Trong thời gian vừa qua, câu chuyện về nữ cảnh sát trẻ Đậu Thị Huyền Trâm quyêt tâm không điều trị ung thư phổi để cứu thai nhi mới được 5 tháng đã khiến cho lòng người cảm động. Dẫu biết, sinh tử là lẽ thường tình nhưng trong thời điểm xã hội hiện nay, lòng tốt của con người trở nên xa xỉ thì sự hinh sinh cao cả của người mẹ đã làm cho các con tim tan chảy…
Mục lục
Sau hơn 2 tuần chống chọi với căn bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối, bà mẹ Đậu Thị Huyền Trâm, người từ chối điều trị ung thư để con chào đời đã trút hơi thở cuối cùng tại quê nhà. Tài sản duy nhất Trâm để lại đó chính là đứa con trai của mình – bé Trần Gấu.
Cảm phục nghị lực phi thường của người mẹ trẻ
Trước đó, khi mang bầu ở tuần thai thứ 11, thai phụ Huyền Trâm đã phát hiện mình đã mắc ung thư phổi giai đoạn cuối. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe cho thai nhi, chị từ chối mọi phương pháp điều trị ung thư và quyết tâm giữ con lại lâu nhất có thể. Ở tuần thứ 19, bệnh nhân phải nhập viện điều trị do diễn biến xấu.
Đến tuần thứ 29, nhận thấy sức khỏe của bệnh nhân không đủ để tiếp tục nuôi dưỡng thai nhi, các bác sĩ đã thực hiện ca mổ lấy thai ngày 10/7. Bé trai chào đời với cân nặng 1,2kg được chuyển vào nuôi trong lồng kính.
Khoảnh khắc hai mẹ con gặp nhau qua lồng ấp
Các bác sĩ cho biết, đây là ca mổ “có một không hai” trong nghề bời bệnh nhân không thể nằm mà phải phẫu thuật trong tư thế ngồi. Không đủ điều kiện sức khỏe để gây mê hay tiêm thuốc an thần, sản phụ chỉ được gây tê tủy sống và gần như tỉnh táo hoàn toàn trong suốt cuộc phẫu thuật. 2 y tá đỡ 2 bên sản phụ, bác sĩ phải cúi ngang bàn mổ và phải lấy con ra thật nhanh để an toàn cho cả mẹ và con. Ca mổ diễn ra chỉ vẻn vẹn trong vòng 30 phút. Sự kiên cường của bà mẹ trẻ khi quyết hy sinh mình đổi lấy sự sống cho con đã khiến các y bác sĩ rơi nước mắt vì xót xa, thương cảm.
Lá thư cuối cùng gửi lại gia đình
Trong những ngày cuối cùng khi đang điều trị căn bệnh ung thư, Trâm đã gửi những lời cuối cùng cho những người thân ở lại. Cũng như bao nhiêu người khác, mẹ được Trâm nhắc đến nhiều nhất bởi bà là người cận kề bên cô từ khi mới sinh đến lúc con gặp bệnh hiểm nghèo rồi sinh nở. Bởi vậỵ, mong muốn cháy bỏng 1,2 năm nữa khỏe mạnh của để cô thực hiện những việc làm còn dang dở, được gần gũi, chăm nuôi con trai và báo đáp công ơn của mẹ đã không thành hiện thực.
Người mẹ được Trâm nhắc đến nhiều nhất trong lá thư cuối cùng.
Xin đăng nguyên văn thư của chị Đậu Thị Huyền Trâm:
“Gửi gia đình và người đàn ông của em!
Từ bé, con lớn lên trong truyền thống gia đình là công an. Dù luôn nghĩ rằng mình không vào được đâu nhưng mỗi lần nhìn vào bộ đồ của bố mẹ treo ở tủ cạnh bàn thờ bố, con càng ao ước được học trường bố học, mặc màu áo bố mặc kiểu như để an ủi mình, mình cũng có kỷ niệm về bố dù khi bố mất con còn đỏ hỏn.
Mất 2 lần để thực hiện 1 giấc mơ, nỗi đau khi thất bại không là gì khi đến được thành công. Con học 5 năm học viện, ngày con đỗ mẹ và anh tự hào thế nào, con còn giật mình vì dường như còn vui hơn cả con.
Đó là ngày mà con không bao giờ quên, không phải vì mình vui thế nào mà hôm đó mẹ và anh đã xúc động thế nào. 12 năm đi học, 6 năm đèn sách, con không giúp được mẹ gì cả, chỉ biết học, mẹ là người hiểu con nhất, biết con học được gì và yếu gì.
Mẹ thấy con không theo kịp lớp học thêm mẹ không ngại thuê gia sư dù hoàn cảnh mình là 1 tay mẹ vừa kiếm tiền vừa lo nội ngoại. 1 đứa học lực như con mà đỗ học viện thì 100 người trên 100 người kể cả thầy cô giáo nói là vì con có người mẹ như mẹ.
Thế rồi ra trường, đi làm được mấy tháng, quen, yêu rồi lấy chồng. Tính ra cuộc đời mình chưa làm được gì, chưa biết gì.
Mình lấy về có bầu liền, cả nội ngoại vui trông thấy, được một cu cậu, mình lại thấy cái hạnh phúc, tự hào đó ở mọi người.
Đáng lẽ cuốn sách chỉ nên dừng ở đó và có một kết cục hạnh phúc. Nhưng mình phát hiện ra tế bào ung thư khi mang thai tháng thứ 5, ung thư giai đoạn cuối.
Sức khoẻ mình, mình biết chứ, nhưng nhiều người thương mình cố giấu. Rồi sau tất cả, chấp nhận và cùng bên mình chữa trị.
Vốn không thích tự xoáy sâu vào cái không vui của mình. Mình nghĩ lại thời gian qua mình đã sống, thực sự còn quá nhiều điều mình muốn làm. Nhưng rất may mình có gia đình, người thân, bạn bè đã sát cánh bên mình lúc này.
Nghĩ xem, quan trọng gì sống bao lâu, sống thế nào mới đúng. Nhưng nếu có phép màu, cho mình thêm 5 năm nữa, hoặc 1,2 năm nữa khoẻ mạnh chút, mình chuẩn bị một vài thứ cho những người mình thương yêu, chứ đừng để ốm đau mãi rồi đi.
Bây giờ trong mình mọi thứ đã qua đều là kỷ niệm quý giá. Những gì đang có là tận dụng để cho mọi người biết mình yêu mọi người thế nào.
Và thời gian ở Học viện cảnh sát chính là thời thanh xuân đẹp đẽ, sức sống và đáng sống nhất của mình”.
Chia sẻ từ cộng đồng mạng
Theo dõi vụ việc từ khi báo đài đưa tin đến khi chị Trâm trút hơi thờ cuối cùng, chị Tiểu Ni (Nghệ An) tâm sự trên trang Facebook cá nhân: “Thương và cảm phục người mẹ vĩ đại, thương cho em bé chỉ được đi cùng mẹ một quãng đường ngắn. Số phận con bất hạnh nhưng con cũng may mắn vì mạng sống của con được đánh đổi bằng mạng của 1 người phụ nữ dũng cảm mang 1 tình yêu vô bờ bến với con”.
Tương tự, bạn Hoàng Lan chia sẻ “Rất khâm phục em. Em còn quá trẻ, chỉ mới 25 tuổi, nhưng những gì em làm được nó lớn hơn vậy rất nhiều lần. Hãy yên nghỉ nhé! Con em sẽ nhanh chóng khoẻ mạnh, và sẽ được tất cả mọi người yêu thương. Chắc chắn khi lớn lên bé sẽ vô cùng tự hào về một người mẹ như em. Tình mẫu tử thiêng liêng, em thật quá phi thường!” và còn rất nhiều những lời chia buồn sâu sắc của cộng đồng xã hội gửi đến gia đình Trâm.
Trong thời điểm hiện tại, câu chuyện về người phụ nữ quả cảm Đậu Thị Huyền Trâm đã thắp sáng niềm tin về một xã hội tốt đẹp dẫu rằng đâu đó lòng tin còn bị khủng hoảng, “con sâu làm giầu nồi canh” nhưng xã hội vẫn còn nhiều điều tốt đẹp, ý nghĩa.
Benh.vn – Tổng hợp