Vệ sinh miệng cho bé sau bú là cần thiết nhất là đối với các bé bú sữa ngoài . Vì nếu bé bị nấm tấn công làm tưa lưỡi hoặc nói cách khác là bị nấm miệng thì bé sẽ lười ăn, khó chịu … và có thể dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng hơn
Sự phát triển răng miệng của bé
Khi đứa trẻ sinh ra trong miệng của bé chưa có 1 chiếc răng nào, nướu (lợi) răng còn mềm. Vào khoảng 3 tháng tuổi, nướu răng của bé bắt đầu cứng dần, sau đó có màu đỏ và phồng lên, và khoảng 6 – 8 tháng tuổi sẽ có một chấm trắng xuất hiện đánh dấu vị trí chiếc răng đầu tiên xuất hiện.
Tuy nhiên cũng có những trường hợp bé mới 1 – 2 tháng tuổi, trên vùng nướu răng của bé có những nốt nhỏ nhô lên mà dân gian gọi là nanh sữa, màu sắc bình thường, không đau. Đây không phải là hiện tượng mọc răng.
Trong quá trình hình thành xương ở răng (xương sẽ bao xung quanh răng khi mọc ra) và mô nướu có thể tạo ra những nốt nhô, nó không gây trở ngại trong ăn uống của bé. Đến tuổi mọc răng những nốt nhô này có thể sẽ mất đi và thay vào đó và các răng sữa.
Đối với các bé bú sữa ngoài thì việc vệ sinh răng miệng sau bữa ăn là vô cùng quan trọng vì nếu bé bị nấm tấn công làm tưa lưỡi hoặc nói cách khác là bị nấm miệng thì bé sẽ lười ăn, khó chịu …
Vệ sinh miệng cho bé
– Cho bé uống 1 – 2 thìa nhỏ nước sạch sau khi bú.
– Dùng khăn xô sạch thấm nước lọc lau nhẹ ở nướu và lưỡi sau khi bú nhất là ở vùng có nanh sữa, không nên lau sâu vào vùng đáy lưỡi sẽ gây kích thích co bóp các cơ ở hầu họng làm cho trẻ bị nôn nhất là lúc vừa ăn no.
Có thể làm sạch phía trong lưỡi lúc bé bụng đói, không được cho bé nằm ngửa lúc vệ sinh miệng để tránh chất nôn chảy ngược vào khí quản gây nguy hiểm.