Mục lục
Các bậc cha mẹ thường bị cuốn vào còng xoay cơm áo gạo tiền mà dành ít thời gian quan tâm đến con. Hoặc họ có một cách quan tâm vô tình làm cho con trở nên ích kỉ. Đọc bài viết để xem bạn có ở trong đó không ?
Câu chuyện thứ nhất
Vừa mua cho cậu con trai 7 tuổi chiếc xe đạp địa hình, chị Toan vừa dặn dò: “Xe này đắt tiền lắm đấy, đi xong thì nhớ cất ngay vào nhà, đừng có cho đứa nào mượn, nghe chưa”.
Dù rất khá giả nhưng vốn tính tiết kiệm, mỗi khi mua đồ gì cho con, chị Toan (Cầu Giấy, Hà Nội) thường phải dặn đi dặn lại cậu bé phải giữ gìn cẩn thận, nhất là không được cho hay để bạn mượn. Không biết có phải vì vậy không mà ngay từ nhỏ cu Hiếu – con trai chị đã biết giữ rịt đồ của mình, từ đồ chơi, đồ ăn, đến dụng cụ học tập.
Tới giờ, khi con trai đã lên lớp 2, chị Toan không còn tự hào vì con “bé tí đã biết giữ đồ” mà lại đâm lo khi thấy con thường bị các bạn, cả ở lớp cũng như trong khu phố, tẩy chay vì tính này. Bên cạnh đó, không chỉ với bạn bè cùng lứa mà ngay cả với mọi người trong gia đình, Hiếu cũng không bao giờ san sẻ những thứ của mình: cái bánh đã là của Hiếu thì không được ai đụng tới, cái đùi gà dành riêng cho Hiếu thì đừng ai được ăn, dù có em bé nhà chú đến chơi…
Câu chuyện thứ hai
Có cô con gái kháu khỉnh, hoạt bát, được nhiều người khen, nhưng chị Hương, Thanh Xuân, Hà Nội vẫn buồn khi thấy con không biết quan tâm đến người khác.
Chị Hương cho biết, nhà toàn cháu trai nên từ khi chị sinh Nhím – cô cháu gái duy nhất – bé được nuông chiều vô cùng. Nhà có miếng ngon gì cũng phần cho cô bé. Bà nội thì suốt ngày vỗ về, ôm bế, rồi lấy nước, bón cơm, mặc đồ… cho cháu dù cô bé đã sắp bước vào lớp một.
Cũng vì thế Nhím hay mè nheo, đòi hỏi và ít khi để ý đến người khác. Mấy hôm trước, bà nội bị bệnh phải vào viện mổ khiến cả nhà lo lắng nhưng Nhím vẫn tỉnh bơ, rồi khi bà ra viện về nhà, thay vì đến hỏi han, Nhím lại đòi được bà lấy nước, pha sữa, và bón cơm cho mình ăn như mọi khi. Lúc bị mẹ mắng “bà đang mệt, con tự làm lấy mọi việc đi” thì Nhím tỏ vẻ giận dỗi rồi bỏ sang phòng khác, không quan tâm gì tới bà nữa.
“Có người nhà ở quê ra con bé cũng cứ dửng dưng, mẹ nhắc thì chào qua loa cho xong việc. Bố mẹ hay ông bà có bị ốm, mệt con cũng chẳng bao giờ biết hỏi han hay lấy cho ngụm nước. Nhiều khi mình thấy lo quá, không biết tại sao con lại thành như thế”, chị Hương thổ lộ.
Câu chuyện thứ ba
Gửi thư về tòa soạn gần đây, một độc giả kể rằng cô cháu gái 5 tuổi của chị chẳng biết quan tâm đến ai và thường tỏ ra rất dửng dưng mỗi khi bắt gặp những bạn bị ngã, bị đau. Với người nhà, cháu cũng biểu lộ như vậy. Không chỉ thế, cả người cháu học lớp 5 của chị cũng vậy. Chị chưa khi nào thấy cháu băn khoăn, lo lắng hay thốt lên một lời thương cảm cho những đứa trẻ có hoàn cảnh khổ cực, éo le hơn mình, dù bố mẹ cháu cũng thường nhắc cháu phải biết chia sẻ và biết yêu thương những người khác, những số phận không may mắn bằng mình.
“Qua tiếp xúc với nhiều trẻ em ở thành phố, tôi thấy tâm lý đó không chỉ có ở riêng cháu tôi mà còn có ở nhiều em bé khác. Tôi không hiểu đây là do tâm lý trẻ thơ hay đó là sự vô cảm, lạnh lùng của những trẻ con sống trong sung sướng”, độc giả này bày tỏ.
Chúng ta rút ra điều gì ?
Nhà giáo Đặng Thị Lệ Thủy, giám đốc Trung tâm bồi dưỡng kỹ năng sống Smile’s House cho biết, rất nhiều người lớn phàn nàn rằng trẻ em hiện nay sống thiếu tình cảm và ích kỷ hơn, nhất là các em ở thành thị. Điều này là có thực, tuy nhiên, đó không phải là lỗi của trẻ.
Theo nhà giáo, ở thành phố, nhiều nơi, nhà nào biết nhà nấy, không quan tâm đến mọi người xung quanh, cũng ít có thời gian để giao lưu với nhau vì ai cũng quá bận rộn. Tuy nhiên, đây không phải là lý do chính. Đôi khi chính bố mẹ đã vô tình biến con thành người sống ích kỷ, vô tâm mà không biết. Như trường hợp đầu tiên, việc người mẹ dạy con giữ đồ vô tình khiến trẻ không muốn chia sẻ với ai cái gì.
Những em bé được chiều chuộng, cung phụng quá thường cũng sẽ chỉ biết đến bản thân và coi tất cả mọi điều mình được hưởng là đương nhiên, không quan tâm đến người khác. Hay nhiều khi, việc bố mẹ quá lạm dụng lời khen với con cũng khiến trẻ tự phụ về bản thân và không muốn ai hơn mình, sinh tính ích kỷ, coi thường người khác.
Chia sẻ trên một diễn đàn nuôi dạy con trên mạng, một mẹ có nick Nhimtrang tâm sự, cô con gái 4 tuổi của chị ở khá ngoan nhưng mỗi tội lúc nào bé cũng muốn phải được cho là nhất, chỉ cần bố mẹ khen bạn khác giỏi hơn là khóc nhè ngay. Đồ chơi hay cái gì của bé là bé dùng chứ không bao giờ chia sẻ cho bạn bè. Nhiều lúc thấy mẹ mặc váy bé còn bắt mẹ phải thay quần áo vì không muốn mẹ mặc đẹp hơn con.
“Hằng ngày, bố mẹ vừa tâm sự, vừa mắng nhiều lần nhưng bé vẫn không thay đổi được. Sắp có em rồi mà như thế này thì nguy hiểm quá”, mẹ Nhimtrang thổ lộ.
Làm thế nào để thay đổi ?
Chuyên gia giáo dục Lệ Thủy cho biết, lời khen là cách động viên bé rất hiệu quả nhưng bố mẹ cũng cần sử dụng hợp lý, khen một cách cụ thể những việc con làm tốt. Nếu lạm dụng nó có thể khiến trẻ tự phụ và ích kỷ. Ngoài ra, các phụ huynh cũng cần học cách từ chối những đòi hỏi vô lý của con, ví dụ như bắt mẹ thay đồ vì không muốn mẹ đẹp hơn con.
Ngoài ra, với trẻ nhỏ, những cách như mắng mỏ hay tâm sự, nhắc nhở thường không mấy tác dụng. Các bé có thể nghe rồi quên ngay. Điều quan trọng là bố mẹ cần làm gương để các bé noi theo.
Nhà giáo dục cho rằng, trẻ học nhanh nhất là từ bắt chước, nên nếu muốn dạy con thành người biết quan tâm, chia sẻ, trước tiên bố mẹ hãy thực hành điều đó. “Cách bạn đối xử với mọi người xung quanh, cách bạn bày tỏ thái độ, tình cảm của mình… sẽ là tấm gương trẻ soi vào và học theo nhanh nhất”, bà Thủy nói.
Benh.vn (theo vnexpress)