Trả lời câu hỏi của bạn đọc: “Tôi năm nay 34 tuổi, bị sưng và đau các khớp ở bàn tay, bàn chân cả 2 bên kèm theo hay bị loét ở miệng, có những ban đỏ ở 2 bên má, cạnh mũi. Tôi gầy 4 kg trong 2 tháng và rất mệt, thỉnh thoảng thấy gai rét. Có người nói tôi bị bệnh tự miễn. Xin bác sĩ cho biết có phải tôi bị bệnh đó không và điều trị như thế nào?” Cùng lắng nghe ý kiến chuyên gia.
Trả lời:
Theo thư bạn chúng tôi nghĩ đúng là bạn có thể bị mắc bệnh luput ban đỏ hệ thống, một bệnh trong nhóm bệnh tự miễn đấy.
Tìm hiểu về bệnh tự miễn
Bệnh tự miễn dịch là những bệnh mà những tổn thương bệnh lý gây ra do sự đáp ứng miễn dịch chống lại các tổ chức, cơ quan của bản thân mình. Nói cách khác là trong cơ thể người bệnh xuất hiện những tự kháng thể chống lại các thành phần của các bộ phận trong cơ thể gây nên tổn thương ở các bộ phận đó.
Ngoài bệnh luput ban đỏ hệ thống, các bệnh khác trong nhóm này bao gồm: xơ cứng bì toàn thể, viêm da và cơ hay viêm đa cơ, viêm nút quanh động mạch. Các bệnh này có những đặc điểm chung là có tổn thương ở rất nhiều cơ quan, tổ chức trong cơ thể.
Nguyên nhân trực tiếp gây bệnh cho đến nay vẫn chưa rõ ràng. Một số giả thuyết cho rằng là có một quá trình nhiễm khuẩn tiềm tàng (vi khuẩn, virut) tác động trên một cơ địa nhất định: bệnh thường xảy ra ở phụ nữ trẻ, trung niên, một số trường hợp bệnh có tính chất gia đình. Trong nhóm bệnh tự miễn (còn gọi là bệnh hệ thống) thì bệnh Luput ban đỏ hệ thống là bệnh hay gặp nhất, có biểu hiện vô cùng đa dạng và có thể nhầm với rất nhiều bệnh khác nhau thuộc các chuyên khoa khác nhau. Những biểu hiện cơ xương khớp rất phong phú từ đau mỏi khớp, đau xương đến viêm khớp, tràn dịch khớp, hoại tử xương…
Biểu hiện bệnh
Viêm khớp có đặc điểm gần giống như bệnh viêm khớp dạng thấp như viêm các khớp nhỏ và nhỡ ở bàn tay, bàn chân, viêm khớp mang tính chất đối xứng 2 bên…Nhưng bệnh có đặc điểm khác là hầu như không có tổn thương bào mòn đầu xương, dính khớp trên phim Xquang như trong bệnh viêm khớp dạng thấp.
Ngoài các biểu hiện ở khớp, bệnh nhân còn có nhiều triệu chứng của các cơ quan bộ phận khác như tổn thương ở da, niêm mạc (ban cánh bướm ở mặt, ban dạng dạng đĩa ở thân mình, loét niêm mạc miệng mũi, tăng nhạy cảm của da với ánh sáng); tổn thương tim và phổi (tràn dịch màng tim, rối loạn nhịp, tràn dịch màng phổi, xơ phổi); tổn thương thận (protêin niệu, hội chứng thận hư, suy thận); tổn thương tâm thần, thần kinh; tổn thuơng cơ quan tạo máu (giảm một hay 3 dòng tế bào máu)…Trong bệnh xơ cứng bì toàn thể, ngoài viêm khớp nhỏ và nhỡ còn có các tổn thương xơ cứng da và tổ chức dưới da, co thắt mạch đầu chi (hội chứng Raynaud), nuốt nghẹn, xơ phổi…
Các bệnh khác trong nhóm như viêm đa cơ và da và cơ, viêm nút quanh động mạch ít gặp hơn hai bệnh kể trên. Ngoài các xét nghiệm thường qui, người ta phải tiến hành các xét nghiệm về miễn dịch để tìm các kháng thể kháng nhân, kháng histon…
Tiến triển
Rất ít trường hợp bệnh khỏi hẳn. Đa số là bệnh có thể thuyên giảm và ổn định khi tuân thủ tốt chế độ điều trị và phối hợp tốt giữa thày thuốc và bệnh nhân. Nếu không điều trị tốt bệnh nặng dần khi tổn thương các cơ quan quan trọng như thận, não, tim, thần kinh …
Điều trị
Các thuốc có tác dụng ổn định bệnh là các thuốc ức chế miễn dịch như corticoid, cyclophosphamide, methotrexate; thuốc chống sốt rét tổng hợp, thuốc điều trị triệu chứng như thuốc giảm đau, nâng cao thể trạng…Các thuốc phải dùng kéo dài, có thể suốt đời nên phải có sự hợp tác thật tốt giữa thầy thuốc và bệnh nhân để điều chỉnh thuốc cho thích hợp.
Ngoài dùng thuốc điều trị, người bệnh cần được nghỉ ngơi hợp lý, làm việc nhẹ nhàng, dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý, bổ sung chất khoáng và sinh tố. Tăng cường vệ sinh răng miệng và phòng các nhiễm trùng răng miệng.
Với các bệnh nhân có nhậy cảm da với ánh sáng thì phải đội mũ, đi găng, đeo kính, mặc các quần áo bằng chất liệu chống nắng, dùng các loại kem chống nắng khi buộc phải ra ngoài. Về sức khoẻ sinh sản, các bác sĩ thường khuyên người bệnh chỉ có thể mang thai khi trong 6 tháng trước không có các đợt tiến triển bệnh.Vì bệnh có xu hướng nặng lên khi mang thai do đó khi có thai cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các thầy thuốc chuyên khoa.
TS. Đào Hùng Hạnh (Bệnh viện Bạch Mai)