Theo thông tin từ bệnh viện Bạch Mai và một số bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội, thời gian gần đây tỷ lệ trẻ em nhập viện do ngộ độc thuốc cam ngày càng gia tăng.
Tình trạng ngộ độc thuốc cam trở nên đáng lo ngại
Ngộ độc chì có trong các loại thuốc nam
Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận nhiều trường hợp trẻ nhập viện trong tình trạng sốt cao, co giật, tím tái, trong đó có nhiều bé đã mãi mãi ra đi… do bố mẹ tự ý mua thuốc cam trôi nổi trên thị trường.
Phần lớn các bệnh nhân ngộ độc chì đều liên quan tới việc sử dụng các loại thuốc nam, thuốc cam nhằm tẩm bổ, chữa lở loét, chữa tiêu chảy, chữa các bệnh nan y do tập quán sử dụng các loại thuốc cam để kích thích trẻ ăn uống, tẩm bổ đang rất phổ biến tại các miền quê. Nhiều gia đình khi thấy con lười ăn, tiêu chảy… là cho dùng thuốc cam để bé hay ăn, chóng lớn, tránh sài đẹn…
Thuốc cam chứa chì được bán trên thị trường.
Biểu hiện nhiễm độc chì
Trẻ bị nhiễm độc chì thường có những biểu hiện rất đa dạng từ cấp tính (dễ nhận biết) đến mạn tính (không điển hình). Về thần kinh trẻ có biểu hiện tăng kích thích, co giật, ngủ lịm từng lúc, hôn mê, liệt. Khi ngộ độc chì mãn, trẻ có biểu hiện như: chậm phát triển nhận thức, tinh thần, giảm khả năng nghe, thái độ hành vi kỳ dị, ít chơi, mệt mỏi, khó chịu, vô cảm, mất phối hợp, mất các kỹ năng học được, học kém. Ngoài ra ngộ độc chì cũng gây biểu hiện nôn, đau bụng, chán ăn, da xanh xao, cơ thể gầy yếu do thiếu máu…
Ý kiến của chuyên gia
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai
Để giải thích vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai cho biết “Ngộ độc chì do thuốc cam rất phổ biến bởi người dân vẫn có thói quen dùng thuốc cam không rõ nguồn gốc để bồi bổ cho trẻ tăng cân, chữa bệnh đi ngoài. Đối với những trẻ nhỏ khi bị nhiễm chì có thể gây tổn thương não, ảnh hưởng đến hệ thần kinh dẫn đến những di chứng như chậm phát triển trí tuệ, co giật, mù, liệt vĩnh viễn…”
Theo TS Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm chống độc
Theo TS Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm chống độc “Chì là một chất cực độc đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em, nhất là trong trường hợp ngộ độc chì cấp tính bởi chì khó thải loại, vào cơ thể chì theo máu đến các cơ quan: gan, thận, não, tủy xương, dây thần kinh… khiến trẻ đau bụng, thiếu máu, suy nhược cơ bắp, suy thận, liệt chi, liệt mắt, mất tiếng nói, sau đó co giật từng cơn, có thể nhầm với bệnh động kinh. Nếu không được điều trị, trẻ dễ hôn mê và tử vong”.
Theo Trung tâm chống độc- BV Bạch Mai
Theo thống kê của Trung tâm chống độc, tại BV Bạch Mai từ tháng 01/ 2013 đến nay đã có 797 bệnh nhân đến khám, trong đó có 179 trẻ em ngộ độc chì. Vì vậy, Bộ y tế khuyến cáo người dân không nên tự ý mua và sử dụng thuốc cam trôi nổi trên thị trường cho trẻ nhỏ để bảo vệ sức khỏe cho con em mình và tránh những hậu quả đáng tiếc do thiếu hiểu biết của cha mẹ gây nên.
Benh.vn (tổng hợp)