Cây sen là loài cây rất quen thuộc đối với người Việt, các bộ phận như hạt sen, tâm sen, lá sen, ngó sen… đều có tác dụng trong việc hỗ trợ điều trị một số bệnh. Việc nắm rõ thông tin về loại cây này, giúp người bệnh sử dụng an toàn và hiệu quả nhất.
Mục lục
- 1 Đặc điểm tổng quan của cây sen
- 2 Cây sen dùng làm thuốc theo Đông Y và Tây Y
- 3 Một số bài thuốc từ cây sen đơn giản, hiệu quả
- 3.1 Bài thuốc số 1: Cây sen điều trị tiêu hóa kém ở trẻ em, hay đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy phân sống
- 3.2 Bài thuốc số 2: Cây sen chữa chứng suy nhược cơ thể ở người có bệnh đường hô hấp, viêm phế quản mãn tính, lao.
- 3.3 Bài thuốc số 3: Cây sen chữa chứng hồi hộp, đau lưng, mỏi gối, kém ăn, ngủ ít
- 3.4 Bài thuốc số 4: Cây sen trị chứng lao phổi ho ra máu hoặc khi nôn ra máu
- 3.5 Bài thuốc số 5: Cây sen hỗ trợ điều trị bệnh béo phì
- 4 Một số món ăn chế biến từ cây sen ngon, bổ, dễ làm
- 5 Nhưng lưu ý khi sử dụng Sen
- 6 Cách bảo quản hạt sen để sử dụng lâu dài
Các bộ phận trên cây sen đều có thể dùng làm thuốc trị bệnh
Đặc điểm tổng quan của cây sen
Chúng ta thường thấy cây sen mọc ở vùng đầm lầy nhiều khu vực trên toàn quốc đặc biệt những vùng có khí hậu nhiệt đới. Đặc điểm của Sen cũng khác nhiều với các loại thực vật khác nên khá dễ nhận biết.
Cây sen được trồng ở khu vực nào
Cây sen còn có tên gọi khác là cây liên hoa, cây bông sen. Tên khoa học là Nelumbo nucifera, thuộc họ Sen (Nelumbonaceae).
Cây sen có nguồn gốc xuất từ Ấn Độ, Châu Á. Tại Việt Nam cây sen được trồng khắp các tỉnh thành trong cả nước, một số nơi trồng nhiều như: Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp,…
Đặc điểm của cây sen
Cây sen thuộc loại cây thủy sinh, sống lâu năm thân rễ mọc sâu dưới bùn chiều dài rễ tới 4m. Thân rễ gọi là ngó sen, ngó màu trắng, hình ống, bên trong có nhiều lỗ khí tạo thành những rãnh, ngó sen có chồi mầm mọc ở đầu ngọn.
Lá sen màu xanh, hình tròn, mọc trên cuống dài, trên cuống có nhiều gai nhỏ, chiều dài cuống khoảng 1,5 m, nổi rõ gân.
Hoa sen có màu trắng, hồng, đỏ, vàng, mọc trên những cuống dài như lá, cuống hoa có gai như cuống lá. Các cánh hoa ôm lấy lớp nhị vàng và đế hoa. Đế hoa chứa nhiều hạt, trong hạt có lá mầm và tâm sen.
Củ sen màu nâu vàng, được hình thành bởi thân rễ phình to, có hình dùi trống.
Tại Việt Nam, cây sen được phân ra thành một số loại như: hoa sen hồng (tên khoa học: Nelumbo nucifera), hoa sen trắng (tên khoa học Nelumbo lutea, còn gọi là sen Mỹ hay sen vàng), hoa sen xanh (tên khoa học là Nymphaeacaerulea).
Thành phần hóa học của cây sen
Bộ phận dùng: tất cả các bộ phận của cây sen đều được làm thuốc. Thành phần hóa học của cây sen bao gồm các hoạt chất sau.
Lá sen: có chứa các hoạt chất như anonain,pronuxiferin, N-nornuxiferin, liriodenin, D.N.metylcoclaurin, roemerin, nuxiferin và O.nornuxiferin. Ngoài ra, còn chứa rất nhiều ancaloit, vitamin C, axit xitric, axit tactric, axit oxalic, axit succinic.
Tâm sen: có chứa asparagin và ancaloit( 0.06%).
Ngó sen (Liên ngẫu): có chứa asparagin 2% acginin, trigonelin, tyrocin, ete photphoric, glucoza, vitamin C.
Hạt sen (Thạch liên tử ): có chứa nhiều tinh bột, trigonelin, đường, protit 16.6%, chất béo 2%, cacbonhydrat 62%. canxi 0.089%, photo 0.285%, sắt (Fe) 0.0064%.
Gương sen (Liên phòng): có chứa protit 4.9%, chất vé 0.6%, cacbon hydrat 9% carotin 0.00002%, nuclein 0.00009%, vitamin C 0.017%.
Nhị sen (Liên tu): có chứa tanin và một số hoạt chất khác.
Cây sen dùng làm thuốc theo Đông Y và Tây Y
Các bộ phận trên cây sen từ lá sen, hoa sen, tâm sen, hạt sen… đều được sử dụng, nghiên cứu làm thuốc trong Đông Y từ nhiều năm nay và trong Tây Y gần đây. Không chỉ có hiệu quả trong hỗ trợ điều trị bệnh, một số hoạt chất trong Sen đã được chiết xuất để chế tạo các loại thuốc điều trị bệnh hiệu quả, an toàn.
Công dụng của cây sen theo Đông y
Hạt sen: có vị ngọt tính bình. Có tác dụng bồi bổ cơ thể, chữa di tinh, mộng tinh, mất ngủ, suy nhược thần kinh, tiêu hóa kém.
Tâm sen: có vị đắng tính hàn. Công dụng ức chế dục tính, nên dùng chữa di tinh, an thai. Giảm co bóp ruột nên làm giảm đau bụng. Chữa tim hồi hộp, mộng tinh, mất ngủ, huyết áp cao.
Ngó sen: có vị ngọt, tính mát. Có tác dụng cầm máu, thanh nhiệt giải độc. Thường dùng chữa sốt cao, chảy máu (đi ngoài ra máu, tiểu tiện ra máu, nôn ra máu, rong kinh).
Gương sen: có vị đắng, chát, tính mát. Có tác dụng cầm máu. Thường dùng chữa đại tiểu tiện ra máu, đới hạ.
Lá sen: có vị đắng, tính bình, có tác dụng cầm máu. Thường dùng để điều trị chứng bệnh: Thử thấp tiết tả, thủy chỉ phù thũng, nôn ra máu, chảy máu cam, băng huyết, đi lỵ ra máu. Theo kinh nghiệm dân gian: Lá sen còn có tác dụng hạ mỡ máu, chữa đau đầu, xơ vữa mạch máu, đái đường, hạ huyết áp cao.
Nhị sen: có vị đắng mát, tính lương, tác dụng cầm máu. Thường dùng chữa các chứng bệnh: Băng huyết, thổ huyết, di mộng tinh, mất ngủ, thần kinh suy nhược, táo bón, bí đại tiểu tiện, đau đầu, điều hòa huyết áp, chứng ngực sườn đầy tức.
Công dụng của cây sen theo Tây y
Cây sen giúp bảo vệ tim, ngăn ngừa đột quỵ
Trong củ sen, lá sen, tâm sen có chứa: vitamin nhóm B, natri kali, giúp bảo vệ tim, tránh các cơn đau thắt ngực, kiểm soát sự tiết mồ hôi của cơ thể, điều hòa nhịp tim và huyết áp ở mức ổn định, kiểm soát cường độ homocysteine trong máu.
Cây sen giúp tinh thần thoải mái, minh mẫn, cải thiện tâm trạng
Trong củ sen, lá sen, tâm sen có chứa: vitamin B có tác dụng điều chỉnh và xoa dịu các triệu chứng khó chịu như: căng thẳng, đau đầu, stress, suy nhược thần kinh, tạo cảm giác thoải mái, vui vẻ.
Cây sen giúp ngăn ngừa táo bón
Trong củ sen, lá sen, tâm sen có chứa Cellulose là chất xơ không hòa tan có tác giúp làm sạch ruột, phòng ngừa táo bón, kích thích ruột và làm mềm phân. Đồng thời, trong củ sen có chứa nhiều vitamin C, vitamin nhóm B, chất xơ, khoáng chất và chất điện giải làm giảm tình trạng táo báo, khó tiêu, tốt cho tiêu hóa, tăng khả năng hấp thụ dưỡng chất.
Cây sen giúp giải độc gan, chữa xuất huyết
Trong củ sen, lá sen, tâm sen chứa tanin có tác dụng cải thiện các bệnh lý về gan như bệnh phì đại gan và bệnh gan nhiễm mỡ, thanh nhiệt, giải độc giúp gan khỏe mạnh hoạt động tốt. Đặc biệt trong củ sen có chứa nhiều tinh bột, protein, aspartic, vitamin C… có tác dụng làm giảm các triệu chứng như: xuất huyết đường tiêu hóa, xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, cầm máu.
Cây sen hỗ trợ điều trị mất ngủ
Trong củ sen, lá sen, tâm sen có nhiều khoáng chất như: kẽm, mangan, magie, sắt, đồng có tác dụng trong việc điều trị mất ngủ, khó ngủ, đặc biệt ở người cao tuổi và suy nhược, trầm cảm, làm việc căng thẳng.
Cây sen giúp bổ máu
Trong củ sen cũng chứa nhiều sắt và đồng. Những chất này giúp cơ thể sản xuất bào hồng cầu, ngăn chặn các triệu chứng thiếu máu, tăng cường sức sống và lưu lượng máu trong cơ thể.
Cây sen giúp điều hòa huyết áp
Trong củ sen, lá sen, tâm sen có chứa hàm lượng lớn kali giúp cân bằng huyết áp, giảm sự co lại và xơ cứng mạch máu, tăng lưu lượng máu và làm giảm sự chèn ép trong hệ thống tim mạch, làm giảm các triệu chứng như: đau đầu dữ dội, hoa mắt, chóng mặt, đau tức ngực…
Cây sen giúp hỗ trợ giảm cân hiệu quả
Trong củ sen, lá sen, tâm sen chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ, không chứa nhiều calo có tác dụng điều hòa các nhu động ruột rất tốt , hỗ trợ hệ tiêu hóa, giảm cảm giác thèm ăn phòng chống béo phì. Do vậy, phù hợp với những người đang ăn kiêng để giảm cân.
Một số bài thuốc từ cây sen đơn giản, hiệu quả
Có nhiều bài thuốc trong Đông Y rất đơn giản mà có hiệu quả tốt cho bệnh lý từ tiêu hóa tới thần kinh. Bạn đọc có thể tham khảo để chăm sóc sức khỏe cho gia đình bằng các bài thuốc từ Sen.
Bài thuốc số 1: Cây sen điều trị tiêu hóa kém ở trẻ em, hay đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy phân sống
Nguyên liệu: hạt sen 14g, bạch truật: 12g, gừng nướng 3 lát, bạch phục linh 6g, nhân sâm 4g, đại táo 4 quả, thục địa 4g, cam thảo (trích) 3g.
Cách thực hiện: Cho các nguyên liệu trên vào ấm sắc với 1500ml nước cho đến khi còn lại 1000 ml nước, lấy ra uống ngày uống 3 lần sau bữa ăn .
Bài thuốc số 2: Cây sen chữa chứng suy nhược cơ thể ở người có bệnh đường hô hấp, viêm phế quản mãn tính, lao.
Nguyên liệu: Tâm sen 10g, Ngũ vị tử 12g, Đại táo 4 quả, Đan bì 12g, Quy bản 12g, Y dĩ 12g, Mạch môn 12g, Sinh địa 12g, Cát cánh 10g, Bạch thược 12g, Trần bì 10g, Đẳng sâm 12g, cam thảo 6 g.
Cách thực hiện: Cho các nguyên liệu trên vào ấm sắc với 2000ml nước cho đến khi còn lại 1000 ml nước, lấy ra uống ngày uống 3 lần sau bữa ăn .
Bài thuốc số 3: Cây sen chữa chứng hồi hộp, đau lưng, mỏi gối, kém ăn, ngủ ít
Nguyên liệu: Hạt sen: 12g, trạch tả: 8g, liên nhục 8g, phụ tử chế 8g, Hoài sơn 18g, Táo nhân 8g, Thục địa 12g, Ngục quế 6g.
Cách thực hiện: Cho các nguyên liệu trên vào ấm sắc với 1500ml nước cho đến khi còn lại 1000 ml nước, lấy ra uống ngày uống 3 lần sau bữa ăn .
Bài thuốc số 4: Cây sen trị chứng lao phổi ho ra máu hoặc khi nôn ra máu
Nguyên liệu: Ngó sen 25g, cỏ nhọ nồi 25g, bạch cập 18g, trắc bách diệp tươi 18g.
Cách thực hiện: Các nguyên liệu trên trộn lẫn với nhau nghiền thành bột mịn, mỗi ngày uống 10g pha với nước ấm ngày 3 lần.
Bài thuốc số 5: Cây sen hỗ trợ điều trị bệnh béo phì
Nguyên liệu: Lá sen tươi 2g hoặc lá sen khô 20g
Cách thực hiện: Cho lá sen vào ấm sắc với 1000ml nước uống thay nước lọc hàng ngày.
Một số món ăn chế biến từ cây sen ngon, bổ, dễ làm
Những tưởng Sen chỉ để làm đẹp hoặc để làm thuốc, thực tế Sen có thể dùng để chế biến món ăn rất ngon và đặc trưng. Các món như cá hấp lá sen, cốm gói lá sen, gà nướng sen, cá nướng sen, ngó sen nộm… đều là đặc sản của nhiều vùng miền trên toàn quốc mà ai cũng nên thưởng thức ít nhất 1 lần trong đời.
Món ăn 1: Cơm hấp lá sen
Nguyên liệu: Tôm tươi, Hạt sen tươi, Đậu Hà Lan, Cà rốt, Nấm hương: vài cái. Gia vị, dầu ăn, hành khô… Gạo ngon vừa ăn tùy số lượng người
Cách thực hiện: Tất cả các thành phần này rửa sạch, thái hạt lựu và trộn cùng với nhau và nêm nếm gia vị vừa ăn. Cho vào lá sen buộc túm đầu và hấp cách thủy. Khi ăn, cắt đầu buộc là lá sen ra.
Món ăn 2: Nộm ngó sen tai heo
Nguyên liệu: Ngó sen tươi, Cà rốt, Dưa chuột, Tai heo. Lạc rang, rau kinh giới, rau mùi. Nước mắm, đường, dấm hoặc chanh tươi.
Cách thực hiện: Tai heo rửa sạch và cho nồi nước luộc chín cùng một thìa gia vị. Khi tai heo nguội thái thành miếng dài mỏng vừa ăn.
Ngó sen rửa sạch cắt khúc, dưa chuột rửa sạch bỏ hạt và cắt lát, bào sợi cà rốt. Rau thơm, kinh giới, rau mùi rửa sạch thái khúc.
Pha nước trộn: Dùng nước mắm, giấm, đường với tỉ lệ: 1:2:1 vào bát và khuấy đều thành hỗn hợp chua ngọt, có thể cắt thêm ớt nếu ăn cay.
Cho tất cả các nguyên liệu (trừ rau) vào âu to và rưới nước trộn đã làm trộn đều để khoảng 5-7 phút ngấm đều, sau đó cho lạc, rau thơm trộn đều bày ra đĩa.
Món ăn 3: Củ sen muối
Nguyên liệu: Su hào: 1 củ to hoặc 2 củ nhỏ. Cà rốt: 1 củ to hoặc 2 củ nhỏ. Dưa chuột: 2 quả. Củ sen: 1 củ. Ớt sừng: 2-3 quả; gừng: 1 củ, 1 muỗng cà phê muối, 1 bát nhỏ mắm, 1 thìa đường; 1 thìa dấm ăn
Cách thực hiện:
Củ sen gọt vỏ rửa sạch cắt lát ngâm nước muối pha loãng cho ra nhựa. Sau đó vớt ra và chần sơ củ sen trong nước nóng. Bước này giúp củ sen hết nhựa đen và nhớt.
Cà rốt, su hào, dưa chuột gọt vỏ và thái con chì. Ớt sừng và gừng rửa sạch đem xay nhuyễn hoặc thái mỏng.
Trộn đều củ quả với muối. Tiếp tục thêm mắm, giấm, đường vào bát rau củ, trộn đều và cuối cùng cho ớt, gừng vào trộn để rau củ ngấm gia vị.
Cho hỗn hợp vào hũ, đậy kín, rau củ sau khi trộn có thể ăn ngay hoặc để 1-2 ngày cho chua hơn ăn càng ngon.
Món ăn 4: Cá điêu hồng nướng lá sen
Nguyên liệu: Cá điêu hồng (1con), tỏi băm, hành tím băm nhỏ, Sa tế, muối, bột nêm, tiêu, lá sen
Cách thực hiện: Cá diêu hồng làm sạch và dùng dao khứa dọc thân cá rồi cho gia vị vào ướp. Sau khi ướp dùng lá sen bọc kín cá lại và nướng trên than hồng. Chị em nội trợ có thể nướng bằng lò nướng. Khi lá sen cháy xém bên ngoài là cá có thể ăn được.
Món ăn 5: Ngó sen xào tôm
Nguyên liệu: Ngó sen, tôm sú, hành lá, mùi tàu. Gia vị: Muối, đường, hạt nêm
Cách thực hiện: Ngó Sen cắt thành khúc vừa ăn, rửa sạch ngâm với nước cho thêm tí chanh để ngó Sen được trắng. Tôm bóc vỏ và xẻ dọc sống lưng bỏ hết chỉ đen. Tỏi băm phi thơm và cho tôm vào xào trên lửa lớn, khi tôm đã săn lại cho ngó sen vào xào chín tới và nêm gia vị vừa ăn. Sau đó bày ra đĩa.
Nhưng lưu ý khi sử dụng Sen
Dù cây sen tự nhiên tương đối an toàn, một số đối tượng không nên sử dụng sen vì tác dụng không mong muốn. Và cũng tùy thuộc từng bộ phận sen mà có độ an toàn khác nhau, hãy cùng tham khảo.
Sử dụng cây sen gây tác dụng phụ như thế nào?
Hạt sen, củ sen, tâm sen, lá sen có tình bình, không độc cho nên không gây tác dụng phụ. Tuy nhiên việc ăn quá nhiều hạt sen có thể gặp một số vấn đề như: gây táo bón, đầy bụng, khó tiêu bởi hạt sen chứa nhiều chất dinh dưỡng việc sử dụng quá nhiều sẽ gây tác dụng phụ.
Việc sử dụng quá nhiều hạt sen còn gây mệt mỏi, rối loạn nhịp tim, suy giảm trí nhớ và giảm ham muốn tình dục ở cả nam và nữ. Do vậy, người sử dụng không nên ăn quá 2g/ ngày, không dùng liên tục trong vòng 1 tuần. Sau khi sử dụng vài ngày, tạm nghỉ để cơ thể có thời gian hấp thụ sau đó tiếp tục sử dụng tiếp.
Những đối tượng nào cần lưu ý khi sử dụng cây sen
Không sử dụng lá sen cho phụ nữ có thai và cho con bú.
Không sử dụng lá sen khi phụ trong thời kỳ hành kinh .
Những người mắc chứng bệnh tim mạch không nên sử dụng tâm sen.
Những đối tượng nam giới yếu sinh lý không nên sử dụng tâm sen.
Cách bảo quản hạt sen để sử dụng lâu dài
Vì Sen chỉ có mùa hè, mùa thu Sen tàn và mùa đông ngủ đông chỉ còn phần củ sen, hay còn gọi là ngó sen. Cho nên, để sử dụng Sen quanh năm cần có cách bảo quản cho phù hợp, chống nấm mốc mà vẫn giữ được dược chất, hương vị thơm ngon, nhất là phần hạt sen.
Phơi khô hạt sen
Sau khi mua hạt sen tươi về, bạn tách vỏ xanh bỏ và giữ lại phần hạt sen màu trắng bên trong. Tiếp theo, bạn hãy dùng dao cắt bỏ một ít 2 phần đầu của thân hạt sen rồi nhẹ nhàng khía dọc hạt, dùng tăm để lấy tâm sen ra sau đó đem phơi khô cho vào túi nilon bọc kín sử dụng đến đâu gói chặt đến đó để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh chỗ ẩm ướt.
Hạt sen tươi để đông đá
Sau khi tách vỏ bạn cần chia nhỏ hạt sen thành từng phần cho mỗi lần sử dụng, sau đó cho vào hộp nhựa sạch, bỏ vào ngăn đông (ngăn đá) của tủ lạnh.
Cách rã đông hạt sen tươi khi dùng:
Khi cần sử dụng, bạn lấy từng phần sen đã cho vào hộp trước đó để rã đông bằng nước ấm. Nếu không dùng cách này, bạn có thể hấp lại hạt sen rồi có thể chế biến lại tùy ý.
Cách bảo quản hạt sen trên không chỉ giúp hạt sen tươi không hỏng còn giữ nguyên toàn bộ chất dinh dưỡng có trong hạt sen. Khi dùng, sẽ thấy hạt sen vẫn có độ dẻo, mềm, thơm ngon.
Cây sen có nhiều công dụng trong việc điều trị bệnh, hy vọng những chia sẻ trên sẽ giúp mọi người nắm được những thông tin cần thiết về loại thảo dược này trong quá trình sử dụng cũng như biết cách sử dụng để đạt hiệu quả chữa bệnh tốt nhất.