Bệnh còn được gọi là viêm tuyến giáp tự miễn, viêm tuyến giáp lympho bào mạn tính. Viêm tuyến giáp mạn tính Hashimoto là nguyên nhân chính gây suy giáp.
Là bệnh có tính chất tự miễn đặc trưng bởi sự lắng đọng các tế bào lympho và dạng tế bào Hurthle tại tuyến giáp. Bệnh có tính gia đình và có thể xuất hiện đồng thời với một số bệnh tự miễn khác như suy thượng thận mạn tính nguyên phát (Addison), đái tháo đường týp 1, suy sớm buồng trứng…
Bệnh hay gặp ở nữ (khoảng 90%), mọi lứa tuổi nhưng thường tập trung ở độ tuổi 30-50.
Triệu chứng
Bướu tuyến giáp: đa số có bướu giáp to, chắc, đối xứng và thường không đau. Khoảng 10% trường hợp tuyến giáp bị teo. Bướu to nhiều có thể chèn ép gây cảm giác nghẹn ở cổ, khó nuốt, nói khàn… tuy nhiên ít gặp. Viêm tuyến giáp lâu không được điều trị có thể khám thấy tuyến giáp to, rắn chắc, có khi cứng, bề mặt gồ ghề, có nhiều thuỳ. Tuyến giáp sờ không đau và không có hạch to vùng cổ.
Suy giáp: là triệu chứng thường gặp ở giai đoạn muộn với các biểu hiện như sợ lạnh, táo bón, mạch chậm. Nhiều trường hợp suy giáp nhẹ, biểu hiện chủ yếu ở các rối loạn trong xét nghiệm chức năng tuyến giáp. Nếu bệnh nhân đến khám sớm trong giai đoạn đầu có thể có triệu chứng nhiễm độc giáp nhưng thường nhẹ, thoáng qua.
Cận lâm sàng
– Hội chứng viêm: thường không có biểu hiện viêm.
– Thăm dò tuyến giáp.
– Xét nghiệm chức năng tuyến giáp: tuỳ theo mức độ tiến triển của viêm tuyến giáp, bệnh nhân có thể trong tình trạng cường giáp nhẹ, bình giáp nhưng thường là suy giáp rõ ràng: FT3, FT4 giảm, TSH tăng cao hoặc suy giáp cận lâm sàng với FT3, FT4 bình thường, TSH tăng.
– Kháng thể kháng tuyến giáp: tăng hiệu giá kháng thể kháng tuyến giáp Anti thyroid peroxidase (Anti-TPO) trong 90% các trường hợp, kháng thể kháng thyroglobulin tăng trong 20-50% các trường hợp viêm tuyến giáp Hashimoto.
– Siêu âm: tuyến giáp giảm âm, hình ảnh thay đổi tuỳ theo giai đoạn của bệnh.
– Đo độ tập trung I131: độ tập trung không đồng đều, không có ý nghĩa trong chẩn đoán.
– Tế bào học tuyến giáp: cần thực hiện trong trường hợp viêm tuyến giáp Hashimoto có nhân trong tuyến để loại trừ lymphoma hoặc ung thư tuyến giáp.
Điều trị
– Không chỉ định điều trị corticoid vì không có tác dụng lên tiến triển của bệnh.
– Suy giáp rõ: điều trị thay thế bằng levothyroxine liều từ 50-100 µg/ngày (xem thêm điều trị suy giáp).
– Suy giáp cận lâm sàng: có nhiều ý kiến khác nhau, thường bắt đầu điều trị levothyroxine khi TSH > 10 µu/ml.
Xem thêm: Bệnh suy tuyến giáp
Khoa Nội tiết – BV Bạch Mai
Ty ty đã bình luận
Tôi bị viêm tuyến giáp hasimoto. Tôi muốn cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp có được ko
Thanh thuy đã bình luận
E đi khám ung bứu 2 lần rồi. Bs kiu bị viêm tuyến giáp hasmimoto.nhug ko cho thuốc.lần gần nhất cách 3nam. Hiện tại cổ e nhô to,đầu nhức, mệt mỏi, đau xung quanh ngực trái. Mà e mới sinh e bé dc 4 tháng. Vậy có nguy hiểm ko ạ
Trần Bích đã bình luận
Chào bạn
Với mẹ bị hashimoto, nếu mẹ bị suy giáp thì thai nhi cũng bị suy giáp do 3 tháng đầu hormon tuyến giáp của thai nhi phụ thuộc hoàn toàn vào mẹ. Do vậy, bạn nên đến các bệnh viện hàng đầu như viện nội tiết trung ương để khám cho cả mẹ và con càng sớm càng tốt
Chúc bạn và con khỏe mạnh