Mỏi mệt, khó thở bất thường có thể là triệu chứng của nhược cơ. Nhược cơ (myasthenia disease) là bệnh tự miễn mắc phải của quá trình dẫn truyền xung động thần kinh – cơ. Mời bạn đọc cùng Benh.vn tìm hiểu về các triệu chứng và cách điều trị của căn bệnh này.
Mỏi mệt, khó thở bất thường có thể là triệu chứng của nhược cơ (Ảnh minh họa)
Triệu chứng
Bệnh nhược cơ ở người lớn thường gặp ở nữ nhiều hơn nam. Từ tuổi 15 đến 30, tỷ lệ nam/nữ là 3/1; độ tuổi 50 tỷ lệ nam nữ là ngang nhau.
Hiện tượng chóng mỏi, yếu cơ xảy ra khi gắng sức là triệu chứng chủ yếu của bệnh nhược cơ, và sẽ hết khi nghỉ ngơi. Triệu chứng này thay đổi trong ngày: nhẹ vào buổi sáng, gia tăng vào buổi chiều; thường gặp nhất là hiện tượng sụp mi và liệt các cơ vận nhãn, mức độ liệt từ nhẹ đến nặng, một bên hoặc hai bên, có khi không đối xứng. Khi ảnh hưởng các cơ ở thân, tứ chi, các cơ hô hấp gây khó thở và hạn chế vận động tứ chi.
Cơn nhược cơ có thể tiến triển nặng đột ngột, yếu cơ tăng lên nhanh, vật vã, đặc biệt xuất hiện rối loạn hô hấp, nếu không được cấp cứu kịp thời bệnh nhân sẽ tử vong.
Điều trị
Nguyên nhân gây nhược cơ hiện nay chưa rõ ràng, người ta cho rằng do bệnh tự miễn và do phì đại tuyến ức. Tùy thuộc vào nguyên nhân được xác định, bệnh nhân được chỉ định điều trị nội khoa (dùng thuốc) hay phẫu thuật.
Phẫu thuật tuyến ức thường áp dụng ở bệnh nhân nhược cơ tuổi từ 20 đến 60 có u tuyến ức. Tỷ lệ u tuyến ức trong bệnh nhược cơ chiếm 15%. Kết quả phẫu thuật tương đối khả quan nhưng điều trị hậu phẫu rất vất vả, vì vậy cần phải thực hiện ở những trung tâm có kinh nghiệm và hồi sức tốt. Sau khi điều trị phẫu thuật, bệnh nhân vẫn tiếp tục điều trị bằng Prednisolon liều trung bình, nhất là đối với các bệnh nhân trẻ tuổi.
Lời kết
Nhược cơ là một bệnh làm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống, thậm chí có nguy cơ gây tử vong khi bệnh ở giai đoạn nặng. Do đó khi có triệu chứng bất thường như sụp mi, yếu cơ, nói khàn, khó thở… bệnh nhân nên đi khám ở các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.