Uốn ván là bệnh do trực khuẩn Clostri diumtetani gây ra. Căn bệnh này xuất hiện khi trẻ sinh ra không được đảm bảo vệ sinh rốn, đoạn đứt của cuống rốn khử trùng không cẩn thận, vẫn sử dụng phương pháp đỡ đẻ cũ. Vi khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể sẽ tiết ra độc tố phá vỡ hồng cầu, tạo các cơn co giật và co thắt cơ thanh quản. Hậu quả là trẻ không thở được và tử vong nhanh chóng.
Bệnh uốn ván ở trẻ sơ sinh
Bệnh hay gặp trong trường hợp sinh ở nhà, dùng dao, kéo không vô khuẩn để cắt rốn, bông băng, chỉ chưa diệt khuẩn để buộc rốn. Việc chăm sóc trẻ sơ sinh sau đẻ không hợp vệ sinh (như thay băng rốn, nước tắm không sạch) cũng gây nhiễm khuẩn rốn, trong đó có vi khuẩn uốn ván).
Vi khuẩn Clostri diumtetani xâm nhập vào cơ thể trẻ sơ sinh qua vết cắt rốn. Vi khuẩn uốn ván có thể sống trong điều kiện hiếm khí. Gặp hoàn cảnh không thuận lợi, nó tạo một lớp vỏ để chống đỡ gọi là nha bào, có thể sống được ở nhiệt độ 120oC trong 15 phút, nhiệt độ 90oC trong 2 tiếng. Nha bào uốn ván có nhiều trong đất bụi, tá túc ở móng tay, ở trên da và các vật dụng khác như dao, kéo.
Sau khi vi khuẩn uốn ván vào cơ thể trẻ sơ sinh, thường không làm phát sinh ngay các triệu chứng rõ rệt. Trong thời kỳ ủ bệnh (trung bình 7 ngày, còn sớm hay muộn hơn tùy theo mức độ độc tố mà vi khuẩn tiết ra), trẻ sơ sinh vẫn ăn ngủ bình thường, đôi khi hay quấy khóc, sốt nhẹ. Dựa vào khoảng thời gian ủ bệnh có thể tiên lượng được một phần bệnh nặng hay nhẹ.
Ở thời kỳ toàn phát, trẻ sốt 38 – 39oC, có khi lên 40 – 41oC, quấy khóc, bỏ bú, hàm cứng càng ngày càng rõ, dần dần xuất hiện co giật và co cứng. Mỗi khi lên cơn co giật, mặt trẻ sơ sinh nhăn lại, miệng chúm chím, sùi bọt mép, hai tay nắm chặt; nếu cơn giật nhẹ thì da của trẻ sơ sinh vẫn hồng hào, nhưng nếu co giật mạnh liên tục sẽ kèm theo những cơn ngừng thở vì cơ thanh quản co lại, làm cho trẻ tím tái, chân tay lạnh, nhiều nguy cơ đe dọa tính mạng.
Sau cơn co giật là cơn co cứng các cơ, đặc biệt là cơ bụng và cơ lưng, làm cho trẻ sơ sinh có một tư thế đặc biệt: ưỡn cong người, cổ ngả ra sau, hai cánh tay khép sát người, hai chân duỗi thẳng. Cơn co giật và cơn co cứng có thể kéo dài hàng phút, nhịp độ của các cơn co có thể mau hay thưa tùy theo mức độ bệnh nặng hay nhẹ. Trẻ sơ sinh có thể bị chết ngay sau một cơn co giật và co cứng mạnh. Trong một số trường hợp bệnh nhẹ, phát hiện sớm và điều trị tích cực trẻ sẽ khỏi bệnh.
Cách phòng tránh bệnh uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh
Để phòng bệnh uốn ván rốn trẻ sơ sinh, người mẹ khi mang thai phải tiêm phòng uốn ván 2 mũi, mũi thứ nhất tiêm càng sớm càng tốt, mũi thứ hai sau đó ít nhất 30 ngày hoặc trước khi đẻ một tháng.
Ngoài ra cần áp dụng phương pháp đỡ đẻ mới. Những dụng cụ và bông gạc… dùng để đỡ đẻ phải được khử trùng nghiêm ngặt trước khi sử dụng. Không được dùng liềm, mảnh sành, que nứa, dao kéo bẩn để cắt rốn cho trẻ sơ sinh mà phải luộc dao kéo rồi mới cắt (đun sôi dụng cụ trong 2 giờ hoặc hấp ở nhiệt độ 120oC trong 20 phút). Sau đó, dùng chỉ, băng bông đã diệt khuẩn (gói đỡ đẻ sạch) để băng rốn.
Phải giữ rốn sạch cho đến khi rốn rụng và khô sẹo. Nếu băng bị ướt nước, phải thay ngay. Trong những tuần đầu khi chưa rụng rốn, phải dùng nước đun sôi để nguội tắm cho trẻ.
Khi thấy băng rốn ướt, có mùi hôi hoặc dịch mủ chảy ra thì chứng tỏ rốn đã bị nhiễm khuẩn, phải đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được xử lý và điều trị kịp thời.
Benh.vn