Bệnh viêm phổi mắc phải cộng đồng – cùng tìm hiểu nguyên nhân , triệu chứng, điều trị,…
Mục lục
Viêm phổi là hiện tượng viêm nhiễm của nhu mô phổi bao gồm viêm phế nang, túi phế nang, ống phế nang, tổ chức liên kết khe kẽ và viêm tiểu phế quản tận cùng.
Ở Việt Nam, viêm phổi là bệnh thường gặp, chiếm 12% các bệnh phổi (Chu Văn Ý). Trong số 3606 bệnh nhân điều trị tại khoa Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai từ 1996-2000 có 345 (9,57%) bệnh nhân viêm phổi- đứng thứ 4 trong tổng số bệnh nhân đến điều trị tại khoa (Ngô Quý Châu).
Nguyên nhân và điều kiện thuận lợi của viêm phổi
Nguyên nhân gây bệnh
Các căn nguyên chính gây viêm phổi bao gồm: Streptococcus pneumoniae (phế cầu), Haemophylus influenzae, Klebsiella pneumoniae, Legionella pneumophila, Mycoplasma pneumoniae, Chlamydia pneumoniae và virus cúm.
Điều kiện thuận lợi
Thời tiết lạnh, bệnh xảy ra về mùa đông.
Cơ thể suy kiệt, còi xương, già yếu.
Nghiện rượu.
Chấn thương sọ não, hôn mê.
Mắc bệnh mạn tính phải nằm điều trị lâu.
Biến dạng lồng ngực, gù, vẹo cột sống.
Bệnh ở tai mũi họng: viêm xoang, viêm amidan.
Bệnh tắc nghẽn đường hô hấp.
Dấu hiệu, triệu chứng của bệnh viêm phổi
Triệu chứng toàn thân
Bệnh xảy ra đột ngột thường ở người trẻ tuổi, bắt đầu với một cơn rét run kéo dài khoảng 30 phút, rồi nhiệt độ tăng lên 30 – 40oC, mạch nhanh, mặt đỏ, sau vài giờ thì khó thở, toát mồ hôi, môi tím, có mụn hecpet ở mép, môi.
Ở người già, người nghiện rượu có thể có lú lẫn, ở trẻ con có co giật. Ở người già triệu chứng thường không rầm rộ.
Đau ngực: luôn có, đôi khi đau ngực là triệu chứng nổi bật, đau bên tổn thương.
Ho khan lúc đầu, về sau ho có đờm đặc, màu gỉ sắt. Có khi nôn mửa, chướng bụng, đau bụng.
Triệu chứng thực thể
Trong những giờ đầu, nếu nghe phổi chỉ thấy rì rào phế nang giảm bên tổn thương, sờ và gõ bình thường, có thể nghe thấy tiếng cọ màng phổi và ran nổ cuối thì hít vào.
Thời kỳ toàn phát: có hội chứng đông đặc
Gõ đục.
Rung thanh tăng.
Rì rào phế nang mất.
Có tiếng thổi ống.
Xét nghiệm cần làm để chẩn đoán viêm phổi
Chụp X quang: thấy một đám mờ của một thuỳ hay một phân thuỳ, có hình tam giác đáy quay ra ngoài, đỉnh quay vào trong.
Công thức máu: số lượng bạch cầu tăng 15 – 25 G/lít, tỷ lệ bạch cầu đa nhân trung tính tăng.
Cấy đờm, cấy máu có thể thấy vi khuẩn gây bệnh.
Tiến triển bệnh
Sốt duy trì trong tuần đầu, nhiệt độ 38-40oC, khạc đờm đặc có mủ vàng.
Có khi vàng da, vàng mắt nhẹ. Sau một tuần lễ thấy các triệu chứng cơ năng tăng lên, nhưng ngay sau đó thì sốt giảm, đổ mồ hôi, đi tiểu nhiều, bệnh nhân cảm thấy khoan khoái dễ chịu và bệnh khỏi, nhưng khám phổi vẫn còn hội chứng đông đặc, hình ảnh X quang tồn tại trong vài tuần. Nhưng có trường hợp bệnh nhân bị sốc: khó thở, tím môi, mạch nhanh, huyết áp hạ, có khi tử vong do truỵ tim mạch, phù phổi và viêm màng ngoài tim có mủ.
Chẩn đoán bệnh viêm phổi dựa vào
Bệnh khởi phát đột ngột ở người trẻ.
Có cơn rét run và sốt cao 39oC – 40oC.
Hội chứng nhiễm khuẩn: môi khô, lưỡi bẩn, bạch cầu cao.
Đau ngực có khi rất nổi bật.
Ho và khạc đờm màu gỉ sắt.
Khám phổi: Hội chứng đông đặc phổi (gõ đục, rung thanh tăng, rì rào phế nang giảm), tiếng thổi ống.
X quang: có hội chứng lấp đầy phế nang với đám mờ đều hình tam giác đáy quay ra ngoài.
Chụp cắt lớp vi tính: hội chứng lấp đầy phế nang, có hình phế quản hơi.
Biến chứng do bệnh viêm phổi
Ngày nay, nhờ có nhiều kháng sinh hiệu nghiệm, tiên lượng bệnh viêm phổi tốt hơn nhiều, tuy vậy viêm phổi vẫn có thể xảy ra một số biến chứng như: áp xe phổi, tràn dịch màng phổi, suy hô hấp, sốc nhiễm trùng…
Những yếu tố nguy cơ gây tử vong ở bệnh nhân viêm phổi bao gồm: tuổi, tiền sử nghiện rượu, bệnh lý ác tính kèm theo, suy giảm miễn dịch, bệnh thận, suy tim xung huyết và đái tháo đường. Tỷ lệ tử vong cao ở những bệnh nhân nhiễm khuẩn Gram âm, Staphylococcus aureus, viêm phổi sau tắc nghẽn trên những bệnh nhân có bệnh lý ác tính, hay viêm phổi do hít phải.
Điều trị và phòng bệnh viêm phổi
Điều trị
Chế độ ăn uống nghỉ ngơi: thức ăn lỏng, dễ tiêu; uống nhiều nước hoa quả.
Thở oxy nếu có khó thở.
Bồi phụ nước- điện giải: đặc biệt khi có sốt cao, hoặc khi bệnh nhân nặng, đe doạ tình trạng sốc nhiễm khuẩn.
Thuốc kháng sinh: dùng kháng sinh dựa theo kháng sinh đồ. Trong khi chưa có kết quả kháng sinh đồ thì lựa chọn theo kinh nghiệm và tuỳ theo mức độ nặng của viêm phổi. Xem xét thay đổi kháng sinh tuỳ theo diễn biến lâm sàng và kháng sinh đồ nếu có.
Phòng bệnh viêm phổi
Bệnh viêm phổi rất phổ biến, số bệnh nhân nằm viện cũng như số bệnh nhân điều trị ngoại trú rất nhiều, đứng hàng thứ hai sau bệnh tiêu hoá. Mặc dù có nhiều kháng sinh hiệu quả nhưng biến chứng và tử vong vẫn còn, vì vậy phòng bệnh là rất quan trọng.
Điều trị tốt ổ nhiễm khuẩn ở vùng tai mũi họng: nhất là viêm họng, viêm xoang, viêm amidan có mủ.
Điều trị tốt các đợt nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính như đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, giãn phế quản.
Loại bỏ những yếu tố kích thích có hại: thuốc lá, thuốc lào.
Giữ ấm cổ, ngực trong mùa lạnh.
Tiêm vacxin phòng cúm (mỗi năm tiêm 1 lần) và phòng ngừa phế cầu (mỗi 3-5 năm tiêm nhắc lại 1 lần).
Cẩm nang truyền thông các bệnh thường gặp – BV Bạch Mai