Các biến chứng mạn tính của bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) là hậu quả của tình trạng tăng đường máu kéo dài. Kiểm soát tốt đường máu sẽ giúp hạn chế sự tiến triển của các biến chứng này.
Mục lục
Biến chứng mạn tính bệnh tiểu đường bao gồm: biến chứng mạch máu lớn như tai biến mạch máu não, bệnh động mạch ngoại vi, bệnh động mạch vành, biến chứng mạch máu nhỏ như biến chứng mắt, biến chứng thận, biến chứng thần kinh.
Biến chứng mắt
Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến mắt của bệnh nhân như thế nào
Khi đường máu của bệnh nhân không được kiểm soát tốt, bệnh nhân sẽ có nguy cơ mắc các bệnh về mắt như:
Bệnh võng mạc mắt: là nguyên nhân hàng đầu gây mù loà ở bệnh nhân tiểu đường. Đa số bệnh nhân có biến chứng này không có triệu chứng lâm sàng cho đến khi nặng bệnh.
Đục thuỷ tinh thể: nhân mắt trở lên trắng đục, làm giảm thị lực.
Glaucoma: mắt đau nhức dữ dội, đỏ mắt, chảy nước mắt.
Điều trị biến chứng mắt như thế nào
Một số phương pháp điều trị cho bệnh nhân có biến chứng mắt như: liệu pháp laser quang đông chỉ định cho bệnh nhân có biến chứng võng mạc, mổ đục thuỷ tinh thể, mổ glaucoma.
Ngoài ra ,bệnh nhân cần phải kiểm soát tốt đường máu, lipid máu, huyết áp….
Phòng biến chứng mắt bằng cách nào
Để phòng ngừa biến chứng mắt bệnh nhân cần phải kiểm soát tốt đường máu.
Biến chứng mắt có thể xuất hiện ngay từ khi phát hiện bệnh đái tháo đường ở người mắc ĐTĐ týp 2 và thường xảy ra sau 3-5 năm đối với người mắc ĐTĐ týp 1. Vì vậy, bệnh nhân cần đi khám mắt ngay từ khi phát hiện ĐTĐ đối với bệnh nhân ĐTĐ týp 2 và sau 3-5 năm đối với bệnh nhân ĐTĐ týp 1. Sau đó khám định kỳ 1 năm 1 lần.
Biến chứng thần kinh
Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến hệ thần kinh như thế nào
Biến chứng thần kinh rất hay gặp ở bệnh nhân ĐTĐ, biểu hiện ở nhiều dạng khác nhau như biến chứng thần kinh ngoại vi và biến chứng thần kinh tự động. Các dạng tổn thương khác như liệt dây thần kinh sọ, teo cơ ít gặp hơn.
Các biểu hiện lâm sàng thường gặp khi có biến chứng thần kinh
– Tê bì, dị cảm, mất cảm giác, kiến bò ở hai chân.
– Nhịp tim nhanh khi nghỉ, chóng mặt khi thay đổi tư thế.
– Nuốt nghẹn, đầy bụng, ăn chậm tiêu, nôn, buồn nôn sau khi ăn.
– Rối loạn tiêu hoá, ỉa chảy kéo dài hoặc táo bón.
– Đái không hết bãi, đái khó hoặc bí đái.
– Rối loạn cương dương ở nam giới.
– Hạ đường huyết không có dấu hiệu cảnh báo.
Điều trị biến chứng thần kinh như thế nào
Một số thuốc thường chỉ định khi bệnh nhân có biến chứng thần kinh ngoại vi như thuốc chống trầm cảm ba vòng (amitriptilin), gabapentin (neurontin), pregabalin (lyrica)…
Ngoài ra còn một số thuốc điều trị triệu chứng khác như:
+ Thuốc chẹn beta giao cảm khi nhịp tim nhanh.
+ Thuốc chống táo bón như duphalac, thuốc chống nôn như metoclopromide (primperan), thuốc chống ỉa lỏng như smecta, motilium.
Tôi phòng biến chứng này bằng cách nào
Biến chứng thần kinh xuất hiện ở bệnh nhân không kiểm soát tốt đường máu, người mắc bệnh tiểu đường lâu năm, đặc biệt ở những bệnh nhân nghiện rượu. Vì vậy, để phòng bệnh, bạn cần phải kiểm soát tốt đường máu của mình.
Bệnh nhân có biến chứng thần kinh ngoại vi cần phải cắt móng chân đúng cách tránh làm tổn thương da.
Không nên ngâm chân nước nóng, sưởi ấm chân để tránh bỏng chân.
Bệnh nhân không nên đi chân đất, đi giày dép quá chặt và kiểm tra bàn chân hàng ngày để phát hiện sớm loét bàn chân, chai chân.
Đi khám bác sĩ chuyên khoa Nội tiết thường xuyên để được tư vấn cách bảo vệ chân, điều trị sớm các vết loét.
Biến chứng thận do bệnh tiểu đường
Biến chứng thận do bệnh tiểu đường chiếm gần 50% các trường hợp suy thận giai đoạn cuối, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở các bệnh nhân ĐTĐ.
Phát hiện biến chứng thận như thế nào
Biến chứng thận do ĐTĐ có thể được phát hiện sớm bằng làm xét nghiệm protein vi thể trong nước tiểu.
Khi tổn thương thận nặng hơn có thể phát hiện thấy protein đại thể trong nước tiểu.
Khi suy thận: phát hiện dễ dàng bằng các xét nghiệm chức năng thận như urê máu, creatinine máu.
Điều trị biến chứng thận như thế nào
– Chế độ ăn giảm đạm.
– Kiểm soát tốt HA < 130/80 mmHg.
– Một số thuốc hạ HA thường sử dụng khi có biến chứng thận:
+ Ức chế men chuyển (perindopril, enalapril… ),
+ Chẹn thụ thể angiotensin I (telmisartan, losartan…)
Biến chứng thận có phòng được không
Nên xét nghiệm protein niệu vi thể đối với bệnh nhân ĐTĐ týp 2 ngay từ khi chẩn đoán và ĐTĐ týp 1 sau 5 năm và kiểm tra lại định kỳ 1 năm/ 1 lần.
Kiểm soát tốt đường máu.
Kiểm soát tốt HA, đưa HA mục tiêu < 130/80 mmHg.
Điều trị rối loạn lipid máu.
Bệnh động mạch ngoại vi (ĐMNV)
Bệnh ĐMNV có thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường không
Đái tháo đường và hút thuốc lá là hai yếu tố chính gây ra bệnh ĐMNV. Đối với bệnh nhân ĐTĐ, nguy cơ mắc bệnh ĐMNV gia tăng cùng với tuổi, thời gian mắc bệnh và sự xuất hiện của biến chứng thần kinh ngoại vi.
Làm thế nào để phát hiện bệnh ĐMNV
Triệu chứng lâm sàng của bệnh ĐMNV gồm: đau cách hồi, đau khi nghỉ, nặng có thể dẫn tới tắc mạch chi gây hoại tử mô, thậm chí phải cắt cụt chi. Một số bệnh nhân có thể không có triệu chứng rõ rệt do có biến chứng thần kinh đi kèm.
Mạch ngoại vi yếu thậm chí mất mạch, rụng lông, thiểu dưỡng móng, da khô lạnh.
Một số xét nghiệm cận lâm sàng thường áp dụng để phát hiện bệnh ĐMNV: đo chỉ số cổ chân – cánh tay, siêu âm Doppler mạch chi, chụp cộng hưởng từ hoặc CT-scanner mạch chi dưới khi có chỉ định can thiệp mạch máu.
Điều trị bệnh ĐMNV như thế nào
Kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ như: huyết áp, lipid máu, cân nặng, bỏ thuốc lá…
Sử dụng thuốc chống ngưng tập tiểu cầu: clopidogrel hoặc aspirin.
Trường hợp tắc mạch: nong mạch, đặt stent, mổ lấy mảng xơ vữa hoặc mổ bắc cầu nối qua chỗ hẹp/ tắc.
Phòng bệnh ĐMNV như thế nào
Điều trị tích cực và kiểm soát chặt chẽ các yếu tố nguy cơ như: đường máu, THA, rối loạn lipid máu, bỏ thuốc lá.
Đo chỉ số cổ chân-cánh tay, siêu âm Doppler mạch chi định kỳ hàng năm.
Bệnh động mạch vành
Tổn thương động mạch vành ở bệnh nhân ĐTĐ có thể gặp ở người trẻ tuổi và có thể có những biểu hiện lâm sàng không điển hình. Nhồi máu cơ tim thường có tiên lượng xấu và hình ảnh tổn thương động mạch vành trên kết quả chụp mạch ở những bệnh nhân này thường nặng hơn so với các bệnh nhân không mắc ĐTĐ.
Làm thế nào để phát hiện biến chứng này
Bệnh nhân có triệu chứng đau thắt vùng ngực trái, nhiều bệnh nhân không có triệu chứng.
Điện tâm đồ: giúp chẩn đoán bệnh mạch vành và nhồi máu cơ tim.
Khi có nghi ngờ bệnh động mạch vành cần làm một số xét nghiệm như men tim (CK, CK-MB, Troponin T) để chẩn đoán.
Các bác sỹ CK tim mạch có thể chỉ định chụp mạch vành xác định chính xác các vị trí tổn thương và nong chỗ hẹp tắc.
Điều trị bệnh động mạch vành như thế nào
Khi bạn mắc bệnh động mạch vành, có thể bạn cần phải điều trị bằng các biện pháp như mổ bắc cầu nối, can thiệp động mạch vành qua da.
Một số thuốc chuyên khoa cần phải điều trị như thuốc hạ huyết áp, thuốc điều trị mỡ máu, thuốc chống ngưng tập tiểu cầu.
Ngoài ra, kiểm soát chặt chẽ đường máu chặt chẽ làm tăng khả năng cứu sống người bệnh.
Làm thế nào để phòng ngừa căn bệnh này
Kiểm soát tốt đường máu và các yếu tố nguy cơ tim mạch như huyết áp, rối loạn lipid máu, hút thuốc lá.
Điện tâm đồ nên được kiểm tra định kì hàng năm.
Tai biến mạch máu não
Bệnh tiểu đường làm gia tăng tỷ lệ mắc, tử vong, thường để lại di chứng nặng nề đối với các trường hợp bị tai biến mạch não. Ở bệnh nhân ĐTĐ, nhồi máu não, đặc biệt là nhồi máu ổ khuyết gặp nhiều hơn so với xuất huyết não.
Chẩn đoán bệnh tai biến mạch máu não (TBMMN) như thế nào
Bệnh nhân bị TBMMN thường có các triệu chứng lâm sàng: yếu hoặc liệt nửa người, rối loạn ý thức.
Chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp vi tính sọ não giúp chẩn đoán xác định tổn thương.
Siêu âm Doppler động mạch cảnh để phát hiện xơ vữa động mạch.
Tai biến mạch máu não được điều trị như thế nào
Bệnh nhân thường được uống một số loại thuốc chống ngưng tập tiểu cầu như aspirin hoặc clopidogrel (plavix) khi bị nhồi máu não.
Trường hợp xuất huyết não có thể được phẫu thuật lấy khối máu tụ hoặc dẫn lưu não thất.
Phẫu thuật cắt bỏ lớp áo trong động mạch cảnh khi xơ vữa động mạch mức độ nặng để ngăn ngừa nguy cơ mắc và tử vong do nhồi máu não gây ra.
Phòng bệnh TBMMN như thế nào
Tương tự như các biến chứng mạch máu lớn khác, các bệnh nhân cần phải được kiểm soát tốt đường máu và điều trị các yếu tố nguy cơ tim mạch như huyết áp, rối loạn lipid máu, hút thuốc lá…
Cẩm nang truyền thông các bệnh thường gặp – BV Bạch Mai