Các nhà khoa học tại Úc cho biết dùng kỹ thuật chụp hình cắt lớp qua bức xạ positron có thể phát hiện bệnh suy giảm trí nhớ 15 năm trước khi bệnh lộ diện, theo Australian Women’s Weekly.
Giáo sư Christopher Rowe đứng đầu một nhóm các nhà khoa học tại Bệnh viện Austin (Úc) theo dõi sự hình thành của một loại protein gọi là amyloid. Đây là protein được tạo ra khi các màng não bị thay thế.
Ở người khỏe mạnh, protein amyloid sẽ bị phá vỡ và được thải ra khỏi cơ thể. Thế nhưng, ở một số người, protein này dần dần được tích tụ, gây nên bệnh suy giảm trí nhớ 30 năm sau đó.
Nếu một người bị suy giảm trí nhớ lúc 70 tuổi thì theo nghiên cứu của chúng tôi, quá trình này đã bắt đầu từ khi họ 40 tuổi.
Và vào khoảng 55 tuổi thì chúng tôi đã có thể tìm thấy protein amyloid đang được tích tụ trong não khi chụp cắt lớp não qua bức xạ positron, theo Giáo sư Christopher Rowe, người đứng đầu cuộc nghiên cứu.
Từ đó, nhóm nghiên cứu hy vọng có thể phát hiện sớm căn bệnh và dùng thuốc ngăn chặn sự tích tụ của protein này, ngăn cản sự suy giảm trí nhớ.
Nghiên cứu liên quan đến 1.000 người tại thành phố Melbourne và Perth (Úc) và được đăng tải trên tạp chí The Lancet Neurology.