Quai bị là một loại bệnh nhẹ nhưng có thể gây những biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, đặc biệt là vô sinh. Bệnh có thể gặp ở tất cả mọi người nhưng thường gặp nhất ở trẻ em (trên 2 tuổi). Chăm sóc trẻ bị quai bị để phòng tránh biến chứng là việc làm quan trọng và rất cần thiết. Vậy, phương pháp chăm sóc trẻ khi bị quai bị như thế nào?
Mục lục
Tìm hiều về bệnh quai bị
Quai bị là loại bệnh lý về các tuyến nước bọt bởi virus có tên là Paramyxovirus có ái tính với các tổ chức tuyến và thần kinh. Bệnh chủ yếu tác động lên trẻ em ở độ tuổi từ 5 đến 15 tuổi.
Bệnh thường xuất hiện vào mùa hè,mùa thu, đông và cũng có thể xảy ra quanh năm. Bệnh có nguy cơ phát triển thành dịch ở những nơi đông người như trường học, khu tập thể…
Bệnh quai bị thường xuất hiện ở trẻ từ 5 đến 15 tuổi
Triệu chứng của quai bị
- Người bị quai bị có thời gian ủ bệnh trong vòng 2 – 3 tuần (17 – 18 ngày). Trong thời gian này, người bệnh không có biểu hiện gì rõ rệt.
- Sau thời gian ủ bệnh, người bệnh có biểu hiện sốt 38 – 39oC, đau cổ họng, người mệt mỏi, chán ăn, tuyến mang tai to dần và đau nhức, có thể đau tuyến nước bọt dưới hàm hoặc dưới lưỡi, đau khi há miệng hoặc khi nuốt.
- Tuyến mang tai sưng to kèm đau nhức ở một bên, lan dần sang tuyến mang tai bên kia và sưng to đến khoảng 1 tuần thì từ từ nhỏ lại. Mặt da của tuyến mang tai thường đỏ, không nóng và ấn vào có cảm giác đàn hồi.
Biến chứng từ quai bị
- Sưng tinh hoàn và buồng trứng, có thể dẫn đến vô sinh (dù là rất hiếm). Dấu hiệu chủ yếu là tinh hoàn sưng to, đau. Nữ thấy tức bụng và đau khi sờ nắn.
- Viêm não hoặc viêm màng não: xuất hiện sau 7-10 ngày với triệu chứng nhức đầu nghiêm trọng và cứng cổ.
Biến chứng từ quai bị, gây sưng tinh hoàn và buồng trứng có thể dẫn đến vô sinh
Phương pháp chăm sóc trẻ đề phòng biến chứng
- Đưa trẻ đi khám để chẩn đoán xác định bệnh.
- Cho trẻ nghỉ ngơi tại chỗ, cách ly với các trẻ khác.
- Hạ nhiệt bằng cách lau mình trẻ bằng nước ấm và cho dùng Paracetamol để hạ sốt, giảm đau.
- Cho trẻ uống nhiều nước và súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc nước súc miệng (vệ sinh răng miệng, chống khô miệng).
- Cho trẻ ăn loãng, nếu không ăn được cho trẻ ăn bằng ống hút.
- Chườm nóng bên má đau (dùng chai nước nóng bọc trong khăn để áp vào bên má đau).
- Không cho trẻ nô đùa chạy nhảy vì những hoạt động này rất dễ dẫn đến biến chứng ở tinh hoàn.
- Đưa trẻ tới bệnh viện ngay khi có các biểu hiện biến chứng như: sốt cao, đau bụng dưới …
Không cho trẻ nô đùa, chạy nhảy vì rất dễ dẫn đến biến chứng ở tinh hoàn gây vô sinh
Phương pháp phòng ngừa quai bị
- Cách ly bệnh nhân cho đến khi bệnh khỏi hẳn.
- Tiêm vacxin cho trẻ trên 2 tuổi (tiêm một mũi duy nhất).
Lưu ý: nếu trẻ mới tiêm phòng sởi thì phải đợi một tháng sau mới được tiêm phòng quai bị vì vacxin phòng quai bị là vacxin phòng 3 bệnh (sởi, quai bị, rubella).
Lời kết
Quai bị là một loại bệnh do virus Paramyxoviridaegây ra nên chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Đây là loại bệnh lành tính và có thể tự khỏi trong vòng 10 ngày nhưng cũngcó thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, vô sinh…Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe, phòng tránh các biến chứng do quai bị gây nên, cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm chủng quai bị đầy đủ khi trẻ đủ 12 tháng tuổi.
Ngoài ra, khi trẻ bị quai bị cần có chế độ chăm sóc đặc biệt: cho trẻ ăn loãng (hạn chế nhai gây đau đớn cho trẻ), cách ly với các trẻ khác, có thể cho trẻ dùng thuốc paracetamon để hạ sốt, giảm đau cho trẻ, đặc biệt không cho trẻ chạy nhảy để tránh các biến chứng ở tinh hoàn gây vô sinh sau này…