Thông thường, những người ăn tiết canh hoặc thịt lợn ốm có nguy cơ nhiễm liên cầu lợn cao hơn người khác. Tuy nhiên, một thợ mổ tại TPHCM cũng bị nhiễm liên cầu lợn và thiếu chút nữa là mất đi tính mạng của mình…
Mục lục
Nhiễm liên cầu lợn vì nghề giết mổ heo
Khai thác bệnh nhân
Sau nhiều năm làm nghề giết mổ heo (lợn), ông Phạm Tấn L. (52 tuổi) ở TPCHM rơi vào hoàn cảnh “sinh nghề tử nghiệp” vì bị một loại khuẩn nguy hiểm liên cầu lợn có thể gây ra cái chết cho con người từ loài gia súc tấn công.
Trưởng khoa Bệnh Nhiệt Đới, bệnh viện Chợ Rẫy – BS Trần Quang Bính cho hay bệnh nhân được bệnh viện An Giang chuyển đến trong tình trạng sốt cao, nôn ói, nhức đầu, rối loạn tri giác, lơ mơ và có biểu hiện bị kích động.
Sau hơn một tuần điều trị, bệnh nhân đã qua được nguy kịch
Sau khi khám xét sơ bộ và khai thác bệnh sử cho thấy, bệnh nhân hành nghề giết mổ lợn. Trước đó, bệnh nhân bị sốt cao, nôn ói kèm nhức đầu 3 ngày liên tục nhưng không đến bệnh viện mà ở nhà tự mua thuốc uống. Đến khi bệnh trở nặng, gia đình đưa đi cấp cứu thì bệnh viện địa phương phải chuyển lên tuyến trên là bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị.
Chẩn đoán và điều trị
Từ những cơ sở trên, bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn nên lấy dịch não tủy kiểm tra. Kết quả xét nghiệm cho thấy người bệnh dương tính với liên cầu khuẩn lợn (Streptococcus – một loại vi khuẩn gây ra bệnh đường hô hấp cho heo nhưng có khả năng lây lan sang người và tạo thành dịch).
Do đó, bệnh nhân đã được điều trị tích cực bằng kháng sinh, ngăn chặn tình trạng viêm màng não. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, người bệnh rơi vào hôn mê, phải thở máy, nguy cơ suy đa cơ quan. Rất may, sau 2 ngày thở máy liên tục, kết hợp điều trị tích cực, các chỉ số sinh hiệu của người bệnh dần phục hồi. sức khỏe đã ổn định.
Tác hại do liên cầu khuẩn lợn gây ra
Liên cầu khuẩn lợn có thể gây viêm màng não, nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng, sốc nhiễm độc, suy đa tạng. Đối với những bệnh nhân nhập viện trễ, vào sốc nguy cơ tử vong có thể chiếm tới 70% đến 80%.
Tuy nhiên, những bệnh nhân may mắn qua được điều trị cũng sẽ phải đối mặt với các nguy cơ, mất thính lực, liệt nửa người do tổn thương hệ thần kinh.
Đối tượng dễ nhiễm liên cầu khuẩn lợn
Không chỉ vậy, bệnh liên cầu khuẩn lợn có thể lây sang người qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của vật chủ, người giết mổ, mua bán thịt heo, chế biến thịt bị nhiễm khuẩn sẽ bị vi khuẩn xâm nhập thông qua các vết xước trên cơ thể, người ăn thịt lợn chưa nấu chín, ăn tiết canh…
Đặc biệt, khi vi khuẩn liên cầu khuẩn lợn xâm nhập vào cơ thể, thời gian phát bệnh sẽ diễn ra trong vài giờ đến vài ngày với các biểu hiện bị sốt, phát ban, đau họng nhức đầu ói mửa rất giống các bệnh khác nên dễ nhầm lẫn.
Khuyến cáo từ chuyên gia
Qua trường hợp trên, các bác sĩ khuyến cáo cộng đồng cần thường xuyên vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước sạch sau khi tiếp xúc với lợn hoặc chế biến thịt lợn, không ăn thịt khi chưa nấu chín, không ăn tiết canh…
Đặc biệt,khi gặp các biểu hiện như sốt cao, đau đầu, nôn ói, mê man, kích động…sau khi ăn tiết canh, thịt chưa đun chín… cần đến bệnh viện chuyên khoa để được các bác sĩ chẩn đoán bệnh và điều trị kịp thời.
Benh.vn (Tổng hợp)