Trẻ sinh non gặp rất nhiều vấn đề đáng quan tâm hơn so với trẻ sinh đúng ngày. Vậy chúng ta cần theo dõi những gì ở trẻ để có thể đưa ra xử trí kịp thời ?
Mục lục
Theo dõi nhiệt độ
Đo bằng nhiệt kế trong những ngày đầu, mỗi 6 – 8 giờ hoặc khi nhiệt độ phòng thay đổi. Sau đó đo khi nghi ngờ nhiệt độ bé thay đổi. Bình thường nhiệt độ cơ thể có thể dao động từ 36 đến 370C.
Cách đo nhiệt độ phổ biến tại nhà là đo nhiệt độ ở nách trẻ
Bà mẹ chú ý rửa tay trước khi đo nhiệt độ cho bé.
Kiểm tra nhiệt kế trước khi đo: Cầm chặt nhiệt kế vẫy mạnh đến khi thấy vạch thủy ngân chạy xuống dưới mức 35 độ CĐặt nhiệt kế sâu vào nách trẻ, giữ tay trẻ sát vào thân liên tục trong ít nhất 3 phút.
Chú ý, đầu nhiệt kế phải tiếp xúc với da, không tiếp xúc với áo.Chờ cho đến khi có thể đọc được số. Đối với nhiệt kế thủy ngân thường có kết quả sau ít nhất 3 phút. Đối với nhiệt kế điện tử, sau khi đo xong, nhiệt kế có tiếng peep báo hiệu là có thể đọc được kết quả.
Đọc và xử trí kết quả:
Dưới 36 độ C
Nên ấp bé trong tư thế kangaroo liên tục
Nếu cần, đắp thêm khăn cho bé.
Sau 20 phút nên đo lại nhiệt độ, nếu thân nhiệt của trẻ còn thấp thì phải tư vấn nhân viên y tế
Trên 37 độ C
Nên tạo nhiệt độ phòng mát mẻ (bật quạt, mở cửa sổ, cửa lớn, có thể dùng máy lạnh nếu có)
Tránh đắp thêm khăn cho bé
Nếu đã làm như trên mà nhiệt độ vẫn chưa giảm đến mức mong muốn thì vẫn ấp bé ở tư thế kangaroo, nhưng để bé ra ngoài áo của người ấp nhằm giảm tiếp xúc da kề da
Trên 38 độ C:
Nên báo nhân viên y tế nếu bé còn trong viện, nếu bé ở nhà nên đưa bé đến khám tại cơ sở y tế gần nhất.
Theo dõi nhịp thở và cơn ngừng thở
Bình thường trẻ sơ sinh ở trạng thái yên tĩnh thở 30 – 60 lần /phút, cơn ngừng thở >15 giây là bất thường.
Theo dõi màu sắc da: hồng, vàng hay tím tái
+ Tím nhẹ: bé có biểu hiện thay đổi màu da quanh hốc mắt hoặc quanh môi: kiểm tra lại tư thế của bé có bị gập cổ, gập bụng không, đầu bé có được nâng cao chưa, có nghẹt đàm hay sữa trong miệng không, nếu có phải lấy sạch phần dịch trong miệng cho bé, xem bụng bé có căng trướng không?
+ Tím nặng: thay đổi màu da cả mặt và chân tay: xử trí như tình huống trẻ sặc sữa (xem phần cấp cứu sặc sữa)
Theo dõi phân:
Phân có màu hay có mùi gì khác thường không, số lần? Bình thường bé đi tiêu 1- 2 lần, đôi khi bé có thể đi 5 – 7 lần trong ngày. Tính chất phân: vàng sệt, có lẫn nước, đôi khi có mùi hơi chua khi trẻ bú mẹ.
Số lượng phân hàng ngày nhiều hay ít, nếu số lần và số lượng phân giảm so với những ngày trước phải massage bụng cho bé trước mỗi cữ bú để tránh tình trạng tắc phân trong ruột rất nguy hiểm. Nếu trẻ có dấu hiệu lừ đừ hoặc ăn ít hơn bình thường phải báo cho nhân viên y tế.
Theo dõi nước tiểu:
Nước tiểu thường trong hay vàng nhạt, bé tiểu 8 – 10 lần trong ngày.
Theo dõi cân nặng:
Hằng tuần ghi vào bảng theo dõi cân nặng để nhận biết trẻ tăng cân hay giảm cân.
Theo dõi chiều dài, vòng đầu mỗi tuần
Chiều dài: tăng 0,7cm /tuần, vòng đầu tăng 0,5cm/tuần