Tính đến thời điểm hiện tại nguồn phóng xạ bị thất lạc của Nhà máy Thép Pomina ở Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn chưa được tìm thấy. Đây là nguồn phóng xạ có mức độ nguy hiểm rất cao; nếu bị nhiễm xạ, nạn nhân có thể rất đau đớn, khó điều trị theo cách thông thường.
Sau khi tổ chức buổi họp thông báo về việc nguồn phóng xạ của nhà máy thép Pomina bị thất lạc, các cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã phối hợp với Đoàn công tác của Bộ KH&CN tập trung thực hiện các biện pháp tìm kiếm nguồn phóng xạ tại Nhà máy Thép Pomina cũng như bên ngoài.
Tỉnh cũng thành lập tổ công tác thu hồi nguồn phóng xạ, triển khai tìm kiếm, rà soát các điểm thu mua phế liệu… đồng thời công bố rộng rãi hình ảnh nguồn phóng xạ bị mất, cảnh báo nguy hiểm trên các phương tiện thông tin để người dân được biết và thưởng cho người cung cấp thông tin để tìm thấy nguồn phóng xạ nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Nguồn phóng xạ thất lạc đến nay vẫn chưa tìm thấy
Được biết, nguồn phóng xạ bị mất là loại Co-60, dạng hình trụ đường kính 140mm, dài 458mm, cân nặng khoảng 45kg dùng để đo mức thép lỏng trên dây chuyền lò đúc số 3, trong tổng số 5 dây chuyền của nhà máy.
Chia sẻ từ chuyên gia
Theo GS.TS Trần Thanh Minh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật và Hạt nhân, nguồn phóng xạ Co-60 đang thất lạc ở Vũng Tàu có mức nguy hiểm rất lớn vì ở khoảng cách 10cm nguồn phóng xạ có thể gây ra suất chiếu là 2,5mSv/h, trong khi mức cho phép với người bình thường là 1mSv/năm.
Trong trường hợp rút nguồn phóng xạ ra khỏi buồng chì hay uranium bảo vệ thì sự chiếu xạ vào cơ thể là rất dễ xảy ra. Quá trình diễn biến đặc trưng sau khi bị chiếu xạ toàn thân từ một nguồn bức xạ xuyên thấu gồm giai đoạn tiền khởi bao gồm các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, mệt mỏi và có thể sốt kèm tiêu chảy, giai đoạn ủ bệnh thể hiện ở các triệu chứng viêm nhiễm, chảy máu, bệnh dạ dày và ruột do thiếu máu hoặc mất các tế bào thuộc dạ dày, ruột.
Trường hợp chiếu xạ cục bộ, tùy theo liều lượng chiếu, tại chỗ bị chiếu xuất hiện ban đỏ, phù nề, bỏng rộp khô và ướt, tróc vảy, đau đớn, hoại tử hoặc rụng lông. Những tổn thương da cục bộ tiến triển chậm theo thời gian (tuần, tháng) và có thể trở nên rất đau đớn, khó điều trị bằng cách thông thường.
Những tổn thương do phóng xạ gây ra rất khó chữa lành
Theo GS Minh, vụ việc này cùng với vụ việc một nguồn chiếu xạ Iridium ở quận Tân Bình, TPHCM thất lạc hồi tháng 9/2014 thể hiện sự bất cẩn và thiếu hiểu biết ở những người liên quan và những cấp quản lý có trách nhiệm. Hiện có gần 1.000 cơ sở đang sử dụng thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ với gần 6.000 nguồn phóng xạ.
Một số sự cố liên quan tới phóng xạ tại Việt Nam
1. Ngày 23/12/2003, Cty Cổ phần Xi măng Việt Trung (xã Thanh Hải, Thanh Liêm, Hà Nam) mất nguồn phóng xạ Cs-137 để đo mức phục vụ việc xả tự động clinker. Đến nay, chưa có thông tin công bố đã tìm lại được nguồn phóng xạ này.
2. Ngày 17/5/2006, Viện Công nghệ Xạ hiếm thuộc Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam sửa chữa các gian kho tầng 6, nơi chứa nguồn đồng vị phóng xạ, nên chuyển nguồn sang gian bên cạnh dành chỗ cho thi công. Đến 14h ngày 29/5, cơ quan này phát hiện nguồn đồng vị phóng xạ trên bị mất. Nguồn phóng xạ này sau đó được thu hồi.
3. Cuối tháng 7/2006, Cty Cổ phần Xi măng Sông Đà tháo phần thiết bị trong dây chuyền sản xuất xi măng để sửa chữa. Ngày 8/8, phát hiện hộp đựng nguồn phóng xạ trong thiết bị này bị mất đến nay vẫn chưa thu hồi lại được.
4. Tháng 9/2014, Cty TNHH APAVE châu Á – Thái Bình Dương, tại quận Tân Bình, TPHCM bị mất trộm một nguồn phóng xạ, nhưng sau đó tìm lại được.
Benh.vn (Tổng hợp)