“Trẻ em như búp trên cành” đó là câu nói luôn đúng ngay cả trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Những ký ức tuổi thơ sẽ luôn theo trẻ, hình thành tính cách cho trẻ khi trưởng thành. Với những trẻ hàng ngày phải tiếp xúc với bạo hành khi lớn lên sẽ rất có thể trở thành một kẻ bạo hành. Vậy làm tổn thương tâm lý và tinh thần trẻ nhỏ là việc cần được ngăn chặn ngay khi còn chưa muộn.
Sau đây là một số câu hỏi và trò chơi giúp bạn tiếp cận được với các hoạt động ở lớp của trẻ và biết thêm nhiều hơn những suy nghĩ của trẻ, nhận biết trẻ có bị bạo hành ở lớp hay không.
Nếu trẻ đã biết nói:
1. Con ơi, mình chuẩn bị tới lớp rồi, con có muốn dặn mẹ điều gì không?
2. Ở lớp con thích trò chơi nào nhất?
3. Con hay ngồi học với bạn nào?
4. Cô giáo con yêu bạn nào nhất?…
5. Ở lớp cô có yêu con không?
6. Hôm nay ở lớp con được chơi trò chơi gì?
7. Hôm nay ở lớp các bạn ăn có ngoan không? Ai ăn nhanh nhất lớp?
8. Có bạn nào khóc nhè không?
9. Cô phạt các bạn như thế nào?
Hoặc trên đường về bạn có thể nói với trẻ: “hôm nay mẹ đi làm vui lắm, ở lớp con có vui không? con có thích các bạn và các cô không?”
Bố mẹ nên đặt các câu hỏi xung quanh vấn đề cần hỏi trẻ nghĩa là hỏi về các bạn khác chứ không hỏi thẳng vào các vấn đề của con. Như thế trẻ sẽ dễ “tâm sự” hơn vì có nhiều trẻ bị cô giáo đánh nhưng cô giáo dọa nên trẻ sẽ không dám nói thật. Nội dung câu hỏi cũng quan trọng nhưng không quan trọng bằng cách hỏi, thái độ vui tươi, hào hứng khi nói chuyện với trẻ sẽ giúp trẻ chia sẻ cởi mở hơn
Trong quá trình nói chuyện, bố mẹ cần quan sát thái độ, cử chỉ, hành động của con (cách này cũng phù hợp với trẻ chưa biết nói), nhất là lúc giao con cho cô giáo và đón con từ tay cô. Những trẻ bị bạo hành rất dễ nhận biết qua những biểu hiện như trẻ nép và bám chặt vào cha mẹ, không dám nhìn cô giáo, òa khóc chạy ôm mẹ khi mẹ tới đón, giật mình khi đêm ngủ, tự nhiên khóc thét lên, không thích đến chỗ đông người,…
Khi thấy con có những biểu hiện đó, bố mẹ cần “tâm sự” với con nhiều hơn, khơi chuyện khéo léo hơn để trẻ kể.
Bố mẹ cũng cần sắp xếp thời gian để nói chuyện trực tiếp với giáo viên, nói rõ những thất thường của con và hỏi cách cô giáo trách phạt các bạn trong lớp. Bằng các trao đổi này bố mẹ sẽ “bắt sóng” được thái độ, cử chỉ của cô, nếu thấy có gì đó bất thường bố mẹ nên tìm bằng chứng, trao đổi với nhà trường hoặc có phương án chuyển lớp, chuyển trường cho con.
Cuộc sống hiện đại kéo theo biết bao lo toan: về tiền bạc, công việc, địa vị… đã khiến nhiều bố mẹ nhãng đi việc quan tâm đến đời sống tinh thần của con cái. Họ chọn trường cho con rồi yên tâm gửi gắm hoàn toàn vào các cô, khi mọi việc vỡ lở thì sự ân hận muộn màng của cha mẹ đã khiến các con trẻ phải chịu biết bao thiệt thòi. Mỗi người lớn chúng ta phải chịu trách nhiệm về sự vô tâm này, hãy nhìn lại mình đừng đổ lỗi hoàn toàn cho nhà trường và các cô.
Benh.vn