Trong bản tin này chúng tôi muốn chia sẻ với các anh chị không phải một câu chuyện cụ thể mà là cảm nghĩ của một thành viên trong Ban Điều hành khi vào Bệnh viện K:
“Bên ngoài khung cửa sổ của một phòng bệnh là bầu trời xanh ngắt, nắng vàng rực, lá bàng non xanh mướt bóng mượt đầy sức sống, đối nghịch hẳn với không khí âm u, ngột ngạt đông người trong một không gian quá hẹp so với số lượng bệnh nhân cùng người nhà nằm đứng ngồi xen kẽ. Sự ngột ngạt không phải chỉ do bầu không khí nóng bức giữa chiều hè tháng 6 mà nó ngột ngạt bởi cả sự căng thẳng của những người mang bệnh hiểm nghèo cùng sự mệt mỏi đau đớn kéo dài và tuyệt vọng… Bên ngoài hành lang phòng bệnh, lượng người và không khí oi nồng không giảm đi chút nào. Trong vòng có 15 phút, tôi choáng váng vì những câu hỏi không ngớt của bệnh nhân lẫn người nhà đặt ra cho một vị bác sỹ đang đi thăm khám bệnh. Rất nhiều câu hỏi được lặp đi lặp lại có phần hơi “ngớ ngẩn” và vị bác sỹ kia vẫn kiên nhẫn trả lời cho dù cũng không được vui vẻ lắm (nếu là tôi chắc chắn tôi đã cáu lắm rồi)… Thế mới thấy khâm phục các bác sỹ y tá nhà mình phải làm việc trong một môi trường mà chỉ mới nói đến khía cạnh cơ sở vật chất đã thấy khắc nghiệt gấp nhiều lần so với những người làm việc trong văn phòng điều hòa trung tâm mát lạnh. Tôi có khá nhiều bạn bè thân thiết là bác sỹ giỏi cỡ Trưởng phó khoa trở lên. Khi gặp họ, tôi chỉ thấy họ toát lên sự thành đạt khá giả, vui vẻ và yêu nghề chứ chưa bao giờ thấy họ phàn nàn về những khó khăn vất vả mà họ phải đối mặt hàng ngày. Điều quan trọng nhất mà tôi nhận ra là niềm đam mê của mỗi bác sỹ y tá. Nếu họ không có niềm đam mê nghề nghiệp và y đức, thử hỏi sao họ có thể miệt mài học tập suốt 6 năm đại học vất vả, rồi 3 năm nội trú, rồi mấy năm tu học nâng cao và cả đời học tập để là niềm hy vọng, là vị cứu tinh của những người bệnh… Trong khi đó số người đi làm điều hòa mát lạnh như tôi mấy ai có niềm đam mê nghề nghiệp hay đa phần đi làm chỉ để lĩnh lương, để kiếm sống, để đầu óc đỡ tụt hậu và đơn giản hơn nữa là đi làm để không bị người khác coi thường. Cũng may mà tôi nhận ra điều này khi chưa quá muộn, nên tận đáy lòng tôi rất cảm phục những con người tất tả trong tà áo trắng đi thăm khám bệnh nhân, miệt mài từng trang sách dầy đặc chữ tây bất kể khối não không còn nhanh nhạy như thời 18, đôi mươi…Và từ đó tôi thực sự thấy mình thật may mắn…”
….. Còn đây là cảm xúc của một nhà tài trợ trong Dự án đã từng có thời gian chăm sóc người nhà bị bệnh ung thư trong Bệnh viện:
“Vào viện K lúc nào cũng đầy ắp cảm xúc. Tôi cũng có những lúc muốn viết ra nhưng cuối cùng là không thể vì lại chạm lại nỗi đau. Mỗi khi đứng ở cửa sổ phòng làm việc bên Hà Nội Tower nhìn sang Bệnh viện K, tôi lại thấy thấm thía đó là 2 thế giới. Hai thế giới thực tồn tại cách nhau một con đường Hai Bà Trưng. Bên này là phòng điều hòa, là thơm tho, là nhẹ nhàng, là nhàn tản, bên kia là chật chội, là nóng nực, là tuyệt vọng, là cái chết. Bên này thì một bữa trưa là cả trăm nghìn, bên kia, người ta xếp hàng chờ từng tấm phiếu để được một bữa trưa từ thiện, hy vọng có sức để chịu được hóa trị và xạ trị. Bữa cơm trưa thừa của lũ trẻ trường Tây bên này đường được gom lại và mang sang bên kia cho những bệnh nhân được chọn lọc nhất để thỏa mãn tiêu chí nghèo mới được chia. Cả đến bác sĩ, họ khó lòng tồn tại nếu không thực sự yêu nghề. Những việc mà Đồng Cảm đang làm đã giúp mang hai thế giới này gần lại với nhau hơn”.
Xin cảm ơn các anh chị đã dành thời gian đọc Bản tin. Chúc các anh chị cùng gia đình vui khỏe.
Đồng Cảm