Trong kho tàng các cây dược liệu quý ở Việt Nam, cây đương quy là một loại dược liệu được ví ngang với nhân sâm bởi có nhiều công dụng tốt đối với sức khỏe con người. Vậy cây đương quy có tác dụng như thế nào? Người bệnh cần lưu ý gì khi sử dụng để đạt hiệu quả tốt nhất. Hãy cùng benh.vn tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Mục lục
- 1 Đặc điểm của cây thảo dược đương quy
- 2 Công dụng của cây đương quy theo Đông y
- 3 Công dụng của đương quy theo Tây y
- 4 Một số bài thuốc chữa bệnh bằng cây đương quy
- 4.1 Bài thuốc 1: Chữa các bệnh phụ khoa ở phụ nữ
- 4.2 Bài thuốc 2: Phụ nữ bị mất máu do tổn thương, băng huyết
- 4.3 Bài thuốc 3: Chữa bệnh răng miệng, chảy máu môi miệng sưng đau
- 4.4 Bài thuốc 4: Chữa sốt rét kéo dài
- 4.5 Bài thuốc 5: Chữa mồ hôi trộm
- 4.6 Bài thuốc 6: Chữa huyết nhiệt, táo bón
- 4.7 Bài thuốc 7: Chữa mất ngủ
- 4.8 Bài thuốc 8: Chữa viêm tuyến tiền liệt
- 4.9 Bài thuốc 9: Chữa động mạch vành
- 4.10 Bài thuốc 10: Nâng cao thể trạng, giúp ăn ngon, chữa mất ngủ, mệt mỏi
- 5 Các món ăn từ cây đương quy giúp bồi bổ sức không thể bỏ qua
- 6 Những lưu ý khi sử dụng cây đương quy để đạt hiệu quả
- 7 Một số lưu ý khi sử dụng cây đương quy
Đặc điểm của cây thảo dược đương quy
Đương quy có tên gọi khác là tần quy, vân quy, xuyên quy, nhân sâm cho phụ nữ. Tên khoa học là Angelica sinensis, thuộc họ hoa tán (Apiaceae).
Cây đương quy có nguồn gốc từ Trung Quốc được đưa về trồng ở Việt Nam từ những năm 60, cây thích ứng với khí hậu mát ẩm, thường phát triển ở các vùng núi có độ cao từ 2000 – 3000m. Tại Việt Nam cây được trồng nhiều ở các tỉnh, thành phố như: Lào Cai, Hòa Bình, Lai Châu và Đà Lạt…
Đặc điểm thực vật của cây đương quy
Đương quy là một loại cây nhỏ, sống lâu năm, cao khoảng 40 đến 80 cm. Thân cây có rãnh dọc, màu tím, hình trụ.
Rễ của cây đương quy hình trụ, dài 17 – 30cm, đường kính 2 – 3cm, được phân thành nhiều nhánh trong đó gồm 2 – 10 rễ cấp 1 và nhiều rễ phụ. Cuống lá có màu tím nhạt, có bẹ, thường mọc so le nhau. Đương quy có 3 đôi lá chét mọc từ to đến nhỏ, các lá chét sau lại xẻ thêm 1 – 2 lần, đôi lá chét cuối hầu như không có cuống. Mép khía răng, không có lông, thuộc lá kép. Cuống lá mọc thành bẹ bao lấy thân cây.
Cây đương quy thường ra hoa vào thời điểm mùa hè. Hoa đương quy có màu trắng hoặc hơi tím. Hoa hình tán kép gồm có 12 – 40 hoa, chiều dài tán 5 – 8cm. Các cấp cành nở hoa thường cách nhau từ 4 – 6 ngày và thường nở vào tháng 3 – 4. Quả bế đôi, có rìa màu tím nhạt, có hình thuôn dài khoảng 4 – 5 mm, hẹp dần về phía gốc. Tâm bì có gân, có 4 – 5 ống dẫn ở phần lưng, 4 chiếc ở mặt bụng. Đương quy ra quả vào tháng 6 – 7.
Thành phần hóa học của cây đương quy
Bộ phận dùng: Bộ phận dùng chủ yếu của cây đương quy chủ yếu là phần củ và rễ cây. Thành phần hóa học của cây đương quy bao gồm: 0,2 –0,4% tinh dầu, Acid hữu cơ, Coumarin, Polyacetylen, Polysachrid, Acid amin, Sterol, Vitamin B1,B12,E, Brefeldin. Một số nguyên tố vi lượng khác: Nhôm, đồng, kẽm, canxi, crom, magie…
Công dụng của cây đương quy theo Đông y
Theo Đông y, cây đương quy hơi cay, mùi thơm, có vị ngọt, tính ôn, quy vào 3 kinh: Can, Tỳ, Tâm. Các bộ phận trên cây đương quy đều có tác dụng chữa bệnh. Theo Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân: quy đầu có công dụng chỉ huyết, quy thân có công dụng bổ huyết, quy vĩ có công dụng hoạt huyết hóa ứ, còn khi dùng toàn quy lại có công dụng hòa huyết, vừa bổ huyết vừa hoạt huyết.
Đồng thời, đương quy có công dụng điều huyết thông kinh, bổ huyết hoạt huyết, nhuận táo hoạt trường. Chủ trị chứng tâm can huyết hư, đau kinh, tắt kinh, kinh nguyệt không đều, các bệnh thai tiền sản hậu, tổn thương do té ngã, đau tê chân tay (tý thống ma mộc), chứng huyết hư trường táo kiêm trị khái suyễn, nhọt lở loét (ung thư sang thương).
Công dụng của đương quy theo Tây y
Cây đương quy là một loại thảo dược có nhiều công dụng trong việc hỗ trợ điều trị một số bệnh như: chữa bệnh thiếu máu, rối loạn kinh nguyệt, người có khí và huyết kém, mệt mỏi, da xanh xao, trị viêm tiền liệt tuyến, trị các chứng xuất huyết, mồ hôi trộm, mất ngủ, bệnh động mạch vành, huyết nhiệt, táo bón…
Cây đương quy chữa bệnh thiếu máu, suy nhược cơ thể
Thiếu máu là tình trạng bất thường của các hồng cầu, bẩm sinh hoặc mắc phải, hay triệu chứng của một số bệnh không phải bệnh về máu. Khi thiếu máu, khối lượng hồng cầu trong máu giảm, trị số hemoglobin dưới 12 g/dl ở bệnh nhân nữ và dưới 13,5 g/dl ở bệnh nhân nam.
Người thiếu máu não thường có các triệu chứng như: nhức đầu, khó thở, choáng váng, đau ngực, mệt mỏi, giảm tập trung, giảm trí nhớ, nhức mỏi cơ xương khớp, ăn uống kém, rối loạn tiêu hóa… Bên cạnh các phương pháp điều trị, việc sử dụng đương quy góp phần bổ máu giúp hồi phục sức khỏe, tăng cường hệ miễn dịch, làm da hồng hào tươi trẻ, giảm tình trạng mệt mỏi, đau đầu.
Cây đương quy chữa huyết áp thấp và các triệu chứng tim mạch
Huyết áp thấp là bệnh mà chỉ số huyết áp nhỏ hơn 100 mmHg, thường là thấp hơn 90/60 mmHG trong khi chỉ số huyết áp của người bình thường là 120/80 mmHg.
Người bị bệnh tim mạch thường có các triệu chứng như: Khó thở, cảm giác bị đè nặng trong ngực, đau tức ngực. Cơ thể bị tích nước, mặt, bàn chân căng phù. Thường xuyên mệt mỏi, kiệt sức. Ho dai dẳng, khò khè. Chán ăn, buồn nôn. Đi tiểu đêm. Nhịp tim nhanh, mạch không đều. Thở nhanh, lo lắng, lòng bàn tay đổ mồ hôi. Chóng mặt, ngất xỉu. Đương quy có tác dụng hỗ trợ điều hòa huyết áp, làm dãn động mạch vành, tăng lưu lượng máu động mạch vành, giảm tiêu hao oxy cơ tim, giúp ổn định nhịp tim và hạ lipid huyết.
Cây đương quy hỗ trợ điều trị rối loạn kinh nguyệt, kinh nguyệt ít, bế kinh, đau bụng kinh ở phụ nữ
Kinh nguyệt không đều phản ánh tình trạng sức khỏe của người phụ nữ và ảnh hưởng trực tiếp đến tâm sinh lí cũng như sức khỏe sinh sản. Triệu chứng rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ bao gồm: Chu kỳ kinh quá ngắn hoặc quá dài, lượng kinh nguyệt quá nhiều hoặc quá ít, kinh nguyệt thưa, kinh nguyệt không theo quy luật tự nhiên,… kinh nguyệt giữa kỳ kinh cũng là một triệu chứng rối loạn kinh nguyệt. Đương quy có tác dụng điều hòa kinh nguyệt, ức chế sự co cơ của tử cung, làm giãn nghỉ sự căng của tử cung, trực tiếp làm cho mỗi kỳ kinh nguyệt không còn đau, lưu thông khí huyết, giảm các triệu chứng của bệnh gây ra.
Cây đương quy hỗ trợ điều trị phong thấp, đau xương khớp
Bệnh phong thấp, hay tê thấp, là chứng bệnh làm đau nhức, sưng đỏ các khớp xương, bắp thịt và một số cơ quan khác trong cơ thể. Đặc biệt là làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cột sống, tim, hệ thần kinh… nếu không được điều trị kịp thời. Đương quy với các hoạt chất có tác dụng hỗ trợ giảm đau nhức khớp xương, tê bì chân tay, do phong thấp, thoái hóa khớp, hạn chế cho người bệnh sử dụng bằng thuốc Tây.
Ngoài ra, đương quy còn có tác dụng trong việc điều trị các bệnh như táo bón, chữa mất ngủ, nhức đầu, ngủ hay mê, phụ nữ mang thai bị đau bụng…
Một số bài thuốc chữa bệnh bằng cây đương quy
Cây đương quy có tác dụng trong việc điều trị một số bệnh như: các bệnh phụ khoa ở phụ nữ, táo bón, huyết áp thấp, xương khớp. Sau đây là các bài thuốc từ cây đương quy.
Bài thuốc 1: Chữa các bệnh phụ khoa ở phụ nữ
– Phụ nữ gặp tình trạng rối loạn kinh nguyệt
Nguyên liệu: 13g thục địa, 11g đương quy, 5g xuyên khung, 9g bạch thược.
Cách thực hiện: Cho các nguyên liệu trên trộn lẫn với nhau, sau đó cho vào ấm sắc với 1000ml cho đến khi còn lại 500ml nước tắt bếp, uống 2 lần/ngày (trưa và tối).
– Phụ nữ sau sinh
Nguyên liệu: 7g xuyên khung, 15g đương quy, 13g thục địa, 3g gừng khô, 11g ích mẫu thảo, 9g đậu đen sao, 9g bạch thược, 7g ngưu tất, 7g trạch lan, 9g bồ hoàn.
Cách thực hiện: Cho các nguyên liệu trộn lẫn với nhau, sắc với 1000ml, cho đến khi còn lại 500ml nước tắt bếp đem uống, uống 1 lần/ngày vào buổi sáng.
– Vô sinh hiếm muộn ở nữ giới
Nguyên liệu: 13g đỗ trọng, 13g địa hoàng, 15g đương quy, 13g thược dược, 7g bạch giao, 9g tục đoạn.
Cách thực hiện: Các nguyên liệu trên trộn lẫn vào nhau, sau đó cho vào ấm sắc với 1000ml nước cho khi còn lại 500ml tắt bếp đem ra uống, uống 3 lần/ngày (sáng, trưa, tối).
Bài thuốc 2: Phụ nữ bị mất máu do tổn thương, băng huyết
Nguyên liệu: 50g xuyên khung, 70g đương quy, 1 bát rượu trắng.
Cách thực hiện: Các nguyên liệu trên trộn lẫn với nhau, sau đó cho vào ấm sắc với 1000ml nước cùng với 1 bát rượu trắng. Đun đến khi còn lại 500ml đem uống, uống 3 lần/ngày (sáng, trưa, tối).
Bài thuốc 3: Chữa bệnh răng miệng, chảy máu môi miệng sưng đau
Nguyên liệu: 1,7g sinh địa, 1,5g đương quy, 1,3g hoàng liên, 3g thăng ma, 1,1g mẫu đơn. Trong trường hợp đau nhiều có thể dùng thêm thạch nha.
Cách thực hiện: Các nguyên liệu trên trộn lẫn với nhau, sau đó sắc với 1000ml nước, đun đến khi còn lại 500ml đem uống, chia thuốc thành 3 phần, uống 3 lần/ngày (sáng, trưa, tối).
Bài thuốc 4: Chữa sốt rét kéo dài
Nguyên liệu: 11g đương quy, 13g miết giáp, 11g ngưu tất, 4 lát gừng sống, 5g quất hồng bì.
Cách thực hiện: Các nguyên liệu được trộn lẫn với nhau, sau đó sắc với 1000ml nước, đun đến khi còn lại 500ml nước tắt bếp, chia thành 2 phần, uống 2 lần/ngày (trưa, tối) sau ăn.
Bài thuốc 5: Chữa mồ hôi trộm
Nguyên liệu: 11g đương quy, 11g hoàng kỳ, 9g sinh địa, 9g thục địa, 5g hoàng liên, 5g hoàng cầm, 5g hoàng bá.
Cách thực hiện: Cho các nguyên liệu trên trộn lẫn với nhau, cho vào ấm sắc với 1000ml nước, cho đến khi còn lại 500ml nước tắt bếp, chia thành 2 phần, uống 2 lần/ngày, (sáng, tối).
Bài thuốc 6: Chữa huyết nhiệt, táo bón
Nguyên liệu: 5g đương quy, 3g đại hoàng, 3g thục địa, 3g đào nhân, 3g cam thảo, 4g sinh địa, 0,5g hồng hoa, 2g thăng ma.
Cách thực hiện: Cho các nguyên liệu trên trộn lẫn với nhau, cho vào ấm sắc với 1000ml, đun đến khi còn lại 500ml tắt bếp, chia thành 3 phần, uống 3 lần/ngày còn nóng (sáng, trưa, tối).
Bài thuốc 7: Chữa mất ngủ
Nguyên liệu: 18g đương quy, 13g liên nhục, 13g thục địa, 5g nhân sâm, 11g bạch thược, 5g phục thần, 5g mẫu đơn, 5g đơn sâm, 12 hạt ngũ vị, 9g cao quy bản, 5g a giao.
Cách thực hiện: Các nguyên liệu trên trộn lẫn với nhau, cho vào ấm sắc với 1000ml, cho đến khi còn lại 500ml, uống thay nước trong ngày, không để thuốc qua đêm.
Bài thuốc 8: Chữa viêm tuyến tiền liệt
Nguyên liệu: 14g đương quy, 13g hạt vải, 14g hạt quýt, 60g thịt dê.
Cách thực hiện: Đem nguyên liệu nấu với 500 ml nước, đun đến khi thịt dê mềm, dễ ăn. Người bệnh uống nước cốt của món ăn, tuy nhiên thịt dê chỉ được ăn 2 lần/1 tuần.
Bài thuốc 9: Chữa động mạch vành
Nguyên liệu: 12g đương quy, 12g ngó sen, 5g rễ hành, 980g sơn tra.
Cách thực hiện: Cho các nguyên liệu trên trộn lẫn với nhau, cho vào ấm sắc với 1000ml, đun đến khi còn lại 500ml tắt bếp, chia thành 3 phần, uống 3 lần/ngày còn nóng (sáng, trưa, tối).
Bài thuốc 10: Nâng cao thể trạng, giúp ăn ngon, chữa mất ngủ, mệt mỏi
Nguyên liệu: Đẳng sâm, hoàng kỳ, bạch truật, đương quy mỗi thứ 60g và 5 lít rượu trắng.
Cách thực hiện: Cho các nguyên liệu trộn lẫn với nhau cho vào bình thủy tinh và đổ rượu vào ngâm trong vòng 3 tháng sử dụng được, trước bữa uống một ly nhỏ.
Các món ăn từ cây đương quy giúp bồi bổ sức không thể bỏ qua
Không chỉ kết hợp cùng với các thảo dược khác, cây đương quy còn được kết hợp thực phẩm để chế biến các món ăn giúp bồi bổ sức khoẻ. Dưới đây là các món ăn kết hợp với đương quy.
Thịt gà ác hầm đương quy
Nguyên liệu: 1 con gà ác, 300 – 500g đường quy, hành, muối, gừng, hạt tiêu.
Cách thực hiện: Cho gà đã được làm sạch vào nồi áp suất đồng thời cho các nguyên liệu vào, đậy nắp kín. Đun trong khoảng 1 tiếng cho đến khi gà nhừ và thưởng thức.
Công dụng: Thịt gà hầm đương quy giúp bổ khí bổ huyết, nhuận vị, dưỡng can, tăng cường sức khỏe cho người mới ốm dậy, sau phẫu thuật.
Tim heo hầm đương quy
Nguyên liệu: 1 quả tim lợn, 200g đương quy tươi, 30g đẳng sâm, rượu, gừng, gia vị, hành.
Cách thực hiện: Tim sau khi làm sạch để ráo nước, sau đó nhồi đương quy, đẳng sâm vào trong quả tim. Tiếp theo đặt tim lợn vào nồi rắc gừng, hành, tỏi lên trên. Đổ rượu vào đem hấp cách thủy cho đến khi tim heo chín, thêm gia vị khi ăn.
Công dụng: Món tim heo hầm đương quy tác dụng bồi bổ cơ thể, chữa bệnh mất ngủ, tiểu đường.
Đương quy tươi hầm với móng giò, bí đỏ
Nguyên liệu: 1 cây đương quy tươi, 300g bí đỏ, 1 chiếc chân giò, gia vị các loại.
Cách thực hiện: Đương quy rửa sạch thái đốt, móng giò rửa sạch luộc xơ qua sau đó rửa sạch. Bí đỏ rửa sạch thái khúc. Sau đó cho các nguyên liệu trên vào nồi, hầm cho đến khi chân giò chín mềm. Khi ăn cho thêm gia vị và hành lá.
Công dụng: Bồi bổ sức khỏe, ích não dưỡng khí, tăng cường sức khỏe cho người mới ốm dậy.
Những lưu ý khi sử dụng cây đương quy để đạt hiệu quả
Cây đương quy là một loại thảo dược có vị ngọt, hơi đắng, hơi cay, mùi thơm, tính ấm, trong quá trình sử dụng để phát huy hiệu quả của nguồn thảo dược này cần lưu ý những vấn đề sau:
Cây đương quy dùng dạng nào tốt nhất?
Việc sử dụng cây đương quy ở dạng nào là tốt nhất trong quá trình điều trị bệnh là điều quan tâm, thắc mắc của rất nhiều người khi sử dụng. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, để phát huy các tác dụng bổ dưỡng của cây đương quy người bệnh nên sử dụng ở các dạng sau:
– Dùng tươi thái lát.
– Nghiền thành bột xay nhuyễn.
– Ngâm rượu.
– Trà túi lọc, dầu xoa bóp, viên nang bột dược liệu
Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng tùy theo thể trạng, tình trạng bệnh, người bệnh có những liều lượng khác nhau, cần hướng dẫn, tư vấn của bác sĩ nếu sử dụng trong thời gian dài.
Cách bảo quản đương quy để sử dụng lâu dài như thế nào?
Đương quy là một loại thảo dược quý, trong quá trình sử dụng cần phải được sơ chế và bảo quản đúng cách để tránh tình trạng bị hỏng không phát huy được tối ưu nhưng công dụng tuyệt vời.
Trong quá trình thu hái phải để cẩn thận tránh tình trạng bị dập nát, quá trình rửa với nước nên nhẹ nhàng và để ráo nước. Đương quy có thể được chế biến bằng cách phơi khô, sấy, ngâm rượu. Đối với những loại đương quy sấy khô nên bảo quản trong túi ni lông, bọc thành nhiều lần để nơi khô ráo, tránh chỗ ẩm ướt. Đương quy rất dễ bị mốc, mọt cho nên kiểm tra thường xuyên để đánh giá độ ẩm mốc, mọt, sử dụng đến đâu gói kỹ lại đến đó.
Một số lưu ý khi sử dụng cây đương quy
Cây đương quy có tác dụng phụ khi sử dụng không?
Trong quá trình sử dụng đương quy gây triệu chứng chán ăn, đầy hơi, huyết áp thấp, co thắt, rối loạn tiêu hóa. Ngoài ra còn gây kích ứng da, rối loạn cương dương và gây nguy cơ viêm da khi tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng trong thời gian dài.
Trong các trường hợp nguy cấp, người bệnh dùng đương quy còn phải đối mặt với tình trạng xuất huyết nếu vô hình sử dụng đương quy chung với các thuốc chống đông.
Bởi vậy, để giảm thiểu tối đa những tác dụng phụ có thể gặp phải, bạn nên tham khảo và tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ để có hướng dẫn sử dụng phù hợp, hiệu quả.
Những đối tượng nào cần lưu ý khi sử dụng cây đương quy?
– Phụ nữ mang thai: sử dụng quá liều sẽ gây sảy thai, co bóp tử cung gây sinh nôn.
– Phụ nữ đang cho con bú: đương quy có trong sữa mẹ sẽ khiến bé dễ mắc các bệnh về tiêu hóa, rối loạn đường ruột.
– Người mắc bệnh về đường tiêu hóa, rối loạn về máu: Đương quy khiến cho hệ tiêu hóa càng thêm rối loạn, gây dị ứng, mẩn ngứa.
– Không sử dụng đương quy với thuốc chống đông máu: Kết hợp đương quy với các loại thuốc trên sẽ khiến kéo dài thời gian đông máu, gây nguy hại đến tính mạng người dùng.
Trên đây là toàn bộ thông tin về cây đương quy, hy vọng những chia sẻ trên sẽ giúp mọi người nắm được những thông tin cần thiết về dược liệu quý này để sử dụng một cách hiệu quả nhất trong quá trình điều trị bệnh.