khi mẹ bị mồng gà có thể là nguyên nhân gây u nhú thanh quản ở con (mặc dù hiếm gặp).
2. Lâm sàng
– Thời kỳ ủ bệnh: thay đổi từ 3 đến nhiều tuần.
– Mồng gà còn gọi là mụn cóc ở hậu môn – sinh dục.
– Bệnh thường không gây triệu chứng cơ năng.
– Biểu hiện bằng các sẩn sùi ở vùng hậu môn – sinh dục.
- Ở nam: bao quy đầu, dây thắng, rãnh quy đầu – bao quy đầu, lỗ tiểu, bìu, vùng tầng sinh môn, hậu môn.
- Ở nữ: thành sau âm đạo, túi cùng, môi lớn, môi nhỏ, cổ tử cung, lỗ tiểu, vùng tầng sinh môn, hậu môn.
– Sang thương là các chồi thịt, có cuống, màu hồng hoặc đỏ sậm, sờ mềm, đôi khi sang thương lan rộng cho hình ảnh giống bông cải.
– Không có hạch đi kèm.
3. Các thể lâm sàng
Mồng gà phẳng
– Có thể đơn độc hoặc phối hợp với dạng đã mô tả ở trên.
– Sang thương là các dát màu hồng hoặc đỏ, khó phát hiện bằng mắt thường, đôi khi cần phải dùng dung dịch acid acetic 5% chấm lên sang thương mới thấy sang thương trắng ra sau vài phút và giới hạn không liên tục với niêm mạc bình thường (thường sử dụng trong mồng gà cổ tử cung).
Mồng gà dạng sẩn và mụn cóc thông thường
– Tăng sắc tố hoặc tăng sừng ở da vùng sinh dục và tầng sinh môn.
Mồng gà khổng lồ: (bướu Buschke – Luwenstein)
– Khởi phát vùng rãnh bao quy đầu – quy đầu sau đó lan tỏa và thâm nhiễm tạo nên một ung thư biểu mô xâm lấn và phá hủy và không di căn.
– Do PVH loại 1 và 11 gây ra.
– Mô học: lành tính.
Sẩn dạng Bowen
– Gặp ở dương vật hoặc âm hộ ở người trẻ.
– Sang thương là sẩn tăng sắc tố ở dương vật, bệnh Bowen đa cung ở âm hộ.
– Do PVH loại 16, cũng có thể do PVH loại 18 và 33.
4. PVH và nhiễm HIV
– Nhiễm PVH làm thay đổi dịch tễ học và diễn tiến của các bệnh lý nhiễm trùng vùng hậu môn – sinh dục ở người.
– Từ năm 1993, người ta đã phát hiện ung thư cổ tử cung ở bệnh nhân AIDS.
– Các nghiên cứu dịch tễ học và phân tử đã chỉ ra tần suất nhiễm PVH ở cổ tử cung và tăng cao ở các phụ nữ nhiễm HIV có nguy cơ tăng sản cổ tử cung gấp.4,9 lần. Mặt khác, bệnh lý ở cổ tử cung và ung thư xâm lấn thường tiến triển nhanh, đáp ứng điều trị kém và thường tái phát.
– Ngoài ra, ở nam đồng tính luyến ái bị tăng sản biểu mô hậu môn và ung thư trực tràng có tần suất nhiễm PVH cao và thường kết hợp với nhiễm HIV.
CHẨN ĐOÁN
1. Chẩn đoán xác định
– Chủ yếu dựa vào lâm sàng.
– Các xét nghiệm cận lâm sàng: thường ít sử dụng trên thực tế.
Mô học và siêu cấu trúc
– Mô học: u nhú và tăng gai với sự hiện diện của các ổ tế bào sừng không bào hóa với các nhân tăng sắc do tác dụng trên tế bào của PVH 6 và 11 (khó phân biệt với hiện tượng không bào hóa bình thường của niêm mạc).
– Dưới kính hiển vi điện tử: Sự hiện diện của các virion trong nhãn ở khoảng 50% trường hợp.
– Virút học: Dùng kỹ thuật hóa sinh, phân tích phân tử DNA của siêu vi bằng men phân tích và lai giống phân tử (không sử dụng trên thực tế).
2. Chẩn đoán phân biệt
– Polyp trực tràng
– Vết rách của màng trinh
– Sẩn hạt ngọc ở vành quy đầu
– Ban giang mai dạng sùi
– Ung thư tế bào gai.
ĐIỀU TRỊ
Điều trị bệnh mồng gà chủ yếu là phá hủy tại chỗ bằng phẫu thuật, đốt điện hoặc hóa chất. Miễn dịch liệu pháp tại chỗ và toàn thân dùng trong trường hợp mồng gà kháng trị, kết quả thay đổi tùy theo trường hợp.
1. Đốt điện – phẫu thuật
– Đốt điện
- Gây tê tại chỗ, khi sang thương có kích thước nhỏ, số lượng ít (một vài sang thương).
– Phẫu thuật
- Chỉ định đối với các sang thương có kích thước lớn, mồng gà khổng lồ (bướu Buschke – Luwenstein).
2. Hóa chất
Có thể dùng các hóa chất sau:
Podophyllin 10-20%:
- Chống chỉ định cho phụ nữ có thai (do nguy cơ sinh ung thư và độc tính của thuốc), 3 giờ sau khi chấm phải rửa lại bằng xà phòng.
- Không dùng cho sang thương ở âm đạo, cổ tử cung. Podophyllotoxine: là dẫn xuất của podophylline và ít độc tính hơn. Acid trichloracetic 50 – 80%: thường được sử dụng.
Imidazo quinoline: không có tác dụng trực tiếp lên siêu vi. 5-fluoro-uracil (5-FU)
Bleomycine 0,1%: tiêm vào sang thương, sử dụng cho mồng gà kháng trị.
3. Laser CO2
Tóm lại, trên thực tế chỉ sử dụng podophylline, acid trichloracetic và đốt điện – phẫu thuật.
PHÒNG BỆNH
1. Cấp I
- Không quan hệ tình dục bừa bãi.
- Dùng bao cao su khi có nghi ngờ người tiếp xúc tình dục có vấn đề.
2. Cấp II
Nếu lỡ quan hệ không phòng ngừa, cần theo dõi để phát hiện các bất thường (nổi sẩn vùng sinh dục – hậu môn) và đi khám bệnh ngay để điều trị kịp thời. Không tự bôi, đặt hoặc uống các loại thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ.
3. Cấp III
Cần chuyển lên chuyên khoa để điều trị nếu sang thương lan rộng, xâm lấn.
BS. Trần Thị Thanh Mai