Người cao tuổi là đối tượng cần được sự quan tâm đặc biệt, nhất là sức khoẻ. Khi tuổi cao, sức chống đỡ và sự chịu đựng trước các yếu tố và tác nhân bên ngoài kém đi rất nhiều, đây chính là điều kiện thuận lợi để bệnh tật phát sinh.
Mục lục
Ở người già bệnh thường phát triển chậm chạp, âm thầm khó phát hiện. Và khi mắc bệnh thường mắc nhiều bệnh cùng một lúc, gây suy sụp sức khỏe rất nhanh. Nghiên cứu y tế chuyên về Lão khoa nhận định, trong số những người trên 65 tuổi, thì có gần 33% bị suy giảm chức năng, mất khả năng lao động và ở độ tuổi 80 trở lên thì tỷ lệ này là 64%. Tỷ lệ mắc bệnh tăng lên theo tuổi và trong độ tuổi 60 trở lên thì tỷ lệ mắc bệnh cao gấp 1,7 – 2 lần so với độ tuổi dưới 40.
Để giúp các gia đình có kỹ năng chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi? Hiểu biết về những căn bệnh hay gặp ở người cao tuổi? Cách xử trí tại gia đình khi xảy ra những tai biến nguy hiểm trước khi được cấp cứu tại bệnh viện? Chúng ta hãy cùng Benh.vn tìm hiểu vấn đề này.
1. Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
Chế độ ăn uống:
– Ăn uống điều độ, đầy đủ dưỡng chất: Tránh ăn quá no, đặc biệt buổi tối trước khi đi ngủ và khi có bệnh ở hệ tim mạch.
– Chế biến các món ăn hỗn hợp có nhiều gia vị kích thích ăn ngon miệng. Thức ăn cần nấu nhừ (chú ý tới món canh) vì tuyến nước bọt và hàm răng của người nhiều tuổi hoạt động kém, khó nhai và nuốt thức ăn.
– Ðảm bảo uống đủ nước: nước trắng hoặc nước chè. Hạn chế uống nước ngọt. Người cao tuổi hay quên và có thể mất cảm giác khát, vì vậy cần tạo thành thói quen uống nước hàng ngày: ví dụ sáng uống hai cốc, trưa hai cốc, chiều hai cốc. Tránh uống nhiều nước buổi tối.
Chế độ luyện tập:
-Tập thể thao đều đặn tùy theo sức khỏe của mỗi người: tập yoga, các bài tập dưỡng sinh, đi bộ….
Chế độ nghỉ ngơi:
– Người cao tuổi mỗi ngày nên ngủ ít nhất 6 tiếng.
– Tư thế ngủ tốt nhất nghiêng về bên phải, như thế xương cốt, cơ thịt rơi vào trạng thái thả lỏng, dễ tiêu tan mệt mỏi. Nằm ngửa làm xương cốt, cơ thịt ở vào trạng thái căn thẳng, dễ nằm mơ ác mộng, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
Yếu tố tinh thần:
– Tôn trọng truyền thống kính già, yêu trẻ.
– Nâng cao tinh thần trách nhiệm của con, cháu trong việc chăm sóc cha mẹ, ông bà.
Yêu thương và chăm sóc người cao tuổi (Ảnh minh họa)
– Tạo một môi trường gia đình hạnh phúc, tình thương yêu và hiểu biết lẫn nhau.
– Nâng cao trách nhiệm của cha mẹ, ông bà trong việc chăm sóc con, cháu, tạo môi trường để phát triển toàn diện và hài hòa mọi khả năng của mỗi thành viên trong gia đình.
2. Những bệnh hay gặp ở người cao tuổi
Bệnh về tim mạch:
– Tai biến mạch máu não.
– Tai biến mạch vành tim.
– Biến chứng của bệnh tăng huyết áp, suy tim cấp.
Bệnh hô hấp:
– Viêm phổi cấp.
– Cơn hen phế quản cấp tính, ho ra máu (do giãn phế quản, lao phổi, ung thư phế quản, do bệnh tim, bệnh máu): tắc thở do trào tắc (nôn mửa nhiều trào tắc khí quản).
Bệnh về tiêu hóa:
– Chảy máu trong hoặc nôn ra máu (do loét dạ dày, ung thư)
– Ngộ độc ăn uống (nhiễm độc cấp, rượu…)
– Đau bụng cấp (do bệnh dạ dày, gan mật, tắc ruột, viêm tụy cấp)
– Tiêu chảy cấp (do nhiễm khuẩn, nhiễm độc)
– Dị vật thực quản (do nuốt vật rắn, hóc xương, răng giả).
Bệnh tâm thần kinh:
– Cơn kích động, cơn động kinh, hôn mê, liệt (do trung ương hay ngoại vi)
– Rối loạn tiền đình nặng.
Ngoài ra còn gặp những chấn thương do:
– Chảy máu, gãy xương, sai khớp, tổn thương não tủy..
– Choáng và các tai nạn khác như: hôn mê do đái tháo đường, ngộ độc thuốc, ngộ độc khí đốt (bếp gas), đuối nước, bỏng (lửa, axít, kiềm).
3. Những lưu ý khi sơ cứu tại nhà
– Bình tĩnh, đặt người bệnh nằm yên tĩnh ngay tại chỗ, nới bớt thắt lưng, quần áo, tránh lạnh và gió lùa.
– Động viên người bệnh yên tâm không quá hoảng sợ.
– Tìm mọi cách gọi y tế nhanh nhất để xử lý đúng và kịp thời.
– Trường hợp nghi ngộ độc: giữ thức ăn thừa hoặc thuốc để nghiên cứu hoặc giữ lại ít chất thải (nôn, phân, máu…) để làm xét nghiệm nếu cần thiết.
– Nếu do chấn thương gây chảy máu, gãy xương thì tạm thời sơ cứu bằng cách băng bó, ga rô, nẹp.
Sơ cứu tại nhà (Ảnh minh họa)
Những điều có thể làm (trong điều kiện cho phép):
– Đếm mạch, đo huyết áp, cặp nhiệt độ (nếu có sốt);
– Hà hơi thổi ngạt và xoa bóp ngoài tim khi không còn mạch;
– Sử dụng loại thuốc đã biết và đã sử dụng quen ở các lần xảy ra cấp cứu trước đây (hôn mê do bệnh đái tháo đường, cơn hen phế quản cấp, cơn đau thắt ngực…).
Không nên:
– Vội vã cõng vác người bệnh trong khi họ đang cần nằm thật yên tĩnh;
– Đè bệnh nhân ra để xoa bóp, day huyệt, đánh gió trong lúc chưa rõ bệnh;
– Vội vàng làm hô hấp nhân tạo, xoa bóp ngoài tim không đúng chỉ định;
– Cho tiêm hoặc uống thuốc trong khi chưa rõ bệnh, chưa có hướng dẫn của thầy thuốc;
– Tập trung đông người gây ồn ào, ngột ngạt và làm người bệnh thêm lo sợ.
4. Gọi cấp cứu
– Liên lạc về số máy cấp cứu y tế ở Việt Nam là: 115
Cung cấp những thông tin sau:
+ Địa chỉ chính xác của nơi cấp cứu
+ Số điện thoại bạn đang gọi?
+ Vấn đề là gì? Cho biết chính xác những gì đã xảy ra?
+ Bệnh nhân bao nhiêu tuổi?
+ Bệnh nhân mê hay tỉnh?
+ Bệnh nhân còn thở hay không?
5. Lời kết
Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là truyền thống của người dân Việt Nam, qua đó thể hiện tình cảm gần gũi, yêu thương giữa các thành viên trong gia đình. Đó cũng là yếu tố tinh thần giúp người cao tuổi sống vui, khỏe và hạnh phúc trong quãng thời gian còn lại của cuộc đời bên con cháu.
Benh.vn