Hệ giác quan là một phần của hệ thần kinh có chức năng thu nhận các thông tin về các giác quan. Năm bộ phận của cơ thể con người và động vật có tác dụng cảm nhận các kích thích của môi trường bên ngoài cơ thể, các cơ quan này bao gồm Thị giác, Thính giác, Vị giác, Khứu giác và Xúc giác. Ngoài ra còn có một giác quan nữa liên quan đến tâm linh và suy nghĩ mà người ta hay gọi là Giác quan thứ sáu. Đó là Trực giác.
Thính giác (Tai)
Đây là khả năng tiếp thu âm thanh bằng cách phát hiện các dao động qua một cơ quan ví dụ như tai.
Mọi tiếng động, tiếng ồn, tiếng nhạc và quan trọng nhất đối với con người là tiếng nói, chúng đều là những rung động của không khí (ta gọi chính xác là những “sóng âm”) sẽ truyền đến hai tai của ta (nếu chúng đủ to và đủ rõ). Tai là một “máy thu tiếng”, một “máy ghi âm” nhanh nhạy nhất mà trời đã phú cho con người.
Âm thanh được vành tai thu gom và chuyển vào ống tai, sẽ đập vào màng tai (màng nhí) và làm nó rung lên như một mặt trống. Đến lượt mình, màng tai sẽ làm rung 3 mẩu xương tai bé tí. Cuối cùng, rung chuyển sẽ đến đánh thức các tế bào nhạy cảm nằm trong một bộ phận rất phức tạp của tai, gọi là “ốc tai” để truyền tin về não. Và thế là ta “nghe” được tiếng động !
Thính tai loại siêu
Tai người không nghe được tiếng động nếu nó quá trầm, chẳng hạn khi những hạt cát rải trên mặt trống chỉ còn nhảy nhót khoảng 20 lần trong một giây thì tai người sẽ không nghe được tiếng trống nữa.
Tai người cũng hết nghe được tiếng động quá thanh, chẳng hạn tiếng rít “chua loét” của một giọng kim tồi, hay của một đàn nhị phương Đông, đàn vi-ô-lông phương Tâỵ cao vút lên quá cỡ. Nói một cách khoa học, tai người cũng ngừng nghe khi không khí rung chuyển trên 20.000 lần trong một giây. Nếu vượt ngưỡng rung chuyển đó, âm thanh mà ta vốn nghe được sẽ biến thành âm thanh ta không còn nghe được nữa, gọi là siêu âm.
Trong thế giới động vật, có nhiều loài giỏi hơn người về mặt này. Ví dụ : dơi, các loài thú ở biển như cá heo,… chúng không những nghe được siêu âm mà còn truyền tin cho nhau bằng siêu âm nữa đấy ! Cừ thật !
Thị Giác (Mắt)
Là khả năng nhận và diễn giải thông tin từ ánh sáng đi vào mắt. Việc tri giác này còn được gọi là thị lực, sự nhìn.
Mắt là cơ quan dùng để nhìn. Nhờ có mắt chúng ta nhìn được mọi vật to hay nhỏ, đẹp hay xấu với đủ màu sắc, kích cỡ,…
Khi chúng ta “thấy” một vật gì đó, một cảnh nào đó chính là nhờ các tia sáng phát đi từ vật đó, cảnh đó đã chiếu xuyên qua lòng đen của mắt chúng ta, đến đánh thức các “tế bào thấy”, nằm san sát ở đáy cầu mắt. Từ các tế bào đó, có những dây thần kinh thị giác, truyền tin về hình dáng, màu sắc và mức độ sáng tối của cảnh vật trước mắt lên não. Và thế là ta “thấy” !
Nhìn bên ngoài mắt gồm có:
- Mí mắt: Mí mắt hoạt động như cái cửa bảo vệ mắt, có thể mở ra hoăc khép lại (mở mắt và nhắm mắt).
- Lòng trắng.
- Lòng đen (mống mắt).
- Đồng tử (con ngươi) là một lỗ nhỏ nằm ở tâm tròng đen. Nó có thể nở rộng khi ánh sáng vào ít và thu hẹp lại khi ánh sáng vào nhiều (ánh sáng chói), nhờ đó giúp cho mắt điều chỉnh lượng ánh sáng vào trong mắt.
- Ngoài ra, trên mắt còn có lông mày, giúp cản mồ hôi từ trán chảy xuống mắt, lông mi mọc từ mí mắt có tác dụng cản bụi và các vật lạ.
Khứu giác (Mũi)
Giác quan này có tác dụng cảm nhận mùi. Ở người cơ quan này là mũi.
Xúc giác (Da)
Là những cảm giác có được khi đụng chạm, tiếp xúc bằng da (qua tay, chân…).
Toàn bộ bề mặt của da người là cơ quan xúc giác. Tất nhiên, trên da có những phần nhạy cảm nhất với sờ mó, đó là đôi môi và mười đầu ngón tay.
Trong lớp da của các đầu ngón tay có vô số tế bào “máy dò”. Một số “máy dò” chuyên nhận tin về đụng chạm; một số khác về nóng, lạnh, bị ấn mạnh hay đè nặng. Cũng có thể có một số “máy dò” đặc biệt về đau đớn nữa nhưng chưa được tìm ra một cách chắc chắn. Dù sao thì mọi “rnáy dò nói trên đều là những tế bào thần kinh, có dây thần kinh nối về não để truyền tin xúc giác.
Xúc giác của con người thường rất nhạy bén. Các thầy thuốc đông y thường ấn vào đầu ngón tay để bắt mạch, đoán bệnh. Những người mù thì có thể dùng giác quan này để nhận biết nhận biết sự thay đổi của chữ trên giấy và vẫn có thể đọc.
Vị giác (Lưỡi)
Con người thường cẩn thận nếm mọi thức ăn qua miệng trước khi nuốt vào bụng bằng lưỡi. Đó là cơ quan vị giác. Trên bề mặt phía trên của lưỡi có khoảng ba nghìn đến bốn nghìn nhóm tế bào nếm được đặt tên là “gai thịt” hay “chồi nếm”.
Từ các chồi nếm có những sợi thần kinh truyền tin lên não về 4 vị chính: mặn, ngọt, chua và đắng.
Gai thịt có hình dáng khác nhau, nằm ở những chỗ khác nhau trên lưỡi và có chức năng khác nhau: đầu lưỡi nhận thông tin về mặn và ngọt, hai bên rìa lưỡi báo về não vị chua; mặt trên của đáy lưỡi chuyên trách về vị đắng; còn bề mặt của da ở chính giữa mặt trên của lưỡi thì chúng không có gai lưỡi.
Vì vậy, khi uống thuốc chúng ta nên đặt viên thuốc trên đầu lưỡi, tu một ngụm nước rồi nuốt luôn để viên thuốc vượt qua sự kiểm soát các vị của lưỡi.