Trí nhớ là “bảo bối” song hành cùng chúng ta suốt cả cuộc đời. Tuy được sử dụng thường xuyên với công suất tối đa, thế nhưng nó lại ít được chăm sóc đến.
Mục lục
Để duy trì và đảm bảo những công việc cũng như sinh hoạt hàng ngày, não bộ nói chung và trí nhớ nói riêng là yếu tố quan trọng, tác động mạnh mẽ đến mỗi chúng ta. Tuy nhiên, đôi khi bạn cảm thấy mình như bị đãng trí, khả năng tập trung và những trí nhớ về sự vật, hiện tượng hay câu chuyện nào đó bỗng nhiên giảm sút nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tới tiến độ làm việc và học tập, dẫn đến kết quả không mong muốn.
Nếu bạn đang gặp phải vấn đề “hóc búa” này và lo ngại vì không biết sẽ giải quyết ra sao thì chúng tôi xin bật mí một vài bí quyết sau đây. Hãy tìm hiểu và thử áp dụng vào lối sống của mình xem hiệu quả sẽ thế nào nhé!
1. Tập thể dục
Tập thể dục là cách tập luyện hiệu quả nhất để tăng cường trí nhớ. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nhịp tim tăng lên rất có lợi cho sức khỏe của não bộ và giúp tăng khả năng tập trung. Các nhà khoa học cho biết, tập thể dục thường xuyên sẽ thúc đẩy quá trình sản sinh các nơron thần kinh mới tại vùng não trung tâm, là vùng não kiểm soát chức năng ghi nhớ và chức năng nhận thức của con người, giúp cải thiện quá trình máu lưu thông lên não, phục hồi đáng kể chức năng ghi nhớ của não bộ.
Những môn thể dục có thể thực hiện hàng ngày dễ dàng, vừa phải được nhiều người yêu thích là đi bộ nhanh, bơi lội, tập yoga… Mỗi ngày, mỗi người, đặc biệt là người cao tuổi nên dành một thời lượng nhất định, khoảng 30 – 45 phút để thực hiện các hoạt động thể dục, vừa tăng cường sức khỏe lại vừa khắc phục chứng suy giảm trí nhớ. Nếu thời gian biểu của bạn quá bận rộn, hãy tranh thủ đi bộ thư giãn với bạn bè và đi bộ mọi lúc có thể thay vì đi xe.
2. Thay đổi lịch sinh hoạt
Đừng tuân thủ theo một thời gian biểu nhất định hàng ngày mà hãy thay đổi lịch sinh hoạt. Bằng cách này, bạn sẽ giúp não bộ tăng khả năng ghi nhớ và giảm tác động của tuổi tác khiến bạn chóng quên. Chẳng hạn như, hãy đánh răng bằng tay không thuận hay đến trường bằng những tuyến đường khác nhau mỗi ngày… để giúp trí não hình thành ý thức làm quen với những điều mới dù là nhỏ nhặt.
3. Để đồ vật ở vị trí nhất định
Nếu bạn thường xuyên để quên hay mất chìa khóa, điện thoại, kính và những vật dụng khác tương tự, hãy tập cho mình thói quen để những đồ vật đó ở một nơi nhất định. Ví dụ, hãy để chìa khóa trong ngăn kéo tủ gần cửa ra vào, điện thoại trên bàn học trong phòng hay ví tiền trong túi xách dùng thường xuyên…
4. Ăn uống khoa học, lành mạnh
Không thể bỏ qua tầm quan trọng của việc ăn uống nếu muốn cải thiện trí nhớ. Bạn hãy ăn ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc, nhiều trái cây, rau xanh, ít chất béo và đồ ngọt để củng cố sức khỏe của não bộ. Đặc biệt, bạn nên ăn nhiều rau lá xanh, quả lựu, việt quất và nho bởi chúng giàu chất chống oxy hóa giúp bảo vệ tế bào não. Các loại cá nước lạnh như cá hồi, cá mòi và cá thu cũng nên có trong thực đơn của bạn hai lần /tuần. Omega-3 trong cá sẽ thúc đẩy sự liên hệ giữa các tế bào não giúp tăng cường trí nhớ.
Bên cạnh đó, từ bỏ thói quen uống rượu, bia và hút thuốc lá sẽ giúp trí nhớ không bị tổn hại nặng nề. Khoa học đã chứng minh, những người thương xuyên sử dụng rượu, bia, thuốc lá sẽ gặp phải tình trạng suy giảm trí nhớ sớm hơn những người không sử dụng đến 6 năm. Đồng thời, hãy duy trì cân nặng hợp lí bởi vòng hai khỏe mạnh sẽ tỉ lệ thuận với một trí nhớ tốt.
5. Nghỉ ngơi đầy đủ
Nghỉ ngơi đầy đủ và ngủ đủ giấc mỗi ngày là chìa khóa giúp bạn tăng cường trí nhớ. Nếu thiếu ngủ và cơ thể mệt mỏi, bạn sẽ khó tập trung được dẫn đến học tập và làm việc sa sút. Lời khuyên hữu ích là bạn nên duy trì thói quen ngủ đủ từ 6-8 tiếng/ngày và không ngủ sau 11h vì sau khoảng thời gian đó, quá trình lão hóa diễn ra sẽ ảnh hưởng đến trí nhớ của bạn.
6. Chơi Game
Đừng ngạc nhiên, đây không phải là những trò chơi thông thường hay các loại game điện tử khác mà là những trò yêu cầu vận động trí óc cao. Word puzzle, Crosswords hay Sudoku là những ví dụ điển hình cho loại trò chơi thông minh này. Bộ não của bạn sẽ phải vận động liên tục để tìm ra đáp án. Hãy để trí óc được khởi động một cách tốt nhất bằng những trò chơi tìm từ thú vị này. Bạn sẽ thấy sau đó mình làm việc hiệu quả hơn.
7. Không ngừng học hỏi những điều mới mẻ
Theo nghiên cứu, việc vận động trí não thường xuyên giúp người lớn tuổi minh mẫn và ổn định tinh thần. Có rất nhiều người vẫn học tập và nghiên cứu nhiều năm sau khi nghỉ hưu. Hãy không ngừng khám phá những điều mới lạ cho dù bạn ở độ tuổi nào đi nữa. Và bạn sẽ cảm nhận được niềm hứng thú từ việc này, dù là học ngôn ngữ, một kỹ năng thực tiễn hay đơn giản chỉ là đọc sách, báo về một chủ đề mới. Việc tiếp nhận kiến thức thường xuyên sẽ giúp tăng cường trí tuệ và khả năng làm việc của bộ não.
8. Thiền định
Chắc hẳn ai cũng biết thiền định là một trong những phương pháp thư giãn tốt nhất. Bên cạnh đó, biện pháp đơn giản này còn mang lại rất nhiều lợi ích khác, trong đó có tác dụng tăng cường trí não. Một nghiên cứu gần đây của Đại học Yale cho biết, ngồi thiền có thể giúp phục hồi những vấn đề liên quan đến thần kinh và giúp não bộ làm việc hiệu quả.
9. Tập thói quen viết lách
Dường như chúng ta thường lãng quên những công dụng của việc viết ra những điều mong muốn. Điều này hoàn toàn có thể giúp não bộ sắp xếp và tổ chức những suy nghĩ một cách hệ thống. Nếu bạn đang mắc kẹt ở một vấn đề nào đó, hãy dùng ngay bút và giấy để hỗ trợ bộ não của mình. Bạn sẽ phát hiện ra rằng, việc ghi lại những điều mình suy nghĩ sẽ giúp bản thân dễ dàng tìm ra ý tưởng mới hoặc giải pháp tốt hơn.
10. Một vài lưu ý khác
– Không nên trùm chăn kín đầu khi ngủ vì bạn sẽ tự hít phải khí O2 của chính mình, điều này không hề tốt cho sức khỏe cũng như não bộ.
– Hơn 70% khối lượng cơ thể là nước. Chính vì vậy, hãy duy trì thói quen uống 2lít nước/ngày để luôn bổ sung các khoáng chất cần thiết cho sức khỏe trí óc.
An Nguyên – Benh.vn (Tổng hợp)