Những nỗ lực cứu chữa và sự phối hợp nhiều kỹ thuật phẫu thuật hiện đại của các bác sĩ ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Mắt Trung ương đã cứu sống một trường hợp đa chấn thương nặng và hiếm gặp trên thế giới.
Mục lục
Thành công này cho thấy để có được kết quả tốt nhất cho những ca bệnh phức tạp cần phải phát triển đồng bộ và có sự hợp tác chặt chẽ giữa các chuyên khoa.
Ca bệnh đặc biệt thứ 14 trên thế giới
Sau cú va chạm khủng khiếp trong lúc đang đi xe máy, ông Đào Văn Lộc, 52 tuổi( Uông Bí- Quảng Ninh) không còn biết gì nữa. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trong tình trạng mặt bị biến dạng, sưng nề, hố mắt bên trái bị lõm sâu và không nhìn thấy gì, đùi trái bị gãy dập, nhiều nơi trên cơ thể bị xây xát và bầm dập.
Trước ca bệnh nguy kịch và phức tạp, bệnh nhân được đặt trong tình trạng cấp cứu. Một cuộc hội chẩn với sự tham gia của các bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Mắt trung ương đã nhanh chóng được triển khai, nhằm có những xử trí nhanh nhất và tốt nhất cho người bệnh.
Trên lâm sàng và các kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy bệnh nhân bị tụt hoàn toàn nhãn cầu trái vào hốc mũi và một phần xoang sàng bên trái, vỡ thành trên, thành trong và thành dưới của ổ mắt trái, xoang hàm bên trái ngập đầy dịch và máu. Chân bên trái, phần trên lồi cầu và liên lồi cầu xương đùi bị gãy dập. Theo Th.S Đỗ Tấn- Bệnh viện Mắt trung ương- tai nạn thụt hoàn toàn nhãn cầu vào hốc mũi là một tai nạn rất hiếm gặp, cho đến nay trên thế giới đây là ca bệnh thứ 14 được báo cáo.
Đưa nhãn cầu về vị trí giải phẫu.
Các bác sĩ quyết định cùng thực hiện phối hợp 4 phẫu thuật khác nhau trong cùng một thời điểm cho bệnh nhân, đó là phẫu thuật về xương khớp, phẫu thuật nội soi mũi xoang, tạo hình hàm mặt và phẫu thuật mắt.
Những người chịu trách nhiệm chính thực hiện ca phẫu thuật này gồm Ths. Trần Trung Dũng- chuyên khoa Ngoại xương khớp, Ths. Phạm Huy Tần- chuyên khoa Tai Mũi Họng (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội); Ths. Vũ Trung Trực và Ths. Nguyễn Hồng Hà (Bệnh viện Việt Đức) chuyên khoa tạo hình hàm mặt; Ths. Đỗ Tấn- chuyên khoa ngoại Bệnh viện Mắt Trung ương.
Sau 3 giờ thực hiện, ca phẫu thuật đã thành công. Với sự chăm sóc tận tình của các y, bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, sức khỏe người bệnh đang hồi phục nhanh chóng, ngày thứ 2 sau mổ bệnh nhân Lộc đã có thể ngồi trò chuyện cùng mọi người. Bệnh viện cũng là nơi đầu tiên sử dụng hệ thống thuốc giảm đau qua đường tĩnh mạch được lắp đặt sẵn, với hệ thống này bệnh nhân tự điều chỉnh lượng thuốc vào cơ thể tuỳ thuộc mức độ đau nhiều hay ít.
Trách nhiệm và sự chuyên nghiệp là chìa khoá đi đến thành công
Ths. Trần Trung Dũng cho biết, với những ca chấn thương như bệnh nhân Lộc phải tiến hành phẫu thuật càng nhanh càng tốt, hơn nữa phải thực hiện đồng thời các chuyên khoa cùng lúc, vì các tổn thương và giải pháp xử trí ca bệnh có liên quan chặt chẽ đến nhau.
Để lấy được mắt ra từ trong hốc mũi phải có bác sĩ tai mũi họng và mắt cùng phối hợp, nhưng để có chỗ để đưa con mắt về vị trí giải phẫu phải kết hợp với bác sĩ tạo hình. Hơn nữa do xương hốc mắt trái bị dập nát nên muốn tạo hình lại thành trong và sàn của hốc mắt phải lấy xương từ đùi (nơi bị gãy) lên để làm vật liệu tạo hình lại.
Theo Ths. Phạm Huy Tần nếu không xử trí sớm thì nhãn cầu có nguy cơ bị hỏng cả về giải phẫu và chức năng, khi được phẫu thuật kịp thời đã giải quyết vấn đề lưu thông của mũi xoang, tránh cho người bệnh những biến chứng viêm nhiễm, hoại tử, các phần bị chấn thương sẽ có khả năng được phục hồi nhanh hơn và tốt hơn. Việc đưa nhãn cầu trái trở về vị trí giải phẫu là rất quan trọng, bởi trong trường hợp nhãn cầu không thể phục hồi chức năng thì cũng đảm bảo cho người bệnh về mặt thẩm mỹ hơn là sử dụng mắt giả thay thế.
Nhưng với những nỗ lực cứu chữa của các bác sĩ, sau 1 tuần điều trị thị lực, mắt trái của người bệnh đang hồi phục khả quan. Ths. Đỗ Tấn cho biết, mắt trái người bệnh đã có thể nhìn thấy ngón tay trong khoảng cách 0,5m, nhãn áp bình thường (17mmHg), nhãn cầu tốt, giác mạc trong, dịch kính sạch, dây thần kinh thị giác tốt, các chức năng của mi mắt cũng đang dần trở lại bình thường.
Với những tiến triển này, các bác sĩ hy vọng mắt trái của bệnh nhân Lộc sẽ trở về với trạng thái bình thường. Hiện tại sức khoẻ bệnh nhân hồi phục tốt và đã xuất viện sau 1 tuần điều trị.
Hiện nay tình trạng tai nạn giao thông và tai nạn lao động ở nước ta vẫn xảy ra hằng ngày với nhiều ca đa chấn thương nghiêm trọng và phức tạp. Trong nhiều trường hợp được cứu sống nhưng nhiều người bệnh phải chịu những biến dạng về mặt giải phẫu hoặc/và bị tàn phế suốt đời. Do vậy sự cứu chữa kịp thời và nỗ lực phối hợp nhiều chuyên khoa khác nhau cùng một thời điểm là một yêu cầu quan trọng cho những trường hợp chấn thương này.
Để làm tốt được điều đó, các bác sĩ không chỉ có trách nhiệm với người bệnh mà cần phải có tay nghề thực sự chuyên nghiệp và sự đầu tư trang thiết bị hiện đại của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.