I. Dịch tễ học
Tần xuất của viêm âm đạo không rõ, có thể do đây là tình trạng bệnh nhẹ, có thể tự chẩn đoán và tự điều trị, nên đã có một số đáng kể trường hợp không được ghi nhận.
Trong các nguyên nhân, viêm âm đạo do nấm men Candida (albican hay non-albican), trùng roi Trichomonas vaginalis và tạp trùng (bacterial vaginosis) là nguyên nhân thường gặp nhất, có thể đạt 90% các trường hợp viêm âm đạo. Riêng nguyên nhân trùng roi chiếm 10-25% các trường hợp viêm âm đạo. Hàng năm, có khoảng 180 triệu phụ nữ trên thế giới có thể bị nhiễm trùng roi. Trùng roi còn được xem là một tác nhân lây bệnh qua đường tình dục, là phương tiện lây truyền các bệnh STD khác, cũng như gia tăng khả năng nhiễm HIV.(3,12)
II. Giải phẫu – Sinh lý
Âm đạo có cấu trúc là ống cơ – sợi, lót bởi lớp niêm mạc là biểu mô lát tầng không sừng hóa. Các tế bào bề mặt của biểu mô có chứa nhiều glycogen. Lớp biểu mô chịu ảnh hưởng tình trạng nội tiết sinh dục.
Đây là phần tiếp nối từ cổ tử cung đến âm hộ, tạo sự thông suốt liên tục của đường sinh dục.
Không có cấu trúc tuyến thuộc âm đạo, tuy nhiên có một số tuyến ảnh hưởng đến chức năng sinh lý của âm đạo: tuyến cổ tử cung ở đầu nguồn, tuyến Bartholin, tuyến Skene, tuyến mồ hôi ở vùng âm hộ – cuối nguồn.
Dịch tiết âm đạo bao gồm: dịch tiết từ lòng tử cung, cổ tử cung và các tuyến vùng âm hộ, các tế bào bề mặt bị bong tróc của biểu mô âm đạo, phần dịch thẩm thấu từ các lớp phía dưới biểu mô lát niêm mạc âm đạo. Thành phần của dịch tiết âm đạo phụ thuộc nhiều vào tình trạng nội tiết sinh dục.
Môi trường âm đạo không phải là môi trường vô trùng, trái lại, trung bình có khoảng 6 loại vi trùng khác nhau, với đa số là vi trùng kỵ khí, trong đó đáng kể là nhóm Lactobacili. Trong quá trình chuyển hóa, nhóm vi khuẩn này sử dụng glycogen của lớp tế bào bề mặt âm đạo tạo thành acid lactic và tạo nên môi trường acid cho âm đạo. Đồng thời, chủng vi trùng này còn tạo ra H2O2, là một tác nhân diệt trùng và làm tăng độ acid của âm đạo. Các chủng vi khuẩn trong âm đạo sống chung một cách hòa bình và không gây tác hại cho âm đạo. Khi mối cân bằng giữa các nhóm vi khuẩn bị phá vỡ, viêm nhiễm âm đạo sẽ dễ xảy ra.
Độ pH trung bình của âm đạo phụ thuộc vào tuổi và tình trạng nội tiết sinh dục. Nếu ở trẻ chưa hành kinh, pH âm đạo là 7, thì ở phụ nữ trong tuổi sinh sản pH dao động 4-5, phụ nữ mãn kinh sẽ có pH âm đạo 6-7 (14). Độ pH âm đạo tạo điều kiện thuận lợi cho sự cân bằng vi trùng thường trú âm đạo. Sự thay đổi vi trùng thường trú, đặc biệt là Lactobacili và sự thay đổi pH âm đạo là nguyên nhân hay điều kiện thuận lợi cho tình trạng viêm nhiễm âm đạo.
Biến động chủng vi trùng thường trú, đặc biệt là nhóm lactobacili có ảnh hưởng đáng kể đến pH âm đạo và tình trạng viêm nhiễm âm đạo.