Với kỹ thuật tiên tiến và áp dụng công nghệ hiện đại, bệnh nhân bị u tuyến giáp tại Việt Nam sẽ được điều trị bằng phương pháp đốt sóng cao tần thay cho mổ nội soi. Qua đó người bệnh không còn nỗi lo vết mổ ở cổ gây mất thẩm mỹ, đặc biệt không phải gây mê, biến chứng hay nằm viện dài ngày.
Mục lục
Điều trị bướu cổ bằng phương pháp đốt sóng cao tần
Bệnh nhân Đàm Thị Ngân 41 tuổi ở Tuyên Quang bị bướu cổ 5 năm, khối u to gần 4 cm nhưng vẫn chưa dám đi mổ. Khi biết được phương pháp mới, điều trị bằng đốt sóng cao tần chị đã mạnh dạn đi điều trị. Quá trình thực hiện, các bác sĩ đã chọc cây kim (lớn hơn kim tiêm một chút) qua da tiếp cận với khối u và dùng sóng cao tần để phá hủy. Sau thời gian, khối u xơ hóa, thu nhỏ dần.
Bệnh nhân điều trị u tuyến giáp bằng phương pháp đốt sóng cao tần. Ảnh: N.P.
Kết quả, sau 7 tháng, khối u trong cổ chị đã giảm 80%. Chị vui mừng chia sẻ “Trước đó khối u to như quả trứng nên nhìn thấy rõ, tôi khó thở khi nằm nghiêng bên phải. Giờ u gần như không còn dấu vết, không có sẹo mổ”
Theo các bác sĩ, chị Ngân là một trong 20 bệnh nhân đầu tiên tại miền Bắc được điều trị u tuyến giáp lành tính bằng đốt sóng cao tần ở Bệnh viện Bạch Mai. Thạc sĩ bác sĩ Ngô Lê Lâm, khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, u tuyến giáp hay bướu cổ là bệnh khá phổ biến, tỷ lệ chung trên thế giới ước tính chiếm khoảng 50-70% dân số, trong đó trên 95% là u lành tính. Tại Việt Nam, mỗi năm có gần 120.000 ca được khám và điều trị.
Không phải tất cả trường hợp đều cần can thiệp
Với những trường hợp u ác tính ung thư, người bệnh bắt buộc phải phẫu thuật, điều trị phóng xạ. Với những u lành tính, bệnh nhân có thể mổ mở, mổ nội soi không để lại sẹo hoặc đốt sóng cao tần. Đây là phương pháp mới phổ biến vài năm nay. Khi can thiệp đốt sóng cao tần, bác sĩ chỉ cần gây tê vùng điều trị, không cần rạch da, bác sĩ vừa làm vừa nói chuyện với bệnh nhân để biết không có biến chứng dây thần kinh.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Lâm, không phải khối u lành tính nào cũng cần điều trị. Chỉ những trường hợp khối u to, gây mất thẩm mỹ, chèn ép khiến khó nuốt, đau, khó thở mới có chỉ định can thiệp.
Ưu điểm của phương pháp điều trị mới
Chia sẻ về phương pháp mới, giáo sư Phạm Minh Thông, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh, bệnh nhân được chỉ định can thiệp đốt sóng cao tần khi có 2 lần sinh thiết cho kết quả u lành tính, kết hợp với hình ảnh siêu âm. Ưu điểm là bệnh nhân không cần gây mê, thời gian tiến hành khoảng 30-60 phút; ít gây biến chứng đốt nhầm dây thần kinh quật ngược gây khàn tiếng. Sau can thiệp 1-2 giờ, bệnh nhân có thể về nhà.
Nếu so sánh 2 phương pháp (mổ nội soi và đốt sóng cao tần) thì phương pháp cũ mặc dù can thiệp tối thiểu, bệnh nhân vẫn phải nằm viện ít nhất vài ngày, tỷ lệ nhất định tai biến như khàn tiếng, suy giáp… Tuy nhiên, với phương pháp đốt sóng cao tần, bệnh nhân tránh được tất cả những tai biến trong ca mổ.
Được biết, chi phí cho mỗi ca đốt sóng cao tần điều trị u tuyến giáp tại Việt Nam 16-18 triệu đồng, trong khi tại Hàn Quốc 300 triệu đồng. Để giảm thiểu kinh phí cho bệnh nhân, bệnh viện Bạch Mai đang đề xuất Bảo hiểm y tế thanh toán chi phí này.
Benh.vn (Theo Vnexperss.net)