Theo công nghệ cấy ghép hiện đại, mới đây một bệnh nhân người Áo 54 tuổi đã được lắp chân giả chứa thiết bị cảm biến siêu nhỏ, gửi tần số lên não mỗi khi bước đi khiến anh có cảm giác như thật.
Mục lục
Theo Telegraph, anh Rangger là người đầu tiên được lắp loại chi giả có khả năng mô phỏng những cảm giác hệt chi thật. Chi giả do giáo sư Hubert Egger, đại học Linz, Áo, phát triển.
Rangger cụt chân phải năm 2007 vì tắc động mạch chân sau cơn đột quỵ não. Anh được phẫu thuật lắp chi giả hồi tháng 10/2014. Trải qua 6 tháng luyện tập và làm quen với cái chân mới, Rangger đã ra mắt công chúng chiếc chân giả mới vào hôm qua (8/6) tại Vienna, Áo.
Quy trình lắp chân giả
Để chuẩn bị gắn chân giả, đầu tiên, bác sĩ phải mổ lấy đầu mút thần kinh từ mỏm chi cụt nối với mô lành ở đùi, đặt chúng sát bề mặt da để nuôi các sợi thần kinh này. Sau đó, 6 cảm biến được gắn với đế chân giả, nối với các dây kích thích bên trong phễu chứa mỏm cụt.
Bàn chân giả của anh Rangger đã mang lại cảm giác không khác gì chân thật
Rangger chia sẻ “Cảm giác giống như được tái sinh lần nữa vậy,” “Tôi cảm thấy mình lại có chân một lần nữa. Tôi không còn bị trượt chân, thậm chí biết được mình đang đi trên sỏi, bê tông, cỏ hay cát. Tôi có thể cảm nhận tất cả những viên đá dăm nữa.”
Rangger, giờ đây có thể chạy bộ, đạp xe hay leo núi. Khi anh di chuyển, hầu như mọi người không thấy anh đi khập khiễng. Mỗi lần bước đi, các thiết bị cảm biến sẽ gửi sóng tới não.Mẫu chân giả do giáo sư Egger thiết kế có giá 11-34.000 USD.
Giáo sư Egger cho biết “Ở chân lành, các thụ thể lớp da gan bàn chân làm chức năng này. Tuy nhiên, ở người cụt chi, các dây thần kinh này vẫn tồn tại, có chăng chúng ngừng hoạt động vì không được kích thích”.”Cảm biến báo cho não biết đây là bàn chân, để lại cảm giác cho người lắp chân giả rằng bàn chân đang lướt trên mặt đất khi anh ấy bước đi.”
Tìm hiểu tâm lý để kết nối với “dữ liệu” đã mất
Giáo sư Egger chỉ ra, “nỗi đau ma” xuất hiện vì não trở nên nhạy cảm hơn để tìm kiếm thông tin về cái chi bị cắt cụt.
“Thêm vào đó, cắt cụt chi thường gắn với một kỷ niệm đau thương như tai nạn, hoặc bệnh tật. Do đó, trí não luôn giữ những ký ức đau đớn này,” ông nói. Ưu điểm của “chân giả như thật” là một lần nữa, bộ não tìm lại được dữ liệu đã mất, và ngừng cuộc tìm kiếm cái chân đã mất.
Kỹ thuật lắp chân giả như thật giúp người bệnh tự tin, tái hòa nhập vào xã hội
“Rangger bây giờ khác hẳn so với hồi tôi gặp năm 2012,” giáo sư Egger chia sẻ “Lúc đó, tôi bị ấn tượng vì anh ấy không bao giờ cười, hai mắt thâm quầng. Nhìn anh trông thật khủng khiếp.”
Cái chân mới hồi phục rất nhanh sau phẫu thuật nối ghép, không để lại biến chứng gì, điều này rất quan trọng “Nguy cơ lớn nhất là không nối các dây thần kinh đúng cách, và không hồi phục được giác quan.”
Mở ra cánh cửa hy vọng
Giáo sư Egger hy vọng, với công nghệ mới này, những công ty nhỏ sẽ cùng liên kết thực hiện để góp phần hạ giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, giáo sư còn có tâm niệm “Những người bị cụt chi không phải là bệnh nhân đúng nghĩa. Họ không ốm đau, họ chỉ đơn giản là mất đi chân tay,” Vì vậy “Bằng cách trả lại họ sự linh hoạt, họ có thể lấy lại tự tin và độc lập, tái hòa nhập vào xã hội. Đó là mục đích để tôi làm việc.”
Trong sự nghiệp của mình, giáo sư Egger là người có rất nhiều phát minh gây chú ý trong giới khoa học. Năm 2010, ông đã giới thiệu với thế giới một cánh tay giả điều khiển bằng suy nghĩ rồi lại đến chân giả có cảm giác như thật nào năm 2015.
Vì vậy, trong tương lai có thể giáo sư còn phát kiến ra nhiều các bộ phận thay thế mới để bù lấp cho những người không may bị hỏng hoặc mất các bộ phận trên cơ thể…
Hải Yến