Rối loạn tăng động giảm chú ý (Attention – Deficit / Hyperactivity disorder) là một rối loạn thường gặp trong thực hành lâm sàng tâm thần học trẻ em. Phần lớn các trường hợp thường có biểu hiện triệu chứng giảm chú ý kết hợp với rối loạn tăng động.
Mục lục
Đặc điểm nổi bật của rối loạn này là người bệnh không thể duy trì sự tập trung chú ý cần thiết vào một sự vật, một chủ đề, một công việc nào đó. Điều này dẫn đến hậu quả là xuất hiện những triệu chứng tăng vận động, người bệnh luôn hoạt động nhưng lại không thể hoàn tất một công việc nào đó khi được yêu cầu, được giao phó. Trẻ mắc rối loạn này thường được xem là những đứa trẻ cứng đầu, bướng bỉnh, quậy phá, không nghe lời, làm cho những người xung quanh hết sức mệt mỏi, ở tuổi đến trường rất khó hoà đồng với các bạn bè cùng trang lứa.
Từ 3 – 7% trẻ ở lứa tuổi học đường mắc rối loạn này.Trẻ nam mắc nhiều hơn trẻ nữ. Tỷ lệ từ 2,5 đến 5,6 trẻ nam trên một trẻ nữ.
Nguyên nhân bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý
Cho đến nay khoa học vẫn chưa tìm ra được một nguyên nhân rõ ràng của rối loạn tăng động giảm chú ý. Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng cho thấy một số yếu tố có ảnh hưởng rõ rệt đến rối loạn này.
Di truyền
– Trên các cặp sinh đôi cùng trứng nếu một trẻ bị thì nguy cơ mắc rối loạn này của trẻ còn lại lên đến khoảng 80 – 90%.
– Nếu một người cha hoặc mẹ bị mắc thì nguy cơ con của họ, mắc rối loạn này là khoảng 50%. Nếu trẻ có anh chị mắc rối loạn này thì nguy cơ bị mắc là 15 – 25%.
Những bất thường hoặc những tổn thương não bộ
Các nghiên cứu cũng nhận thấy tỷ lệ rối loạn giảm chú ý, tăng động tăng cao ở những trẻ bị viêm não màng não, chấn thương não bộ trong quá trình sinh nở, ngạt sau sinh, những trẻ sinh thiếu tháng v.v…
Môi trường
Trong thời kỳ mang thai mẹ bị ngộ độc chì, thuốc diệt côn trùng, hút thuốc lá, uống rượu, sử dụng ma tuý … có vai trò ở khoảng 10 – 15% các trường hợp mắc rối loạn giảm chú ý – Tăng động.
Triệu chứng lâm sàng
Rối loạn giảm chú ý – tăng động tập trung ở ba nhóm triệu chứng chính :
– Giảm chú ý
– Tăng vận động
– Xung động
Các rối loạn này cũng biểu hiện ở các mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng.
Trí thông minh và rối loạn tăng động giảm chú ý không có liên quan gì đến nhau. Khó khăn trong học tập là hậu quả của việc giảm tập trung chú ý và tăng động gây nên chứ không phải là do trẻ thiếu thông minh.
Rối loạn này cũng thay đổi theo thời gian. Khoảng 40 đến 70% trẻ mắc rối loạn này còn tồn tại ở tuổi vị thành niên và tỷ lệ đáng kể rối loạn này còn tồn tại ở tuổi trưởng thành.
Chẩn đoán xác định bệnh
Hiện nay, ở Việt Nam chẩn đoán rối loạn này dựa chủ yếu vào tiêu chuẩn lâm sàng theo phân loại chẩn đoán quốc tế ICD-10.
Tiêu chuẩn 1
– Nhóm triệu chứng giảm chú ý: có ít nhất 6 triệu chứng dưới đây tồn tại ít nhất trong 6 tháng, những triệu chứng này gây hậu quả trẻ khó thích ứng và thiếu hài hoà so với những trẻ khác cùng trang lứa.
– Thường xuyên không thể chú ý tới các chi tiết hoặc mắc những lỗi dại dột khi làm bài ở trường, trong công việc hoặc trong các hoạt động khác.
– Thường xuyên gặp khó khăn duy trì tập trung chú ý vào công việc hay những trò chơi.
– Thường xuyên tỏ ra lơ đãng khi người khác nói chuyện với mình.
– Thường xuyên không tuân thủ các quy định, không hoàn tất bài tập ở trường, công việc và nhiệm vụ được giao ở nhà hay ở trường (không phải do chống đối hay không hiểu công việc được giao).
– Thường xuyên gặp khó khăn trong việc tổ chức, sắp xếp công việc hay các hoạt động khác trong sinh hoạt.
– Thường xuyên né tránh hoặc thực hiện một cách miễn cưỡng những công việc cần sự tập trung (bài tập về nhà hay học ở trường).
– Thường xuyên đánh mất các vật dụng cần thiết cho công việc, học tập như sách vở, bút, thước v.v…
– Thường xuyên bị chi phối dễ dàng bởi các kích thích xung quanh.
– Thường xuyên quên trong hoạt động, sinh hoạt thường ngày.
Tiêu chuẩn 2
Triệu chứng tăng động: có ít nhất 3 trong các triệu chứng dưới đây thời gian tồn tại ít nhất trong 6 tháng, những triệu chứng này gây hậu quả trẻ khó thích ứng và thiếu hài hoà so với các trẻ cùng trang lứa.
– Luôn ngọ nguậy chân tay hay uốn éo, vặn vẹo mình trên ghế.
– Luôn nhấp nhỏm đứng lên trong lớp học hoặc ở những nơi cần phải ngồi yên trên ghế.
– Chạy nhảy, leo trèo khắp nơi ở những nơi không cho phép (nếu là trẻ vị thành niên hay người trưởng thành có thể chỉ có cảm giác bồn chồn, khó chịu).
– Thường xuyên gặp khó khăn trong việc tuân thủ luật lệ của các trò chơi hoặc các hoạt động giải trí.
– Vận động liên tục không biết mệt mỏi.
Tiêu chuẩn 3
Triệu chứng xung động: có ít nhất một trong các triệu chứng dưới đây thời gian tồn tại ít nhất 6 tháng, triệu chứng này gây hậu quả trẻ khó thích ứng và thiếu hoà hợp so với các trẻ cùng trang lứa.
– Thường xuyên bật ra những câu trả lời khi chưa nghe hết câu hỏi.
– Thường xuyên gặp khó khăn mỗi khi phải chờ đợi đến lượt mình.
-Thường xuyên áp đặt, ngắt lời người khác.
– Nói quá nhiều.
Tiêu chuẩn 4
Những rối loạn này xuất hiện trước 7 tuổi.
Tiêu chuẩn 5
Các triệu chứng này không chỉ xuất hiện ở một hoàn cảnh nào đó mà phải xuất hiện trên các hoàn cảnh khác nhau.
Tiêu chuẩn 6
Những triệu chứng ở nhóm 1 và nhóm 3 gây nên sự khó khăn hoặc một sự giảm sút rõ rệt các chức năng xã hội, học tập và trong nghề nghiệp.
Tiêu chuẩn 7
Loại trừ chẩn đoán rối loạn quá trình phát triển lan toả, giai đoạn hưng cảm, giai đoạn trầm cảm, rối loạn lo âu.
Chẩn đoán phân biệt rối loạn tăng động giảm chú ý
– Rối loạn lo âu (thường xuyên xuất hiện ở một số hoàn cảnh đặc biệt).
– Rối loạn phân ly (thường gắn với nguyên nhân tâm lý xuất hiện từng cơn).
– Tâm thần phân liệt (thường xuất hiện ở tuổi lớn hơn kèm các triệu chứng tự kỷ, thiếu hoà hợp điển hình.)
– Rối loạn Tic (thường là các rối loạn vận động ngôn ngữ mang tính định hình).
– Rối loạn hành vi chống đối.
Điều trị bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý
Nguyên tắc điều trị
Điều trị bằng hoá dược là chủ yếu, ngoài ra các liệu pháp tâm lý xã hội cũng được áp dụng như là các liệu pháp phụ trợ.
Thuốc điều trị
– Nhóm thuốc kích thích tâm thần (methylphenidate, dextroamphetamine): là lựa chọn hàng đầu trong điều trị rối loạn này. Nhưng thuốc được xếp vào nhóm ma tuý tổng hợp, cần được kiểm soát theo pháp luật. Hiện chưa được sử dụng ở Việt Nam.
– Atomoxetine: không thuộc nhóm thuốc kích thích tâm thần nhưng cũng là lựa chọn hàng đầu trong điều trị giảm chú ý tăng động. Cơ chế tác dụng ức chế hấp thu chất norepinephrine. Thuốc được chỉ định cho trẻ trên 6 tuổi.
– Thuốc chống trầm cảm 3 vòng và nhóm ức chế chọn lọc tái hấp thu Serotonin: là lựa chọn thứ 2 sau các thuốc kích thích tâm thần và Atomoxetine trong trường hợp kháng với các thuốc trên và kèm theo trầm cảm lo âu. Thuốc thường dùng là: amitriptylin 25mg/ngày, sertraline 50mg/ngày
– Clonidine: Đồng vận α Adrenergic là lựa chọn thứ 3 và đối với các trường hợp kèm rối loạn Tic, hội chứng Gille de la Tourette và có những hành vi gây hấn. Liều lượng và cách dùng: liều trung bình 0,1 đến 0,25mg/ngày. Khởi đầu từ 0,025mg đến 0,05mg/ngày chia 2 lần cứ sau 3 đến 7 ngày tăng thêm 0,025 đến 0,05mg.
Phòng bệnh
Vấn đề phòng bệnh không đơn giản vì nguyên nhân chưa rõ ràng và có yếu tố di truyền nhưng chúng ta cũng có thể phòng ngừa bằng cách tránh những yếu tố nguy cơ như an toàn sinh nở, phòng chống những bệnh gây tổn thương não bộ, không hút thuốc uống rượu khi mang thai, tránh tiếp xúc với các chất kim loại nặng, thuốc trừ sâu, không sử dụng các phẩm màu thực phẩm gây độc hại.
Cẩm nang truyền thông các bệnh thường gặp – BV Bạch Mai.